Lá gan được ghép cho cha đẻ của Apple, Steve Jobs đã khiến cả nước Mỹ nghĩ lại về hệ thống ghép tạng không cân đối nơi đây

    Dink,  

    Chín năm sau ca ghép gan của Steve Jobs, sự kiện này vẫn nêu bật lên hiện trạng của việc ghép tạng tại Mỹ: đây là một bài toán khó nhiều năm rồi vẫn chưa giải được.

    Năm 2009, Steve Jobs được ghép gan, không phải tại miền Bắc California nơi ông sinh sống, mà là tận Memphis, Tenessee – hai địa điểm ở hai đầu đất nước. Có vẻ đây là một quyết định kỳ lạ, tính mạng của Jobs phụ thuộc vào là gan này, tưởng như ông nên cấy ghép ở càng gần càng tốt chứ?

    Không phải vậy, đây là một bước đi được tính toán cực kỳ cẩn thận và chiến lược. Bằng cách này, ông có được gan ghép sớm hơn nhiều.

    Chín năm sau ca ghép gan của Steve Jobs, sự kiện này vẫn nêu bật lên hiện trạng của việc ghép tạng tại Mỹ: đây là một bài toán khó nhiều năm rồi vẫn chưa giải được.

    Chín năm sau, nhu cầu ghép tạng của người dân cao hơn bao giờ hết. Các nhà toán học, các lập trình viên, những người tạo ra các thuật toán khéo léo nhắm tới việc phân phối tạng một cách công bằng nhất có thể. Nhưng, bản thân thuật toán vốn đã khó này còn dính dáng tới yếu tố đạo đức, nên vẫn còn rất nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề này.

    Đầu tiên, hãy liệt kê những vấn đề nan giải

    Trước khi hiểu được cách thức các nhà nghiên cứu sử dụng toán học để phân phối tạng trên toàn nước Mỹ, hãy hiểu vấn đề là gì và tại sao các cách thức hiện tại lại không hiệu quả.

    Tùy loại tạng, nó sẽ được phân phối ở những địa điểm khác nhau:

    Tim và phổi là hai thứ phải được chuyển và ghép càng sớm càng tốt, nếu trong một bán kính nhất định xung quanh viện mà không có ai ghép, bán kính ấy sẽ được nới rộng ra để tiếp tục tìm người ghép tạng.

    Với thận và gan, khung thời gian ghép tạng dài hơn chút. Việc tìm người ghép tạng được điều hành bởi Tổ chức Mạng lưới Chia sẻ tạng (UNOS), tổ chức tư nhân phi lợi nhuận, ký hợp đồng với chính phủ nhằm điều hành Mạng lưới Nhận và Ghép tạng (OPTN).

    Ví dụ, khi có tạng để ghép, bệnh viện sẽ liên hệ với tổ chức thu tạng (OPO) gần nhất để đánh giá chất lượng tạng, sau đó OPO sẽ sử dụng OPTN để tìm người cần tạng. Thuật toán sẽ tìm người bệnh nặng nhất trong danh sách, xác định xem có chuyển tạng kịp không để tiến hành chuyển và ghép. Độ nặng của bệnh nhân được tính bằng điểm MELD – Mẫu Giai đoạn cuối của Bệnh gan, cho biết tỉ lệ người bệnh sẽ tử vong nếu không được ghép tạng trong vòng 90 ngày. Điểm MELD càng cao, bệnh nhân ốm càng nặng.

    Năm 2000, người ta đề ra Luật Quyết định – Final Rule, rằng địa điểm của người cần tạng sống không phải là một yếu tố đánh giá xem họ có được ghép tạng sống hay không. Ví dụ về Steve Jobs nêu ở trên cho ta thấy một hiện trạng hoàn toàn trái ngược.

    Đây chính là vấn đề lớn. Theo lời phó chủ tịch nghiên cứu và cũng là giáo sư phẫu thuật tại Johns Hopkins, Dorry Segev thì "có rất nhiều vùng nhiều tạng để ghép nhưng ít người cần tới, có những nơi cực kỳ khan hiếm tạng nhưng nhu cầu lại cực lớn". Cung cầu lệch nhau quá nhiều khiến người bệnh chịu khổ.

    Điểm MELD không còn thực sự hiệu quả, khi mà hai người có số điểm MELD ngang nhau ở hai khu vực khác nhau, thì một người có tỉ lệ sống sót là 85% và tỉ lệ tử vong là 15%, người còn lại có tỉ lệ sống sót – tử vong hoàn toàn trái ngược, 15% và 85%. Có những người phải đạt điểm MELD vượt trội mới có thể có cơ hội được ghép tạng.

    Với trường hợp Steve Jobs: Nơi ông sống là California, thời gian đợi được ghép tạng rất lâu nên vì thế, Jobs đã đăng ký nhận tạng tại Tennessee, nơi mà khoảng cách cung cầu ngắn hơn nhiều. Kết quả của việc đó? Steve Jobs đã rút ngắn thời gian được ghép tạng từ nhiều năm xuống chỉ còn vài tháng. Khi nhận được tin báo rằng Tennessee đã có gan để ghép, ông lập tức lên phi cơ bay tới nơi để tiến hành phẫu thuật.

    Điều Steve Jobs làm hoàn toàn hợp pháp, và không phải có mỗi mình ông làm vậy.

    "Điều này đã tạo nên một hệ thống mà tại đó, những người giàu có và quyền lực có thể ghép tạng tại bất kỳ đâu trên đất nước này", ông Segev nói. "Những cá nhân không có nguồn lực tài chính để đi lại, không có phi cơ riêng, thậm chí không có cả tiền để xin các trung tâm có tạng đánh giá sức khỏe cho mình, sẽ bị kẹt lại ở nơi họ sống, họ bị tước quyền được ghép tạng bởi chính hệ thống này".

    Chưa hết, cung-cầu lệch nhau tại các nơi khác nhau còn khiến nhiều nội tạng có thể ghép không có chủ, phải bị loại bỏ.

    Bằng toán học, ta hãy "dịch chuyển tức thời" số tạng ấy để khỏi bị lãng phí

    Ai cũng nhận ra rằng đây là vấn đề nan giải và những người có khả năng giải quyết đang nhờ tới sự giúp đỡ của các thuật toán. Tổ chức UNOS tìm sự giúp đỡ, Dorry Segev và Sommer Gentry – giáo sư toán học tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ trả lời. Họ muốn vẽ lại ranh giới của các vùng xét hiến – ghép tạng, giảm số lượng vùng xuống và qua đó, tăng tỉ lệ được ghép tạng lên.

    Mục tiêu của họ là chia tạng có thể ghép ra càng đều càng tốt. Thuật toán của giáo sư Gentry nhắm tới một phương thức chia tạng đều nhưng vẫn đảm bảo thời gian vận chuyển để tạng không bị hỏng trước khi tới được người bệnh. Hai người đồng nghiệp Gentry và Segev chạy thử thuật toán này trên một chương trình giả lập, sử dụng thông tin thực tế từ danh sách bệnh nhân cần ghép tạng để xem những ranh giới khu vực mới có hoạt động hiệu quả không.

    Kết quả là những vùng trước đây không phải chờ tạng lâu sẽ phải chờ lâu hơn chút để có thể có tạng ghép, nhưng thời gian chờ của toàn bộ các vùng đều giảm. Họ muốn dùng thông tin này để đòi lại công bằng cho một hệ thống ghép tạng có thể gọi là đã lỗi thời của Mỹ.

    Tháng 8 năm 2016, bản kế hoạch này được đưa ra thăm dò ý kiến công chúng. Có những người đồng ý, nhiều người ngạc nhiên khi biết tạng không được chia đều ra các vùng, có những cá nhân ích kỷ muốn tạng nằm lại tại khu vực mà nó được hiến. Họ đều là những người chờ tạng, có người thân trong gia đình hiến tạng, hay bản thân là bác sĩ phẫu thuật ghép tạng. Họ là người trong cuộc, vài phần hiểu chuyện hơn những người khác.

    "Đây là một bước đi gây ra rất nhiều tranh cãi bởi lẽ ta đang nói tới việc cả một hệ thống sẽ phải thay đổi", Ryutaro Hirose, chủ tịch Hội đồng Ghép Gan và Tạng thuộc UNOS nói. Có những trung tâm ghép tạng còn tuyển người về để tham gia vào phần đóng góp ý kiến. Không bất ngờ khi có nhiều người không muốn thời gian chờ tạng của khu vực mình tăng lên, nhưng theo lời Segev nói, thì đó "có thể coi là hành động ích kỷ".

    "Thật đáng giật mình khi nhận ra rằng có rất nhiều người không muốn tạng được chia đều trên cả nước", giáo sư Gentry nói. Hệ thống hiện tại dù là ưu tiên người bị bệnh nặng nhất được ghép tạng, tuy nhiên yếu tố địa lý đã khiến việc chia tạng không được đều.

    Những giải pháp khác hơn

    Thuật toán nêu trên hữu ích nhưng nước Mỹ vẫn còn hai lựa chọn khác. Theo thử nghiệm và với thời gian, họ sẽ chọn ra được phương pháp phân phối tạng tốt nhất nhằm thay thế cho hệ thống hiện tại. "Bất kỳ điều gì ta làm sẽ đều cải thiện đáng kể khó khăn gây ra bởi những trở ngại địa lý hiện tại", Segev nhấn mạnh. "Ta chỉ cần phải làm điều gì đó mà thôi".

    Sridhar Tayur, nhà sáng lập và cũng là CEO của OrganJet nói rằng "Tôi là một thanh niên biết làm phần mềm, hãy để tôi làm việc này miễn phí". Đầu tiên, Tayur viết nên một chương trình xác định đâu là nơi có trung tâm ghép tạng với thời gian chờ thấp nhất mà gần nhất với người bệnh, dựa trên mã vùng và tạng người bệnh muốn. Anh đưa chương trình này lên nền tảng web, ai cũng có thể sử dụng miễn phí.

    Sau đó, anh vẽ ra một hệ thống chia sẻ thời gian sử dụng phi cơ riêng cho bất kỳ ai có nhu cầu, hệ thống này sẽ tìm ra những phi cơ hiện không hoạt động để chở bệnh nhân cần ghép tạng tới bệnh viện có tạng.

    Với OrganJet, anh Tayur làm việc với những nhà môi giới, những cá nhân sở hữu phi cơ riêng, những công ty điều hành khác nhau để biến giấc mơ ghép tạng (và cả giấc mơ đi phi cơ riêng) thành sự thật. Hiện tại, Tayur đang tìm cách giảm thiểu chi phí của những chuyến đi trên, để có thêm những bệnh nhân được cứu sống. Anh không cần sự ủng hộ của những cơ quan chức năng, anh đang tạo ra một câu trả lời cho vấn đề ghép tạng đang nhức nhối.

    Và vẫn còn những vấn đề khác nữa đang chờ những người có khả năng giải quyết, những vấn đề mà một thuật toán không thể đương đầu. Có những trung tâm ghép tạng còn đang đối đầu nhau, giành cả bệnh nhân và giành cả tạng để ghép. Có những gia đình chưa thực sự hiểu tầm quan trọng của việc hiến tạng, họ muốn giữ nguyên vẹn thi thể người thân của mình.

    Suy cho cùng, cách thức hiệu quả nhất là hãy nhìn toàn bộ đất nước như một thể thống nhất, không phải là những vùng miễn riêng biệt. Khi những thuật toán nêu trên, những phần mềm, những chương trình ở trên thành công, thời gian chờ ghép tạng của toàn bộ quốc gia giảm xuống, tạng không còn bị phí phạm. Khi chung tay trở thành một cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau, sẽ thêm vô vàn mạng sống được cứu khỏi bàn tay tử thần.

    Tham khảo bài viết của Tiến sĩ Thần kinh học Mallory Locklear, được đăng tải trên ArsTechnica

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ