Khốc liệt cuộc chiến giao hàng: Hai “ông lớn” Vietnam Post, Viettel Post đang mất dần thị phần vào tay EMS, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm
Đặc biệt tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội, tỷ lệ lựa chọn dịch vụ của Vietnam Post và Viettel Post đang ngày càng giảm dần.
Sự đầu tư vốn mạnh mẽ và gia tăng sử dụng công nghệ hiện đại biến cuộc chiến trong mảng giao hàng chặng cuối tại Việt Nam ngày càng căng thẳng hơn.
Theo báo cáo công bố gần đây của Hiệp hội Thương mại điện tử (Vecom), trên phạm vi cả nước, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) vẫn là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chuyển phát được lựa chọn nhiều nhất, chiếm tới 61%. Tiếp đó là Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) với tỷ lệ 25%. Tỷ lệ tương ứng cho EMS, Giao hàng nhanh và Giao hàng tiết kiệm là 5%, 1% và 1%.
Vecom đánh giá mặc dù vẫn giữ thị phần hàng đầu nhưng Vietnam Post và Viettel Post đang mất một lượng khách hàng đáng kể vào tay các đơn vị giao nhận khác, đặc biệt ở hai trung tâm thương mại điện tử là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Thậm chí ở Tp. Hồ Chí Minh, mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp chuyển phát rất cao, đơn vị nắm giữ thị phần cao nhất là Viettel Post cũng chỉ có khoảng 28%, sau đó là Vietnam Post 15%, EMS 10%, Giao hàng nhanh 5%, Giao hàng tiết kiệm 7%. Các doanh nghiệp chuyển phát khác chiếm tới 43%.
Ở Hà Nội, số đơn vị thuê Viettel Post đang chiếm áp đảo với hơn 52%, Vietnam Post là 20%, EMS 4%, Giao hàng nhanh 10%, Giao hàng tiết kiệm là 9%. Các doanh nghiệp chuyển phát khác chỉ chiếm 20%, thấp hơn tại TP HCM.
Tuy nhiên cũng theo Vecom, nhìn chung, các doanh nghiệp chuyển phát đang trên đà phát triển tốt. Tốc độ tăng trưởng trung bình năm 2018 so với năm 2017 của các doanh nghiệp chuyển phát tham gia khảo sát là 70%, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp thấp nhất vẫn đạt 30% và có 3 doanh nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng trên 100%.
Top 10 sản phẩm được mua bán trực tuyến phổ biến nhất bao gồm: 1) Quần áo, giày dép; 2) Điện tử, điện lạnh; 3) Sản phẩm Mẹ và bé; 4) Sách, văn phòng phẩm; 5) Thủ công, mỹ nghệ; 6) Linh phụ kiện; 7) Hóa mĩ phẩm; 8) Đồ nội thất; 9) Thực phẩm, đồ uống; 10) Đồ ăn nhanh.
Dù có những bước tăng trưởng đáng kể những đa phần các đơn vị chuyển phát đều gặp phải hai khó khăn chính liên quan đến năng lực quản lý kho hàng và vấn đề người dùng hoàn trả sản phẩm.
Cụ thể, về kho, Vecom cho biết tất cả doanh nghiệp tham gia khảo sát đều có kho riêng để lưu trữ hàng hóa tuy nhiên năng lực kho chưa đáp ứng được nhu cầu nên phần lớn doanh nghiệp chuyển phát vẫn phải thuê kho ngoài.
Hơn nữa, công nghệ vận hành kho chưa tiên tiến. Mới có 36% doanh nghiệp có hệ thống quản lý kho kết nối trực tuyến tới các khách hàng. Do công nghệ quản lý kho còn lạc hậu nên chi phí lưu kho và quản lý kho còn cao. Ở nhiều doanh nghiệp chi phí này chiếm trên 20% tổng doanh thu.
Riêng trong vấn đề hoàn trả hàng, Vecom chỉ ra tỉ lệ người mua hoàn trả sản phẩm đã đặt hàng trực tuyến cao, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Ước tính, tỉ lệ trung bình tổng giá trị của các sản phẩm hoàn trả so với tổng giá trị đơn hàng lên tới 13%. Một số doanh nghiệp phải chịu mức 26%.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín