Lần thứ 2 trong lịch sử, các nhà khoa học nuôi thành công bào thai cừu bằng tử cung nhân tạo
Trong tương lai, thiết bị tương tự có thể cứu sống hàng triệu trẻ em sinh non mỗi năm trên thế giới.
Lần thứ hai trong lịch sử, các nhà khoa học tuyên bố nuôi thành công bào thai cừu với tử cung nhân tạo ngoài bụng mẹ. Hệ thống trông chẳng khác nào một chiếc túi zip nilong phóng to, nhưng một ngày, có thể được phát triển để nuôi sống bào thai con người.
Những chiếc tử cung nhân tạo được gọi là EVE, chứa dịch lỏng vô trùng tương tự như nước ối. Nó cho phép bào thai có được chất dinh dưỡng tự nhiên và hít thở qua dây rốn. Tử cung nhân tạo là một bước phát triển đột phá, hứa hẹn mở ra cơ hội sống cho hàng triệu trẻ em sinh non mỗi năm trên thế giới.
Hệ thống trông chẳng khác nào một chiếc túi zip nilong phóng to, nhưng một ngày, có thể được phát triển để nuôi sống bào thai con người.
Kết quả nghiên cứu mới này được công bố trên Tạp chí Sản phụ khoa Hoa Kỳ. Theo đó, các nhà khoa học đến từ Australia và Nhật Bản đã nuôi một bào thai cừu trong môi trường nhân tạo 7 ngày. Những con cừu non sau đó được sinh ra một cách khỏe mạnh và bình thường.
Trước đó, hồi tháng 4, các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Philadelphia cũng đã sử dụng hệ thống tương tự để nuôi những con cừu sinh non tới 4 tuần lễ. Bởi cừu có thời gian mang thai ngắn hơn so với người, những con cừu sinh non ở ngày 105-115 tương đương tuần thai thứ 23 của chúng ta.
Mỗi năm, cả thế giới có khoảng 15 triệu ca sinh non, gần 1 triệu trong số đó sẽ bị mắc biến chứng dẫn đến tử vong. Những đứa trẻ ra đời trước tuần tuổi thứ 26, của giai đoạn mang thai tự nhiên kéo dài 37 tuần, phải đối mặt với tỷ lệ tử vong đặc biệt cao. Trong khi đó, nếu hệ thống tử cung nhân tạo được phát triển hoàn thiện cho người, nó có thể cứu sống tất cả những đứa trẻ sinh non từ 22 tuần tuổi trở lên.
Cũng như nghiên cứu trước đó của Bệnh viện Nhi Philadelphia, các nhà khoa học Australia và Nhật Bản lần này cũng tạo ra một túi nhựa, bên trong chứa chất lỏng giúp những con cừu sinh non tiếp tục sống và phát triển.
Nước ối nhân tạo được bơm vào túi nhựa sẽ bắt chước đầy đủ môi trường bên trong tử cung thật. Nhau thai cừu được nối với hệ thống hô hấp nhân tạo, cung cấp oxy cho bào thai và loại bỏ CO2 ra khỏi cơ thể chúng.
Những con cừu non trong tử cung nhân tạo có thể nuốt và cử động bình thường. Chúng cũng mở mắt, mọc lông, phát triển hệ thần kinh và hoàn thiện các cơ quan nội tạng. Nhịp tim của thai cừu được theo dõi sát để đảm bảo thai nhi phát triển bình thường.
Tử cung nhân tạo bắt chước đầy đủ môi trường bên trong một tử cung thật
Trước kết quả nghiên cứu hồi tháng 4, chúng ta chỉ có khả năng nuôi sống bào thai cừu trong môi trường nhân tạo khoảng 60 giờ. Hơn nữa, những con cừu sinh ra đều gặp tổn thương não.
Ở con người, những đứa trẻ sinh non hiện tại chỉ có lựa chọn duy nhất là sống trong một lồng ấp kính. Trẻ sinh non được cung cấp thực phẩm qua ống nhựa, thuốc men qua đường truyền tĩnh mạch và thở không khí trong lồng ấp bằng phổi.
Với một lồng ấp kính thông thường ấy, chỉ một nửa số em bé sinh trước 24 tuần tuổi có khả năng sống tới khi sẵn sàng “chàođời” một lần nữa. Những đứa trẻ may mắn sống sót cũng gặp nhiều biến chứng tai hại. Có tới 90% sẽ giữ lại di chứng như bệnh phổi mạn tính khi sinh ra với cơ thể chưa hoàn thiện.
Mặc dù không phải nhóm nghiên cứu đầu tiên thử nghiệm thành công tử cung nhân tạo, kết quả lần thứ 2 của các nhà khoa học Australia và Nhật Bản được đánh giá là một bước tiến quan trọng. Nó chứng minh công nghệ này có thể được phát triển và nhân rộng.
Rõ ràng, khi có càng nhiều thử nghiệm thành công trên động vật, niềm tin của chúng ta càng được củng cố trước khi thử nghiệm tử cung nhân tạo trên người. Các nhà khoa học ước tính họ sẽ hoàn thiện kỹ thuật này trên động vật sau 2 năm, và sẵn sàng cho thử nghiệm đầu tiên trên người trong vòng 3-5 năm tới.
Tham khảo Gizmodo, Futurism
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?