"Không có chuyện thâu tóm thù nghịch ở Nhóm Mua"

    PV,  

    Nhà đầu tư không có ý định mua lại cổ phần của ông Tom Trần (?!)

     Vừa qua, có một số tin đồn cho rằng việc chuyển đổi vị trí CEO Nhóm Mua giữa ông Tom Trần và ông Kyle Phạm là hành vi “thâu tóm thù nghịch”. Ông Tom Trần cũng nhận xét rằng nhà đầu tư muốn giành 100% quyền kiểm soát ở Nhóm Mua, nơi ông này đang giữ 27,73% cổ phần. 


    "Không có chuyện thâu tóm thù nghịch ở Nhóm Mua" 1


     Ông Kyle Phạm đại diện cho các nhà đầu tư vào Nhóm Mua đã trả lời phỏng vấn để làm sáng tỏ những điều dư luận đang xôn xao quanh sự việc tại công ty Nhóm Mua. 


      PV: Việc thay đổi CEO ở Nhóm Mua có diễn ra đúng quy định của pháp luật và điều lệ công ty không, thưa ông? 

     Ông Kyle Phạm : Hoạt động thay đổi lãnh đạo điều hành ở Nhóm Mua được thực hiện đúng quy định. Hoàn toàn không có chuyện “thâu tóm” hay “đánh úp”. Vì: 

     Thứ nhất, nhà đầu tư đại diện cho 72,27% vốn điều lệ của Nhóm Mua, có quyền quyết định CEO theo luật định (Theo điểm a, Khoản 2, Điều 52, Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005). 

     Thứ hai, ông Tom Trần vắng mặt trong 2 cuộc họp Hội đồng thành viên. Cuộc họp lần thứ nhất diễn ra ngày 07/11/2012 và cuộc họp lần thứ hai diễn ra ngày 12/11/2012. 

     Ông Tom Trần vắng mặt mặc dù đã được thành viên góp vốn lớn nhất (72,73% vốn điều lệ) của công ty đã ra thông báo mời họp hội đồng thành viên theo quy định tại Điều lệ Công ty và Khoản 2, Điều 41; Khoản 4 và khoản 5 Điều 50 Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005. 

     Thứ ba, với cương vị là nhà đầu tư, chúng tôi cần phải đảm bảo tài chính công ty phải minh bạch, đội ngũ lãnh đạo và nhân viên phải trong sạch và tuân thủ luật pháp Việt Nam và quy định của công ty. Nên việc thay thế CEO là để làm trong sạch đội ngũ lãnh đạo và nhân viên, nhằm bảo đảm không có việc tư lợi cá nhân mà phá hoại hình ảnh công ty và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của Nhóm Mua là. Đây vì lợi ích lâu dài của nhân viên, khách hàng, đối tác.  

    "Không có chuyện thâu tóm thù nghịch ở Nhóm Mua" 2

    Hợp đồng ông Tom Trần cho Nhóm Mua vay 2 tỷ đồng với lãi suất 13%/tháng.  
    Ông Tom cho rằng đã đánh máy nhầm "năm" thành "tháng" .


      PV:  Nếu như việc thay đổi CEO là đúng pháp luật, tại sao nhà đầu tư lại dùng nhiều biện pháp nhanh chóng và quyết liệt để vào trụ sở của Nhóm Mua, cũng như thay thế các nhân sự chủ chốt của công ty? 

     Ông Kyle Phạm : Đứng trước nguy cơ một CEO “một tay đang che kín trời” thao túng mọi việc, thiếu minh bạch với nhà đầu tư, làm trái quy định pháp luật Việt Nam và điều lệ luật của công ty, chúng tôi buộc phải hành động nhanh do tính chất nghiêm trọng của sự việc. 

     Ông Tom cũng đã thừa nhận về khoản cho vay với lãi suất bất thường 13%/tháng của cá nhân mình với Nhóm Mua. Dù ông này cho rằng đây là sự “nhầm lẫn”, nhưng với số tiền lớn như thế, khó lòng có thể nhầm lẫn dễ dàng như vậy. 

     Và là một CEO của công ty thuộc loại hàng đầu về thương mại điện tử tại VN lại có sự nhầm lẫn căn bản như vậy trong một một thời gian dài thì không cần nhà đầu tư lên tiếng, công luận cũng sẽ cảm thấy bất bình về “sự nhầm lẫn” này. 

     Ngoài ra chúng tôi đang có trong tay những bằng bằng chứng về sự không minh bạch trong tiền bạc của ông Tom. 

     Cơ quan chức năng đang điều tra ông Tom vì những hàng hóa ông Tom cho bán trên mạng công khai không có xuất xứ và có hành vi vi phạm pháp luật. 

     Vì thế, chúng tôi bắt buộc phải hành động kịp thời để bảo vệ tài sản và uy tín của công ty cũng như lợi ích của khách hàng. Hành động “niêm phong” công ty cũng chỉ nhằm cô lập các thông tin về tài chính, kế toán của công ty để phục vụ điều tra. 

     Đặc biệt, hành động nhanh chóng của chúng tôi là còn để bảo vệ ngay lập tức cho các nhà cung cấp và khách hàng của Nhóm Mua trước những mối nguy hiểm hiển hiện nêu trên. 

     Chúng tôi xin được đính chính luôn, cho đến thời điểm này,  duy nhất chỉ có vị trí CEO được thay đổi  còn lại tất cả nhân viên đều được chúng tôi trọng dụng và khuyến khích họ làm việc bình thường sau những cú sốc tâm lý vì biến động của công ty.vừa qua. 


      PV: Quan điểm của ông về cách hành xử của ông Tom trong sự việc thay đổi CEO lần này. 

     Ông Kyle Phạm : Ông Tom vắng mặt hai buổi họp của Hội đồng thành viên là trái với điều lệ luật công ty, cho người nhà giữ dấu trái quy định là vi phạm pháp luật Việt Nam. Cùng với việc không về nước giải quyết vấn đề, các khoản cho vay “mờ ám” của ông với công ty cho thấy ông Tom đang có thái độ chống đối lại nhà đầu tư. 

     Tôi cho rằng nếu thật sự ông Tom nghĩ cho nhân viên và lợi ích công ty thì ông Tom nên có thiện chí bàn giao công việc để công ty ổn định trở lại. 


      PV: Xin ông cho biết bên Nhà đầu tư đã có quyết định thế nào về vị trí của ông Tom Trần ở Nhóm Mua? Nhà đầu tư có quyết định mua lại cổ phần của ông Tom không? 

     Ông Kyle Phạm:  Nhà đầu tư thật sự có thiện chí và không muốn làm sự việc bung bét ra sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh và uy tín của Nhóm Mua, nên đã nhiều lần yêu cầu ông Tom chuyển về làm vị trí cố vấn thay vì làm Giám đốc điều hành. Nhưng có lẽ vì những yếu tố cá nhân, nên ông Tom cương quyết không đồng ý. 

     Nhà đầu tư là những người thật sự bỏ tiền vào để vận hành công ty và dự án này cũng chỉ là một trong rất nhiều dự án khác của nhà đầu tư trên trên thế giới. Họ sẽ không đủ sức để điều hành tất cả những đầu tư dự án của mình, nhất là những khoản đầu tư chưa phải là lớn so với những dự án khác của họ. 

     Nên, thực tế là nếu có một CEO làm việc có năng lực và hiệu quả, công ty đang phát triển tốt thì nhà đầu tư sẽ không bao giờ thay thế CEO. Chúng tôi sẽ vừa mất tiền, lại mất uy tín, thời gian và tâm trí... 

     Tôi nghĩ công luận luôn có những đánh giá sáng suốt và công bằng, nên chúng tôi đã không lên tiếng, mà cố gắng tập trung, dồn sức để ổn định công ty. 

     Nhà đầu tư chưa bao giờ có chủ trương mua lại cổ phần của ông Tom. Vì vậy, đây không phải là sự thâu tóm. 


      PV: Ông bình luận thế nào về việc có dư luận cho rằng ông Tom đã điều hành công ty theo phong cách “Gia đình trị”? 

     Ông Kyle Phạm : Ở những công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty Mỹ, thì điều lệ công ty sẽ không cho những người thân làm việc chung một công ty, đặc biệt là báo cáo trực tiếp cho nhau (direct report).  

     Ông Tom thuê dì của mình làm trợ lý CEO và đồng thời giữ con dấu trái phép khi CEO không có mặt. Tom có quốc tịch Mỹ và bà Becky là dì của Tom cũng mang quốc tịch Mỹ. Đúng ra họ là những người phải hiểu rõ hơn ai hết điều này. 

     Nhưng hình như họ không quan tâm và thậm chí vi phạm luôn cả luật của nước sở tại về hành chính, con dấu. 

     Bản thân tôi cũng chỉ là người đi làm thuê, nhưng tôi luôn ý thức về uy tín và trách nhiệm. Vì dù ở cương vị nào, đất nước nào ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt luật lệ, chúng ta còn tuân thủ cả tòa án lương tâm mình thì mới bền lâu. 

      PV: Các nhà đầu tư và ông đang có những kế hoạch gì để khôi phục lại hình ảnh và hoạt động kinh doanh của thương hiệu Nhóm Mua sau những rắc rối vừa qua? 

     Như đã nói, nhà đầu tư là những người muốn làm chuyên nghiệp và cam kết đầu tư lâu dài. Vì tính chuyên nghiệp và bài bản, nên chúng tôi không cho phép những sai sót nhỏ xảy ra dù là ở nhân viên hay lãnh đạo cấp cao. 

     Chúng tôi đã phải trải qua những thời gian vô cùng khó khăn để đưa ra những phương án giải quyết tối ưu nhằm bảo vệ công ty. 

     Bản thân tôi cũng đã từng kinh qua những vị trí quan trọng của nhiều công ty tầm cỡ, nên tôi thấy việc thăng trầm trong kinh doanh hay tổ chức là bình thường, nhất là trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế như hiện tại. 

     Nhưng cũng qua đó, chúng tôi thấy được sự hết lòng của nhân viên, sự tín nhiệm của đối tác, sự ủng hộ của cộng đồng...nên chúng tôi lại càng quyết tâm chỉnh đốn công ty, ngày càng chuyên nghiệp, phát triển hơn. 

     Vì thế, tôi cùng các cộng sự đang cùng sát cánh để ổn định công ty cũng như hợp tác với các đối tác để Nhóm Mua tiếp tục giữ vững vị trí hàng đầu thị trường. Xin chân thành cảm ơn ông. 


    Theo Miên Viên
     CafeBiz/TTVN

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày