Kỹ sư trưởng Google Translate đến Việt Nam chia sẻ về công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và máy học

    Ngocmiz,  

    Tại Việt Nam, nhiều kỹ sư nghiên cứu, công ty khởi nghiệp và cả những tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, VNG, VCCorp,… cũng đang quan tâm tới công nghệ này như một xu thế phát triển tất yếu bởi khả năng ứng dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau.

    Vào tối ngày 28/10 tại UP Co-working Space, Hà Nội, Cinnamon AI Labs đã hợp tác cùng Airpoli và UP đưa một buổi chia sẻ chuyên sâu tới cộng đồng nghiên cứu công nghệ trí tuệ nhân tạo với chủ đề: Ứng dụng công nghệ máy học (machine learning) vào xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Vị diễn giả đặc biệt đến từ Google chính là Keith Stevens – kỹ sư trưởng của Google Translate và hiện đang cùng một nhóm kỹ sư của mình làm việc tại Google Japan, Nhật Bản.

     Kỹ sư Keith Stevens.

    Kỹ sư Keith Stevens.

    Keith Stevens là kỹ sư trưởng của Google Translate, một trong những sản phẩm hàng đầu về công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và máy học. Keith đã tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học California, chuyên ngành Khoa học máy tính và tính toán ngôn ngữ học. Trong 6 năm tại Google, Keith cùng với đội ngũ xây dựng Google Translate như ta sử dụng ngày nay. Ngoài ra, Keith từng là giảng viên tại Đại học California trong 3 năm. Hiện tại, Keith đã và đang tư vấn về kỹ thuật cho một số sản phẩm sử dụng công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên của Việt Nam như ứng dụng học ngoại ngữ - Airpoli.

     Các khán giả tham gia chương trình

    Các khán giả tham gia chương trình

    Công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên và công nghệ máy học đang phát triển nhanh chóng. Ngày nay, có nhiều công ty khởi nghiệp trên thế giới xây dựng rô-bốt trả lời tự động và ứng dụng chúng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Theo báo cáo của CBInsights, chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2016, có 15 công ty khởi nghiệp xây dựng công nghệ robot trả lời tự động đã nhận được đầu tư. Còn tại Việt Nam, nhiều kỹ sư nghiên cứu, công ty khởi nghiệp và cả những tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, VNG, VCCorp,… cũng đang quan tâm tới công nghệ này như một xu thế phát triển tất yếu bởi khả năng ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như:

    Lĩnh vực tài chính: Trợ lý ảo tự động trò chuyện với khách hàng về chỉ số chứng khoán hay trợ lý thực hiện các truy xuất thông tin cơ bản

    Lĩnh vực y tế: Trợ lý ảo tự động tư vấn bệnh, tư vấn địa chỉ phòng khám theo triệu chứng bệnh của khách hàng, nhắc lịch uống thuốc, sắp xếp lịch khám và tài khám

    Lĩnh vực tuyển dụng, nhân sự: Trợ lý ảo sắp xếp lịch họp, lịch phỏng vấn, hồ sơ ứng viên;

    Lĩnh vực dịch vụ bán hàng: Trợ lý ảo tự động đặt vé xem phim, hòa nhạc, vé máy bay;

    Lĩnh vực giáo dục: Trợ giảng ảo hỗ trợ luyện tập ngoại ngữ.

    Trong buổi chia sẻ, Keith đã giới thiệu mô hình xây dựng Google Translate dựa trên nền tảng công nghệ học sâu (Deep Learning) và quá trình xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing). Kĩ sư trưởng của Google Translate cũng chia sẻ những ứng dụng thực tế khác của nền tảng công nghệ này, đồng thời giới thiệu các dự án tiềm năng phát triển trong tương lai của Google Translate.

    Keith nhận định công nghệ trí tuệ nhân tạo là xu hướng tất yếu của sự phát triển xã hội, bằng chứng là sự tham gia và cạnh tranh quyết liệt của những ông lớn như Facebook, Google, IBM, Yahoo, Intel hay Apple. Trong đó Google, ngoài việc tự đầu tư nghiên cứu công nghệ, cũng đã có 11 thương vụ mua lại các dự án nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo tính đến nay. Điển hình như năm 2014, Google thâu tóm công ty công nghệ Deepmind của Anh với giá 600 triệu đô-la Mỹ, và giờ đây Google DeepMind đã trở nên nổi tiếng với việc đánh bại địch thủ cờ vây thế giới.

    Bằng kỹ năng của một giảng viên Đại học, Keith đã có những lời khuyên bổ ích tới các bạn kỹ sư trẻ của Việt Nam về phương pháp học tập và nghiên cứu chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo. Keith chia sẻ: “Hiện nay trên thế giới có rất nhiều mô hình công nghệ với những điểm mạnh và yếu khác nhau. Trước khi đi sâu vào nghiên cứu một hướng cụ thể, các kỹ sư Việt Nam nên tìm hiểu và đánh giá phương pháp nào có tính ứng dụng và giải quyết tốt nhất bài toàn của mình.”

    Buổi chia sẻ của Keith Stevens có sự tham gia của các doanh nghiệp có sản phẩm sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, các kỹ sư công nghệ đến từ những tập đoàn lớn nhưu VCCorp, Viettel, FPT hoặc đã từng có kinh nghiệm làm việc tại Amazon, Microsoft. Ngoài ra sự kiện không thể thiếu sự quan tâm của sinh viên, kỹ sư nghiên cứu và giảng viên đến từ trường Đại học Bách Khoa và Đại học Công Nghệ Hà Nội. Cinnamon AI Labs nhận thấy rằng những cơ hội được chia sẻ trực tiếp với các chuyên gia đầu ngành như sự kiện này sẽ là hoạt động thúc đẩy quan trọng để các kỹ sư tài năng tại Việt Nam bắt kịp với xu hướng công nghệ trên thế giới.

    Được thành lập bởi Cinnamon, một công ty công nghệ đặt trụ sở tại Singapore, Cinnamon AI Labs là dự án khởi nghiệp phòng nghiên cứu và phát triển ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Đông Nam Á, hoạt động với 3 mô hình chính:

    - Đào tạo và phát triển cộng đồng thông qua các chương trình đào tạo hợp tác với các tổ chức khác, xây dựng các chuỗi sự kiện và thúc đẩy chia sẻ từ cộng đồng

    - Phát triển đội ngũ chuyên gia nghiên cứu trí tuệ nhân tạo thông qua việc nhận các dự án nghiên cứu từ các công ty tại châu Á

    - Ươm mầm các công ty khởi nghiệp sử dụng nền tảng cốt lõi là trí tuệ nhân tạo

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày