Kiêu ngạo rồi phải cúi đầu: Bước ngoặt chữ U của Apple diễn ra như thế nào?

    Nam Nguyễn,  

    Bị “soái ca” Trung Quốc hắt hủi, “người đẹp” Apple liền quay sang làm thân với Ấn Độ.

    Apple đã ra mắt iPhone 6 và iPhone 6 plus vào tháng 9/2014. Hai dòng điện thoại này được ra mắt ở 10 quốc gia trong cùng một ngày, trong đó có Hồng Kông và Singapore ở Châu Á. Nhưng giống như nhiều sản phẩm khác của Apple trong 10 năm qua, hai dòng điện thoại trên không được mở bán chính thức ở Ấn Độ.

    Các fan của Apple ở Ấn Độ đã phải mua iPhone 6 và iPhone 6 plus trên thị trường xách tay với giá dao động từ 1400 - 2800 USD, gấp khoảng 5 lần giá bán chính thức ở Mỹ.

    Cho đến vài năm trước, Apple vẫn nhìn Ấn Độ bằng nửa con mắt. “Tôi yêu Ấn Độ nhưng tôi tin rằng Apple có tiềm năng lớn hơn ở … các nước khác. Điều đó không có nghĩa là chúng tôi không quan tâm đến Ấn Độ. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển thị trường ở đây, nhưng trong trung hạn, cơ hội ở các nơi là lớn hơn”, CEO của Apple, Tim Cook phát biểu vào tháng 7/2012.

    Nhưng trong vài tháng gần đây, Ấn Độ đã trở thành một thị trường triển vọng cho gã khổng lồ công nghệ của Mỹ. Trong buổi công bố lợi nhuận quý của công ty vào tháng 4/2016, Tim Cook đã gọi Ấn Độ là “một cơ hội thật sự lớn”. “Chúng ta đang đang tích cực hoạt động ở Ấn Độ trong 18 tháng qua, và tôi vui mừng khi thấy Apple bắt đầu gặt hái thành quả ở đây”, Tim Cook nói trong buổi công bố lợi nhuận của công ty.

    Và chưa đầy một tháng sau, Tim Cook đã có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới.

    Tình yêu mới

    Cho đến gần đây, Apple mới chỉ triển khai phân khúc smartphone cao cấp ở Ấn Độ. Phân khúc này chỉ chiếm khoảng 4% thị trường Ấn Độ. Hiện nay, Apple mong muốn bán nhiều iPhone cũ giá rẻ hơn, điều sẽ giúp tăng đáng kể doanh số ở một quốc gia coi trọng giá cả như Ấn Độ. Tuy nhiên, Apple vẫn chưa được chính phủ Ấn Độ cấp phép bán điện thoại tân trang ở nước này.

    Bất chấp những rào cản pháp lý, Tim Cook cho biết Ấn Độ là một trong những ưu tiên hàng đầu của Apple trong thời gian tới. Apple đang tích cực tiếp cận Ấn Độ và hy vọng ở lại thị trường này trong “một ngàn năm” nữa, theo lời của Tim Cook.

    Trong ngày thăm thứ nhất của Tim Cook, Apple đã thông báo thành lập một trung tâm phát triển ứng dụng di động ở Bengaluru vào đầu năm 2017. Một ngày sau đó, Tim Cook đã khai trương văn phòng mới của Apple ở Hyderabad. Apple sẽ tuyển tới 4.000 nhân viên mới ở văn phòng này.

    Mặc dù Apple không tiết lộ số tiền chính xác để đầu tư cho hai cơ sở trên, Tim Cook cho biết Apple sẽ chi “vài trăm triệu USD” cho văn phòng ở Hyderabad và trung tâm ở Bengaluru sẽ là một “khoản đầu tư lớn”.

    Tim Cook cũng gặp gỡ một vài doanh nhân hàng đầu của Ấn Độ, bao gồm các giám đốc cấp cao của Reliance Industries, ICICI Bank, Bharti Airtel và Tata Group. Ông đã giao lưu với cộng đồng start-up công nghệ đang bùng nổ ở nước này. Ông chủ của Apple thậm chí còn thăm một ngôi đền ở Ấn Độ và xem một trận đấu cricket.

    Tuy nhiên, việc Apple chưa đầu tư mạnh tay đã làm một số nhà quan sát thất vọng. “Tôi sẽ coi đây là động thái thăm dò thị trường và chưa thấy bất cứ kết quả nào trong ngắn hạn”, Vishal Tripathi, giám đốc nghiên cứu của Gartner nhận định.

    Xuống dốc ở Trung Quốc

    Chuyến đi của Tim Cook tới Châu Á đến vào thời điểm khi tăng trưởng của Apple chậm lại ở thị trường lớn thứ hai của hãng là Trung Quốc, và tăng mạnh ở Ấn Độ. Trong quý hai năm nay, doanh thu ở Trung Quốc đã lần đầu tiên sụt giảm trong khi doanh thu ở Ấn Độ tăng 56%. Ấn Độ được xem là Trung Quốc mới của Apple. Tuy nhiên, Tim Cook cho biết hai diễn biến trên không liên quan đến nhau.

    “Kế hoạch phát triển thị trường Ấn Độ không liên quan đến Trung Quốc”, Tim Cook nói.“Ấn Độ khác với Trung Quốc. Ấn Độ là một nơi khác và chúng tôi đang tiếp cận Ấn Độ một cách từ tốn. Chúng tôi tin rằng Ấn Độ có một tương lai tươi sáng và muốn mình là một phần của tương lai đó”.

    Trong quý hai năm 2016, doanh thu của Apple ở Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD. Trong khi đó, con số này ở Ấn Độ vẫn còn rất khiêm tốn. Nước này chỉ chiếm chưa đến 1% tổng doanh số của Apple. Trong khi Apple chưa thực hiện thương vụ đầu tư lớn nào ở Ấn Độ, Tim Cook đã đầu tư 1 tỷ USD vào dịch vụ gọi xe của Trung Quốc, Didi Chuxing.

    Nhưng dường như Apple đang đợi thời điểm thích hợp để đổ tiền tấn vào Ấn Độ, nền kinh tế lớn thứ ba Châu Á. “Tôi đến Ấn Độ để học hỏi về con người và văn hóa nơi đây, cách làm ăn kinh doanh và mối quan tâm của người dân. Tôi đã học hỏi được nhiều điều”, Tim Cook nói.

    Tham khảo: qz.com

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ