Kinh tế thời đại 4.0: Không lo sợ robot “cướp” hết công việc của con người

    Tuệ Minh, Theo Infonet 

    Tại các cuộc thảo luận trong khuôn khổ CEO Summit tại APEC Đà Nẵng, các chuyên gia, doanh nhân quốc tế và Việt Nam đã chia sẻ về những thách thức cũng như cơ hội của nền kinh tế toàn cầu thời đại 4.0.

    Ở phiên thảo luận với chủ đề “Tương lai của Toàn cầu hóa” trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo Doanh nghiệp APEC (CEO Summit), ông Philipp Rosler, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), cựu Phó Thủ tướng Đức gốc Việt, cho rằng thương mại tự do là nạn nhân của chủ nghĩa dân túy.

    Theo ông Rosler: “Công nghệ có thể làm mất việc làm, nhưng cũng cần việc làm mới và tạo nhiều việc làm hơn là lấy mất. Đổi mới tạo việc làm mới. Những thay đổi liên quan công nghệ mới đều tốt nhưng cũng có mặt trái của nó. Robot và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, tương lai của thế hệ sau như thế nào? Nếu các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp không có câu trả lời cho một thế giới ngày càng phức tạp, khi đó sẽ làm dấy lên chủ nghĩa dân túy”.

    Nhiều chuyên gia, doanh nhân tham dự APEC CEO Summit cho rằng không ít công việc trong tương lai sẽ bị thay bởi robot song không vì thế mà con người mất đi việc làm, trái lại vẫn có những việc làm mới sẽ được tạo ra và chỉ có thể do con người đảm nhận.

    Kinh tế thời đại 4.0: Không lo sợ robot “cướp” hết công việc của con người - Ảnh 1.

    Các diễn giả trong phiên thảo luận "Tạo việc làm trong thời đại công nghệ". Nguồn: APEC

    Trong buổi trao đổi về “Tương lai của việc làm” tại phiên khai mạc CEO Summit 2017, ông Nicolas Aguzin, Chủ tịch kiêm CEO của JP Morgan Châu Á – Thái Bình Dương nhận định: “Nếu nhìn vào lịch sử nhân loại thì quy mô thất nghiệp trên toàn cầu hiện tại đang thấp nhất trong mọi thời kỳ, chỉ 5-7%. Cách mạng công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ mở đường cho robot tiến vào nhà máy, văn phòng để thế chỗ cho người ở không ít loại hình công việc khác nhau”.

    Ông Nicolas thừa nhận, thị trường lao động thế giới đang có dấu hiệu của một giai đoạn bất ổn trong tình hình kinh tế toàn cầu có nhiều biến động. “Sự phát triển của thương mại và công nghệ đang mang lại nhiều tốt đẹp cho con người nhưng cũng tạo ra không ít bất lợi. Tuy nhiên, theo tôi, robot không cướp việc của con người bởi nhiều việc làm mới sẽ xuất hiện”, ông nói.

    Đồng quan điểm với đại diện từ JP Morgan, ông Aran Maree – Giám đốc phụ trách y tế Johnson & Johnson cho rằng một số việc làm trong ngành y tế sẽ sớm biến mất do tự động hóa song cũng có một số việc máy móc không thể thay thế con người.

    Ông dẫn chứng: “Các lĩnh vực như chẩn đoán xét nghiệm, chăm sóc sức khỏe thì quá trình tự động hóa sẽ diễn ra rất nhanh. Đấy cũng là một điều tốt vì với các trang thiết bị hiện đại, quá trình chẩn đoán sẽ nhanh hơn, giúp con người có biện pháp phòng ngừa bệnh tốt hơn. Thế nhưng, đến giai đoạn điều trị y tế thì tôi nghĩ trong vài năm tới công nghệ cũng không thể thay thế con người. Bởi vì có nhiều yếu tố trong giai đoạn này mà con người làm tốt hơn công nghệ”.

    Đào tạo chính là chìa khóa

    Với chủ đề “Tạo việc làm mới trong thời đại công nghệ”, bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng giám đốc Tập đòan Vingroup, cũng nhận định, công nghệ phát triển chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thị trường lao động không chỉ trong khu vực mà trên cả thế giới.

    “Không thể phủ nhận, sự ra đời của robot cùng những công nghệ ứng dụng hiện đại là một trong những yếu tố khiến các công việc chân tay dần bị thay thế. Song, theo tôi, trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành dịch vụ, các công việc thiên về tương tác, xúc cảm là thứ không thể thay thế bởi máy móc và đó chính là lĩnh vực mà chúng ta cần đầu tư để phát triển nguồn nhân lực”, bà Hoa nói.

    Về giải pháp cho vấn đề tạo việc làm trong kỷ nguyên số, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch TBS Group cho rằng viễn cảnh này cũng có mặt tích cực là thúc đẩy các doanh nghiệp thay đổi các mô-đun nghề nghiệp, đầu tư lại khoa học công nghệ, hệ thống quản trị lao động tích hợp nhằm cải thiện năng suất lao động.

    Kinh tế thời đại 4.0: Không lo sợ robot “cướp” hết công việc của con người - Ảnh 2.

    Ông Nguyễn Đức Thuấn (phải) tham gia buổi thảo luận về tăng trưởng kinh tế lành mạnh. Nguồn: APEC

    “Chúng tôi may mắn là tiếp cận khoa học công nghệ từ lâu rồi. Chúng tôi đã xây dựng được công nghệ học của hệ thống, phân rã các cấu trúc chức năng sâu vào từng bộ máy của mình. Từ đó, chúng tôi đào tạo và tái đào tạo toàn bộ hệ thống để theo kịp tiến trình Cách mạng 4.0. Kinh phí đào tạo của chúng tôi phải chiếm từ 2% đến 3% tổng doanh số, tức 5 đến 10 triệu USD riêng dành cho đào tạo và phát triển”, ông Thuấn cho hay.

    Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong thời đại 4.0, để một nền kinh tế mà người lao động không phải lo sợ robot “cướp” công việc của mình thì đào tạo chính là chìa khóa then chốt.

    Theo Chủ tịch TBS Group, chính phủ và doanh nghiệp phải phối hợp với nhau để rút ngắn khoảng cách này giữa đào tạo trong nhà trường và thực tiễn công việc. “Việt Nam hiện chỉ 17% trong 54 triệu lao động hiện hữu đã tạo ra giá trị thương mại gần 200 tỷ USD. Phần còn lại thì có năng suất lao động cực thấp. Một xã hội muốn phát triển và toàn cầu hóa được thì phải nâng cao năng suất đồng đều toàn xã hội chứ không phải chỉ 20 – 30%”, ông Thuấn nêu quan điểm.

    Trao đổi với phóng viên bên lề CEO Summit, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Kinh tế Trung ương, tiến sĩ Võ Trí Thành nhận định: “Không phải ngẫu nhiên mà trong CEO summit có hai phiên làm việc đầu tiên về nguồn nhân lực, kỹ năng gắn với đòi hỏi mới, đó là kỷ nguyên số hay cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”.

    Theo ông, vấn đề lớn đặt ra là làm sao có đội ngũ lao động cả cấp cao cả người lao động bình thường có kỹ năng mới thích ứng với đòi hỏi mới của thị trường lao động gắn với thời đại số này. “Điều đó, đòi hỏi thay đổi toàn bộ hệ thống giáo dục, cái nhìn về việc làm, thời gian làm việc. Do đây là quá trình chuyển đổi nên chi phí điều chỉnh có thể rất lớn: chi phí đào tạo, chi phí hỗ trợ mặt xã hội, chi phí đầu tư... trong chuyển đổi này vai trò của nhà nước là vô cùng quan trọng”, ông Thành nói.

    Chuyên gia kinh tế khẳng định: “Cuộc Cách mạng 4.0 mở ra tác động vô cùng lớn lao tích cực đối với mọi mặt: kinh doanh, xã hội, an ninh, quốc phòng... Cách tốt nhất không phải tận dụng nó mà là nắm lấy cơ hội để giảm cái thiệt hại”.

    Còn chuyên gia Frederick R.Burke, Hãng luật Baker & McKenzie, có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: “Sự chuyển đổi của lực lượng lao động trong thời đại số không chỉ là thách thức của Việt Nam mà còn là của nhiều nền kinh tế khác trên thế giới. Làm sao chúng ta có thể tạo ra thêm nhiều công việc mới, làm sao để giải quyết vấn đề thất nghiệp...”

    “Ở Việt Nam có chính sách đào tạo, nâng cao kỹ năng cần thiết, đây là điều phù hợp. Việt Nam cần mở cửa ngành giáo dục hơn nữa theo hướng tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp, điều đáng mừng là chính phủ Việt Nam có cơ chế để các bên cùng làm việc với nhau nhằm tìm ra được một giải pháp thích hợp”, ông Frederick R.Burke nhận định.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ