Khôi phục 100% dung lượng Internet đi quốc tế trên cáp APG sau hơn 1 ngày gián đoạn
VNPT vừa xác nhận thông tin, vào 17h10 hôm nay, 25/4/2018, sự cố gây mất 930G dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến cáp biển APG xảy ra tối 23/4 đã được khắc phục, khôi phục hoàn toàn kênh truyền.
Như ICTnews đã thông tin, hôm qua, ngày 24/4/2018, VNPT đã phát đi thông báo về sự cố lần thứ ba trong năm nay của tuyến cáp quang biển quốc tế APG. Theo đó, ghi nhận từ hệ thống giám sát cho hay, vào lúc 23h50 ngày 23/4/2018, tuyến cáp quâng biển này đã xảy ra sự cố gây mất 930G dung lượng Internet từ Việt Nam đi quốc tế, với nguyên nhân ban đầu được xác định là do sự cố nhánh cáp vào trạm cập bờ Chongming/APG/China của tuyến cáp biển APG.
Cũng trong thông báo nêu trên, VNPT khẳng định ngay sau khi nhận được thông tin, đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức định tuyến, ưu tiên lưu lượng trên các hướng cáp biển khác đang hoạt động ổn định nhằm đảm bảo chất lượng kết nối quốc tế cho các khách hàng. Nhà mạng này cũng cho biết đang phối hợp chặt chẽ với các đối tác quốc tế xử lý (Thời gian hoàn thành dự kiến khoảng 2 đến 3 tuần tùy thuộc vào điều kiện thời tiết).
Sự cố lần thứ ba trong năm 2018 của tuyến cáp quang biển quốc tế APG hiện đã được khắc phục xong, khôi phục 100% dung lượng kênh truyền (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)
Tuy nhiên, trong trao đổi chiều nay với ICTnews, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam có tham gia đầu tư và khai thác tuyến cáp biển APG cho biết, kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến cáp biển APG đã được khôi phục vào khoảng 18h chiều nay, 25/4/2018, sau hơn 1 ngày gặp sự cố.
Thông tin nêu trên đã được đại diện VNPT xác nhận. VNPT cho biết, theo thông tin do đối tác quốc tế cung cấp và dữ liệu từ hệ thống giám sát của VNPT NET, vào lúc 17h10 chiều nay, ngày 25/4/2018) sự cố gây mất 930G dung lượng kết nối Internet đi quốc tế trên tuyến cáp biển APG đã được khắc phục, khôi phục hoàn toàn kênh truyền.
"Nguyên nhân của sự cố ngày 23/4 vừa qua trên tuyến cáp biển APG được xác định là do đối tác quốc tế cấu hình nguồn trên tuyến cáp. Qua theo dõi của chúng tôi đến thời điểm hiện tại, chất lượng kết nối trên tuyến APG đã ổn định", đại diện VNPT thông tin.
Sau 4 năm triển khai đầu tư, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway - APG đã được đưa vào vận hành thử nghiệm từ cuối tháng 10/2016 và vận hành chính thức, phục vụ khách hàng từ khoảng giữa tháng 12/2016. APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam là VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom và được đánh giá là tuyến cáp sẽ góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh tuyến cáp biển AAG thường xuyên gặp sự cố.
Có khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps, tuyến cáp quang biển quốc tế APG có chiều dài khoảng 10.400 km được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương. Cáp có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.
Theo thống kê, tính từ khi được đưa vào sử dụng chính thức (tháng 12/2016) cho đến nay, cáp quang biển quốc tế APG đã gặp sự cố 5 lần. Lần đầu tiên trong năm 2018, tuyến cáp biển APG bị gián đoạn liên lạc là ngày 6/1, khi đối tác quốc tế phải thực hiện di dời cáp phục vụ việc mở rộng sân bay Changi-Singapore. Lần thứ hai trong năm nay là vào sáng 27/2 tại vị trí cách Hong Kong 125 km. Và lần thứ ba là vào 23h50 ngày 23/4 vừa qua. Trước đó, trong năm 2017, tuyến cáp biển APG cũng đã có 2 lần gặp sự cố lần lượt vào các ngày 20/6 và 23/12/2017.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"