Chạm điện thoại vào gần con chip, nó sẽ báo cho bạn biết miếng thịt còn tươi ngon hay không.
Nỗi ám ảnh của những người đàn ông chẳng mấy khi đi chợ là không biết mình có mua phải thịt ôi hay không. Nhưng sớm muộn, nỗi lo này sẽ được giải tỏa bằng một công nghệ mới. Các nhà khoa học Mỹ và Trung Quốc vừa tạo ra được một con chip có khả năng "ngửi" thấy thịt ôi.
Trên con chip có gắn một cảm biến, có khả năng phát hiện các chất hóa học giải phóng trong quá trình thịt bị phân hủy. Nó còn được tích hợp công nghệ NFC, nên bạn chỉ cần đặt điện thoại gần con chip này để biết miếng thịt còn ăn được hay không.
Nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Nano Letters, có thể giúp giảm thiểu hàng triệu ca ngộ độc thực phẩm trên toàn thế giới mỗi năm.
Nguyên mẫu con chip tích hợp NFC giúp bạn phát hiện thịt ôi, thịt hỏng
Con chip phát hiện thịt ôi được tạo ra dưới sự hợp tác của các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Nam Kinh, Trung Quốc và Đại học Texas, Hoa Kỳ. Nó sử dụng công nghệ giao tiếp trường gần, gọi tắt là NFC (Near Field Communications), và có khả năng tương tác với bất kể một chiếc điện thoại thông minh có tích hợp công nghệ này.
Chíp NFC được gắn với một cảm biến khí làm từ vật liệu polyme. Cảm biến có khả năng phát hiện các chất được gọi là amin sinh học (BA), chính là thành phần có mùi ôi thiu, sinh ra trong quá trình thịt bị phân hủy.
Trong thử nghiệm, các nhà khoa học để con chip này cạnh một miếng thịt ôi. Miếng thịt đã được xẻ từ ngày hôm trước, nhưng không được ướp lạnh mà chỉ để ở ngoài nhiệt độ 28oC. Kết quả là cảm biến đã phát hiện được một lượng đáng kể các amin BA.
Sau khi chạm điện thoại thông minh vào chip NFC, tín hiệu đã được ghi nhận, xác định miếng thịt không còn an toàn để ăn nữa.
“Chúng tôi tận dụng những ưu điểm của công nghệ NFC, bằng cách kết hợp nó với một polyme dẫn điện nhạy cảm cao với chất khí, có cấu trúc nano dễ dàng in được đóng vai trò như một công tắc cho thẻ NFC”, nhà nghiên cứu Guihua Yu cho biết.
“Các amin được giải phóng bởi thực phẩm hư hỏng sẽ làm điện trở của polyme và bật thẻ NFC. Khi đưa điện thoại thông minh đến gần các thẻ, một cảnh báo sẽ được gửi đến điện thoại”.
Từ trước đến nay, công nghệ NFC đã được áp dụng dưới nhiều hình thức, nhằm đem đến thuận tiện cho người tiêu dùng. Chẳng hạn như, NFC giúp thanh toán điện tử chỉ qua một lần chạm, các chíp NFC an ninh trong cửa hàng thời trang, cửa hàng rượu…
Trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ cho biết chỉ riêng tại Mỹ đã có 48 triệu người bị ngộ độc mỗi năm. Trong số đó, khoảng 125.000 người phải nhập viện và 3.000 người chết.
Tại Anh, mỗi năm cũng có hơn 1 triệu trường hợp ngộ độc thực phẩm - từ các mầm bệnh đã biết và chưa xác định -, theo số liệu từ Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm. Đối với những trường hợp nhẹ, bệnh nhân thường không tới bệnh viện kiểm tra, nên số trường hợp ngộ độc thực phẩm thực tế có thể cao hơn nhiều con số thống kê được.
Không còn nỗi lo mua phải thịt ôi ngoài chợ nhờ những con chip tích hợp NFC
Nếu một phiên bản thương mại của con chip NFC phát hiện thịt ôi này có thể được phát triển và tung ra thị trường, nó sẽ cung cấp một lựa chọn hợp lý và tiện dụng hơn công cụ tương tự đang được sử dụng bởi cơ quan kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm.
Quan trọng là ngay cả người tiêu dùng bình thường cũng có thể tiếp cận được công nghệ này. Lí do vì NFC được tích hợp trong hầu hết các loại điện thoại thông minh ngày nay.
“Thẻ NFC là thứ rất linh hoạt, không cần pin và có thể kết nối với điện thoại thông minh”, giáo sư Yu cho biết thêm. “Tất cả các tính năng này làm cho nó phù hợp để được áp dụng với các cảm biến không dây, có thể đeo để phát hiện hợp chất sinh học, giám sát môi trường và chẩn đoán chăm sóc sức khỏe”.
Sẽ phải mất một thời gian nữa để bạn thấy những chiếc thẻ NFC thông minh phát hiện thịt ôi ngoài thị trường.
Các nhà khoa học cần thực hiện thêm một số cải tiến để đáp ứng nhu cầu thực tế và hành vi người tiêu dùng. Chẳng hạn như các gói phần mềm cần được cải thiện hơn, với giao diện dễ tương tác hơn. Nhưng một khi con chip ra đời, nó sẽ là một công cụ hữu ích dành cho tất cả mọi người.
Tham khảo Dailymail
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android