Samsung đã có một năm rực rỡ với vô số các dấu mốc đáng nhớ. Và câu hỏi đặt ra là: Liệu rằng Samsung có đủ bản lĩnh để vượt qua “cái bóng” của chính mình và làm nên một câu chuyện mới trong năm 2016?
2015: Năm “hồi sinh” của Samsung
Được giới thiệu lần đầu vào năm 2011, dòng sản phẩm Note đã giúp Samsung dần thay đổi được hình ảnh từ một nhà sản xuất “theo đuôi” chỉ biết bắt chước trở thành một trong những nhà sản xuất “tiên phong” trong lĩnh vực thiết kế và sáng tạo nên những sản phẩm “kinh điển”. Tiếp nối thành công của Note, “quả bom tấn” Edge ra mắt trong năm 2015 đã giúp Samsung định vị được tên tuổi của mình: Samsung trở thành nhà sản xuất điện thoại đầu tiên đột phá với thiết kế màn hình cong hai bên. Thiết kế mới này không chỉ tạo nên một cuộc “cách mạng” cho Samsung, “thay da đổi thịt” cho các sản phẩm thuộc seri S sau đó của hãng mà còn giúp thổi một luồng gió mới vào các thiết kế điện thoại Android trên thị trường đang ngày càng nhàm chán và “na ná” nhau.
Chỉ ít tháng sau sự kiện của Edge, Samsung tiếp tục giới thiệu sản phẩm mới, Galaxy Note 5 ra đời và được “thừa hưởng” thiết kế cong tràn cạnh viền ở phần lưng tạo nên đẳng cấp mới cho dòng Note “huyền thoại”. Không chỉ dừng lại ở các phiên bản cao cấp, Samsung hé lộ rằng thiết kế cạnh cong sẽ trở thành đặc trưng của hãng và tiếp tục xuất hiện ở các dòng điện thoại cấp trung như Galaxy A và dòng giá rẻ J series. Song song với những đổi thay về thiết kế, Samsung cũng tích cực để hoàn thiện hiệu năng của giao diện TouchWiz, và thậm chí hãng này còn gây bất ngờ khi cho “ra lò” chip xử lý riêng có tên Exynos 7420. Những thành tựu này lần lượt nối tiếp nhau, tất cả chỉ trong một năm 2015 khiến cả giới công nghệ và các chuyên gia đều phải “nghiêng mình bái phục” trước. Và thật không quá lời khi cho rằng năm 2015 là năm hồi sinh của nhà sản xuất đến từ xứ sở Kim Chi.
Một “Samsung” hoàn toàn khác
Sự “hồi sinh” của sản phẩm cũng chính là bức tranh phản ánh sự thay đổi từ đội ngũ lãnh đạo cấp cao của hãng. Kể từ sự kiện Chủ tịch Hội đồng Lee Kun Hee nhập viện hồi tháng 5/2014, trong nội bộ của Samsung bắt đầu có những dấu hiệu của sự chuyển giao quyền lực cho thế hệ trẻ hơn. Thay thế cho Lee Kun Hee là Lee Jae Yong, người con trai duy nhất của ông, lên nắm toàn quyền điều hành cho tập đoàn.
Thay đổi còn lan rộng ra cả khối nhân sự cấp cao của Samsung khi hãng này chính thức cắt chức Giám đốc mảng di động do J.K.Shin nắm giữ trong một thời gian dài. Người được bổ nhiệm thay thế là Koh Dong Jin, nguyên Trưởng bộ phận Samsung Pay và Knox, đồng thời là người chịu trách nhiệm giám sát quy trình sản xuất Galaxy S6 và Note 5.
Việc “thay tướng” cho mảng di động và bổ nhiệm Koh, chuyên trách về Nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Knox và Samsung Pay cho thấy phần nào chiến lược của Samsung trong dài hạn. Rõ ràng là “ông lớn” của Xứ Kim Chi đang chuyển hướng từ mảng phần cứng đang bị trì trệ và hướng sang khu vực “màu mỡ” hơn là khối doanh nghiệp, mảng phần mềm và bán linh phụ kiện cho các hãng. Bên cạnh đó, Samsung cũng mạnh tay đầu tư cho thiết bị thực tế ảo Gear VR và cho ra mắt siêu phẩm Gear S2 chạy hệ điều hành Tizen. Hướng phát triển này một lần nữa tái khẳng định chiến lược mới của hãng.
Trong báo cáo công bố doanh thu Quý 3 của năm 2015, Samsung cũng thừa nhận rằng: “Tốc độ tăng trưởng của thị trường smartphone dự kiến sẽ tiếp tục chững lại trong suốt năm 2016…Để tạo được nguồn thu lợi nhuận khác, hãng sẽ nỗ lực mở rộng thị phần của Samsung Pay trên toàn cầu, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của các thiết bị đeo thông minh đáp ứng nhu cầu thị trường.”
Mảng kinh doanh linh phụ kiện: “Chỗ dựa” mới của Samsung
Mặc dù mảng di động tiêu tốn khá nhiều tiền của Samsung nhưng kết quả thu được không mấy khả quan, do hệ lụy từ sự sụt giảm của thị trường di động. Trái lại, Samsung đang phải trông cậy vào các nguồn khu khác để bù lỗ cho di động. Nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Đầu tư HMC, Greg Noh cho biết: “Năm 2015, lợi nhuận từ mảng bán dẫn và màn hình của Samsung đã bù đắp phần nào kết quả yếu kém từ mảng di động và thiết bị điện gia dụng của hãng này.”
Phát biểu trên được đưa ra ngay sau khi Samsung công bố doanh thu ước tính Quý 4 năm 2015. Và mặc dù lợi nhuận của mảng di động bị sụt giảm rõ rệt do chi phí Marketing bị “đội giá” lên cao và ảnh hưởng từ các sản phẩm di động giá rẻ trên thị trường, nhưng Samsung vẫn kỳ vọng mức tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này là có cơ sở bởi trong Quý 3 năm 2015, Samsung đã ghi nhận mức tăng trưởng đầu tiên sau 7 quý liên tiếp sụt giảm. Và nếu kỳ vọng của Samsung trở thành sự thực thì hãng sẽ có 2 quý liên tục đạt mức tăng trưởng, một dấu hiệu tích cực cho sự phục hồi.
Môi trường kinh doanh khốc liệt
Theo số liệu từ các công bố kinh doanh, tình hình của Samsung có vẻ khá sáng sủa nhưng thực tế thì “cuộc đời không toàn màu hồng”. Quay trở lại thời điểm cuối năm 2014, Samsung đã tuyên bố kế hoạch cắt giảm 30% sản lượng smartphone. Ngay cả “gà đẻ trứng vàng” S6 của Samsung cũng đã từng phải “vật lộn” trong nửa năm với mức giá được sửa đổi do tình trạng ế ẩm. Để kích cầu, Samsung đã phải mạnh tay giảm giá tới 150 USD cho mỗi sản phẩm S6 hoặc Note 5. Và may mắn là tới thời điểm hiện tại cả Note 5 và Galaxy S6 đều có mức doanh số khá tốt.
Trong báo cáo kinh doanh quý 3, năm 2015, Samsung cho biết doanh số của các “siêu phẩm” di động có mức tăng rõ rệt, đồng thời, hãng cũng duy trì được nguồn thu lợi nhuận từ các sản phẩm tầm trung. Tuy nhiên, việc giảm giá sản phẩm như đã nói ở trên đồng nghĩa với việc cắt giảm phần nào lợi nhuận thu được từ mảng di động. Bản thân Samsung cũng ý thức rất rõ về môi trường kinh doanh khốc liệt khi mà ngày càng có nhiều hãng sản xuất smartphone tham gia “cuộc chơi”.
Thế nhưng theo báo cáo kinh doanh quý 4 vừa phát hành, mảng mobile của công ty Hàn Quốc chứng kiến mức tăng trưởng lợi nhuận 13%, còn doanh số bán giảm 3%. Về tổng thể, mobile đóng góp 36% trong tổng lợi nhuận hoạt động của công ty, giảm đáng kể so với những năm trước (có thời điểm mobile chiếm 2/3 lợi nhuận của Samsung).
Mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt trong khi sức mua của thị trường suy giảm
Trước những biến động của thị trường, Samsung đã “khôn ngoan” thu gọn lại danh mục sản phẩm, chỉ tập trung vào các thiết bị di động cốt lõi, đồng thời mở rộng thêm mảng sản phẩm thiết bị thực tế ảo và thiết bị đeo thông minh vốn đang hứa hẹn nhiều tiềm năng trên thị trường. Hãng này cũng đẩy nhanh tốc độ mở rộng của hệ thống thanh toán Samsung Pay và Knox. Bên cạnh đó, Samsung cũng tỏ ra lạc quan với việc giành được thương vụ sản xuất màn hình OLED cho iPhone 7 sẽ mang lại một món hời cho hãng song song với các nguồn thu dồi dào từ việc sản xuất bộ nhớ trong và linh kiện bán dẫn.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ thị trường smartphone đang dần trở nên suy yếu do sức mua giảm trong khi số lượng các nhà sản xuất thì lại ngày càng tăng. Tại phân khúc giá rẻ, những công ty như Xiaomi đang dần hình thành nên đế chế mới, đe dọa ngôi vị của Samsung. Ở đầu kia của bảng giá, phân khúc các sản phẩm đắt tiền, Samsung lại phải đối đầu với Apple. “Trái táo khuyết” đến từ Mỹ cũng đang dần thay đổi chiến lược, tung ra thị trường các thiết bị với màn hình cỡ lớn hơn, phá vỡ thế mạnh vốn có của Samsung. Mặc dù các động thái của Samsung vẫn cực kỳ khôn ngoan và vẫn đang đi đúng hướng nhưng có vẻ như chừng ấy chưa đủ để kiềm chân các đối thủ và lĩnh xướng vai trò “đầu tàu” của thị trường.
Trong buổi họp tổng kết của toàn thể công ty trước thềm năm 2016, CEO của Samsung, ông Kwon Oh-hyun đã nói: “Samsung dự kiến mức độ tăng trưởng chậm trong năm 2016 và trước mắt sẽ là thời gian khó khăn”. Rõ ràng Samsung không phải là nhà sản xuất duy nhất phải đối mặt với tình hình ảm đạm: Sony và HTC vẫn quay đều quay vòng chưa tìm ra lối thoát, LG gần như vẫn “giậm chân” tại chỗ và chưa có tiến triển, trong khi đó Motorola vừa trải qua cuộc “khủng hoảng về bản sắc” vì rơi vào tay của Lenovo, duy chỉ có Xiaomi vẫn chưa tung hết “công lực”.
Năm 2016 sẽ có khó khăn nào đang đón đợi Samsung? Vấn đề lớn nhất vẫn là có quá nhiều đối thủ cạnh tranh trong mảng thiết bị Android. Trong khi đó, Apple một mình một ngựa cùng hệ điều hành iOS đang trở lại với cuộc đua với phong độ tốt hơn nhờ vào doanh thu ấn tượng của các dòng iPhone 6 và 6 Plus. Nếu ví thị trường di động với chiếc bánh thì Apple đang chiếm giữ phần lớn kèm theo lợi nhuận kếch xù. Phần còn lại, vốn ít ỏi lại bị xâu xé bởi vô số các nhà sản xuất thiết bị Android. Rõ ràng là Samsung sẽ tiếp tục phải đau đầu để thu được lời từ phần “chia bánh” đang có.
2016: Samsung được gì và mất gì
Trong bối cảnh thị trường di động sụt giảm, Samsung rõ ràng chỉ còn cách tăng doanh thu từ việc bán linh phụ kiện. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dự đoán, sự sụt giảm về nhu cầu các thiết bị di động sẽ kéo theo cầu giảm cho các linh phụ kiện để sản xuất. Mặc dù vậy, “có còn hơn không”, “đại gia” xứ Kim Chi vẫn có hai thị trường để phát triển và chí ít thì có thể trông cậy nhiều hơn vào mảng bán linh phụ kiện; trong khi các nhà sản xuất khác phải vật lộn để tồn tại trên thị trường di động.
Tất cả đều trông chờ vào Galaxy S7
Theo công bố từ chính Samsung, hãng này sẽ đưa khe cắm thẻ nhớ microSD quay trở lại với các thiết kế, và cụ thể là “siêu phẩm” Galaxy S7 dự kiến ra mắt vào cuối tháng 2 năm 2016. Động thái này cho thấy nỗ lực để dành ngôi vị của Samsung: hãng không ngại tái sử dụng chi tiết cũ để đưa vào thiết kế mới, nhất là khi chi tiết này từng là “chìa khóa” thành công trong quá khứ. Thêm một lý do để Samsung quyết định đưa khe cắm quay trở về bản vẽ thiết kế là bởi thế hệ mới nhất, UHS- II của microSD cho tốc độ đọc và ghi chép dữ liệu rất nhanh, vượt mặt cả thẻ nhớ dạng flash đang được trang bị cho Galaxy S6.
Về mặt thiết kế, Galaxy S6 nhận được phản hồi khá tốt và tích cực từ phía khách hàng nên có thể Samsung không cần phải thay đổi nhiều trên S7. Thay vì lo lắng cho phần vỏ ngoài, Samsung có thể tập trung nhiều hơn cho các chi tiết như bộ vi xử lý hay RAM. Các chuyên gia dự đoán hai “ứng viên” sáng giá mà Samsung sẽ đưa vào S7 có thể là Exynos 8890 hoặc Snapdragon 820 để tăng hiệu năng xử lý của máy. Bên cạnh đó, S7 được kỳ vọng sẽ có RAM 4GB với một vài điều chỉnh cần thiết để quản lý dung lượng tốt hơn. Những đồn đoán về S7 còn cho thấy tuổi thọ pin sẽ dài hơn và khả năng chống chịu nước cũng tốt hơn. Một số nguồn tin khác còn hé mở về khả năng S7 sẽ được trang bị màn hình cảm ứng Force Touch dựa trên công nghệ ClearForce của Synaptics.
Năm 2015 ghi dấu ấn là năm của các thiết bị di động chụp ảnh chất lượng cao: một loạt các tên tuổi như Huawei, LG và Motorola đều lần lượt ghi danh kế sau “Quán quân” Samsung. Điều này hứa hẹn rằng năm 2016 sẽ tiếp tục có cuộc chiến không khoan nhượng giữa các hãng để giành ngôi vị cao nhất cho chất lượng camera. Vì thế mà có không ít tin đồn xung quanh việc Samsung sẽ làm đủ cách để nâng cấp trải nghiệm chụp ảnh trên di động: từ việc trang bị thêm cảm biến cho camera, nâng độ phân giải lên tới 20 MP cho tới việc sử dụng cả ứng dụng Live Photos như của Apple.
Những sản phẩm được kỳ vọng của năm 2016: Thiết bị đeo thông minh, hệ điều hành Tizen và Samsung Pay
Chắc chắn rằng năm 2016 sẽ là năm bùng nổ của các thiết bị đeo thông minh và Samsung sẽ có những động thái để tạo dấu ấn riêng trong mảng sản phẩm này. Trước mắt, Samsung có Gear 2 chạy hệ điều hành Tizen được đánh giá khá tốt nhưng số lượng ứng dụng quá ít sẽ là “gót chân Asin” cần sớm được khắc phục. Chừng nào Samsung còn chưa giải quyết được vấn đề này thì ngôi vị thống lĩnh của mảng thiết bị đeo vẫn còn nằm ngoài tầm với.
Với nỗ lực tập trung vào kinh doanh phần mềm, các mảng sản phẩm khác được kỳ vọng của Samsung là khối doanh nghiệp, thiết bị thực tế ảo và hệ thống Samsung Pay. Mặc dù vẫn có những tin đồn về việc Samsung sẽ cho ra mắt 3 hoặc 4 phiên bản của Galaxy S7 nhưng suy nghĩ một cách thực tế thì điều này có vẻ như quá xa vời. Lý do là bởi yêu cầu cho mỗi thiết bị di động ngày một khắt khe và cao hơn, trong khi đó mỗi ngày trên thị trường vẫn có hàng tá sản phẩm bị “quẳng ra ngoài cửa sổ”. Vì thế, mọi động thái đều cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng và mỗi sản phẩm ra đời đòi hỏi phải đủ bền bỉ để đáp ứng nhu cầu ngày một cao.
Dự đoán: Kịch bản nào dành cho Samsung?
Với nền tảng là nhà sản xuất đa năng, Samsung vẫn có lợi thế nhất định so với các nhà sản xuất non trẻ khác trong ngành di động đang phải đối mặt với thực tế ảm đạm. Nhiều khả năng Samsung sẽ dần chuyển hướng từ nhà sản xuất phần cứng hàng đầu thành chuyên gia cung ứng linh phụ kiện và phần mềm trong năm 2016. Theo đà tái cơ cấu sản phẩm, bộ máy quản lý cũng sẽ có sự thay đổi tương ứng và hi vọng rằng điều này sẽ thổi một luồng gió mới, mang đến những ý tưởng đột phá cho thương hiệu vốn đã nhiều tuổi của xứ Hàn.
Samsung cần phải chấp nhận thực tế rằng thời kỳ hoàng kim của hãng đã qua. Đã tới lúc Samsung cần hướng tới những dự tính xa hơn vượt ra ngoài phạm vi smartphone và máy tính bảng truyền thống. Đó có thể là thiết bị thực tế ảo, các thiết bị đeo thông minh hay bất cứ thứ gì, miễn là đáp ứng nhu cầu thị trường và hứa hẹn mang về khoản lợi nhuận khổng lồ.
Theo ictnews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming