Đây được xem như một phần trong các biện pháp cải tổ hoạt động bán lẻ của tân chủ tịch Xiaomi Trung Quốc, ông Lu Weibing.
Quý 3 vừa qua là quãng thời gian đau đớn cho Xiaomi khi họ bị đồng hương Huawei đè bẹp trên thị trường smartphone Trung Quốc. Trong khi lượng xuất xưởng smartphone Xiaomi tại Trung Quốc quý 3-2019 lao dốc đến 38%, smartphone Huawei lại tăng trưởng đến 63%. Thậm chí, nhà sáng lập Lei Jun còn phải từ chức chủ tịch Xiaomi tại Trung Quốc để chuyển quyền điều hành sang cho ông Lu Weibing.
Thất bại đau đớn là thế, nhưng Xiaomi vừa cho thấy mình đang muốn "khô máu" tới cùng với Huawei tại Trung Quốc. Công ty cho biết vừa đồng loạt khai trương hơn 100 cửa hàng Mi Store tại Trung Quốc vào ngày 28/12 vừa qua.
Việc khai trương đồng loạt các cửa hàng bán lẻ offline tại Trung Quốc là một phần trong các biện pháp cải tổ lại kênh phân phối, được ông Lu Weibing đưa ra sau khi đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Xiaomi Trung Quốc.
Việc mở hàng loạt các cửa hàng mới này cho thấy nỗ lực mở rộng các kênh phân phối mới của công ty, cũng như củng cố hơn nữa tập khách hàng cốt lõi của mình. Trong danh sách 100 cửa hàng mới mở lần này, hơn 80% trong số đó thuộc về các đối tác bên thứ ba của công ty.
Trong khi doanh thu và lượng xuất xưởng smartphone Xiaomi lao dốc, còn doanh thu dịch vụ internet quá nhỏ bé, công ty vẫn còn một điểm sáng khác trong hoạt động kinh doanh của mình, đó là các thiết bị điện tử IoT (Internet of Things) và đồ gia dụng mang thương hiệu Xiaomi. Quý vừa qua chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ của mảng kinh doanh này ở mức trên 40%.
Khai trương các cửa hàng bán lẻ và trải nghiệm sản phẩm không chỉ để cứu vãn mảng kinh doanh smartphone của công ty, mà còn là nơi quảng bá cho các sản phẩm gia dụng này, gia tăng thêm doanh thu bán hàng cũng như mang lại nguồn thu tiềm năng về dịch vụ trong tương lai. Tính đến nay, tổng cộng Xiaomi đã có hơn 6.000 cửa hàng tại Trung Quốc.
Được biết nhiều cửa hàng mới mở lần này của Xiaomi sẽ nằm ở các thành phố nhỏ hoặc các vùng nông thôn tại Trung Quốc, những nơi Xiaomi đang có ít cửa hàng hơn Oppo và Vivo. Hai thương hiệu thuộc công ty BBK Electronics này đã mở rộng nhanh chóng tại Trung Quốc trong vài năm qua nhờ đầu tư mạnh mẽ cho các cửa hàng thực tế hơn là bán hàng online.
Có lẽ động thái lần này của Xiaomi không chỉ là học tập thành công của đối thủ, mà còn tận dụng nó để củng cố lại vị thế của mình đang trên đà lao dốc.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín