Khốn khổ như làm phù dâu ở Trung Quốc, dịch vụ cho thuê phù dâu “nở rộ”

    Lưu An,  

    Trong một số trường hợp, các phù dâu Trung Quốc bị lột quần áo, tấn công tình dục hoặc phải tham gia những trò chơi khiếm nhã như “tìm lạc rang trong váy”...

    Theo phong tục truyền thống của Trung Quốc, một lễ cưới thường bao gồm bữa tiệc linh đình thiết đãi người thân, bạn bè, lễ rước dâu và cuối cùng là các trò mua vui ở phòng ngủ. Phù dâu đóng vai trò chính trong toàn bộ quá trình này, từ đón khách ở nơi tổ chức tiệc, tạo dáng chụp hình đến uống rượu thay cô dâu và canh giữ khuê phòng.

    Để thực hiện trọng trách này, không ít phù dâu bị ngộ độc rượu, thậm chí tính mạng bị đe dọa khi phải chịu đựng những trò chơi biến tướng tiếp tay cho “yêu râu xanh” trong đám cưới.

    Lo ngại càng đẩy lên đỉnh điểm sau cái chết của một phù dâu ở thành phố Văn Xương, tỉnh Hải Nam hồi tháng 9. Báo giới địa phương cho biết cô gái 28 tuổi này bị ép uống rượu thay cho cô dâu tới ngất xỉu. Dù các bác sĩ nỗ lực cấp cứu nhưng vẫn không giữ được mạng sống cho cô gái xấu số.

    Một vụ việc khác xảy ra gần đây khiến dư luận xôn xao do nạn nhân là nữ diễn viên nổi tiếng Lưu Vân. Video gây sốt trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy người đẹp này bị các phù rể cố gắng ném xuống bể bơi khi cô làm phù dâu cho đám cưới một người bạn.

    Truyền thống đã thay đổi

    Phù dâu vốn là tục lệ lâu đời ở Trung Quốc. Thời phong kiến cách đây nhiều thế kỷ, khi chuyện sinh quý tử được đặc biệt coi trọng, mỗi cô dâu đều đối mặt với nguy cơ bị các băng đảng đối thủ hoặc du côn bắt cóc, giành giật vào ngày lên kiệu hoa. Gánh trách nhiệm bảo vệ cô dâu, các phù dâu phải ăn mặc giống hệt để đánh lạc hướng các đối tượng cướp dâu.

    Ngày nay, nạn tranh cướp cô dâu không còn nên vai trò của phù dâu cũng đổi khác. Họ trở thành người chia sẻ những gánh nặng của cô dâu trong các khâu như đón dâu, tiếp khách... Ngoài ra, nhiều gia đình còn muốn dùng dàn phù dâu xinh đẹp để phô trương gia thế. Trong đám cưới ngày nay, số lượng và sự xinh đẹp của phù dâu thường được coi là sức mạnh và "bộ mặt" của gia đình nhà gái.

    Tuy nhiên, bên cạnh đó, các phù dâu vẫn phải gánh vai trò bảo vệ cô dâu. Một phong tục phổ biến ở Trung Quốc là các đôi phải uống cạn ly với tất cả khách mời và điều này khiến nhiều phù dâu phải uống quá nhiều. Khi hoàn thành trách nhiệm của mình, một số người còn bị ngộ độc rượu, thậm chí có nguy cơ tử vong.

    Vì các phù dâu cũng đóng vai trò như một biểu tượng "tường rào" cuối cùng trước khi chú rể có thể vào phòng cô dâu, chú rể và các phù rể có thể lợi dụng việc "phá rào" để thực hiện các hành động quấy rối đối với phù dâu

    Mặc dù sex vẫn còn là chủ đề cấm kỵ ở nơi công cộng với hầu hết người Trung Quốc, đám cưới như một “cơ hội hiếm có” để một số nam giới thể hiện ham muốn tình dục và thoải mái quấy rối, lạm dụng. Điều này càng trở nên trầm trọng hơn khi các phù dâu và phù rể uống quá chén. Trong một số trường hợp, các phù dâu thậm chí còn bị lột quần áo, tấn công tình dục hoặc phải tham gia những trò chơi khiếm nhã như “tìm lạc rang trong váy”...

    Những vụ ngược đãi phù dâu nếu báo cảnh sát sẽ bị truy tố và phạt nghiêm nhưng nhiều phụ nữ ngại tiết lộ các thông tin này vì sợ ảnh hưởng đến thanh danh và sau này khó lấy chồng. Điều này càng gây khó khăn cho việc thống kê mức độ phổ biến của các vụ tấn công tình dục với phù dâu trong các đám cưới.

    Phù dâu trở thành nghề “hái ra tiền”

    Trước tình hình trên, ngày càng nhiều cô gái e ngại khi được bạn bè mời làm phù dâu. Kết quả là, nhiều cô dâu phải đi thuê dịch vụ. Hiện nay, có khoảng 50 công ty tổ chức đám cưới ở Trung Quốc cung cấp phù dâu trong dịch vụ cưới hỏi trọn gói.

    Một phù dâu chuyên nghiệp được yêu cầu đóng vai trò như người trang điểm, biết uống rượu, ngăn các khách mời có hành vi khiếm nhã với cô dâu... Họ còn phải biết cười xã giao, khuấy động không khí vui nhộn tại bữa tiệc cưới hoặc tham gia vào một số trò mua vui thô tục.

    Tùy vào độ khó của dịch vụ cung cấp, các phù dâu chuyên nghiệp sẽ được trả khoảng 200 đến 800 nhân dân tệ (khoảng 660.000 đến 2.600.000 đồng) trong mỗi đám cưới.

    Đây có thể là một tín hiệu tốt đối với các cô dâu tại Trung Quốc khi họ không thể nhờ được bạn bè làm phù dâu. Nhưng nếu không có các quy định pháp lý phù hợp, nghề phù dâu có thể trở nên nguy hiểm, nhất là ở một số vùng hà khắc tại Trung Quốc. Mặt khác, nó càng củng cố thêm tư tưởng rằng cơ thể phụ nữ được xem như một loại hàng hóa để mua bán - điều vôn vô cùng sai trái.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ