Liên tục khoe lãi tăng, smartphone bán chạy mà sao Xiaomi vẫn chứng kiến các nhà đầu tư lũ lượt ra đi?
Đầu tư không phải là để nhìn vào thực tại, mà là để nhìn vào tương lai. Khi Xiaomi công bố kết quả kinh doanh cho quý 2 và nửa đầu 2019, giá cổ phiếu công ty đã tiếp tục giảm 5%.
Thoạt nhìn, cách đối xử của giới đầu tư với Xiaomi thật đáng chê trách: công ty smartphone Trung Quốc liên tục khoe lãi tăng, bán chạy mà giá cổ phiếu vẫn cứ liên tục giảm. Diễn tiến giá cổ phiếu những tháng vừa qua là ví dụ điển hình cho sự "không công bằng này: quý 2 công ty tuyên bố lợi nhuận điều chỉnh của công ty tăng 50%, doanh thu tăng 20%, nhưng giá cổ phiếu thì lại suy giảm tới 5% trong phiên giao dịch ngay sau khi công bố. Ngày 30/8, cổ phiếu Xiaomi chạm mốc thấp nhất trong lịch sử: 8,35 HKD, tức chỉ khoảng 39% so với mức định giá khi lên sàn tại HongKong. Trong cùng một ngày, công ty của Lei Jun thậm chí đã phải công bố tự mua lại 1,5 tỷ USD trị giá cổ phiếu để... nâng giá trở lại. Cổ phiếu Xiaomi sau đó tăng nhẹ nhưng rồi lại trở về với đà trồi sụt bất thường, hiện tại vẫn chưa thể đạt nổi mức giá bằng một nửa khi IPO.
Một trong những điểm tranh cãi gay gắt nhất về Xiaomi là con đường đi cho tương lai. Khi xuất hiện trên bản đồ thế giới vào khoảng 2012 - 2013, "Apple của Trung Quốc" đã nhanh chóng đi vào tâm trí người dùng với vai trò là một thương hiệu smartphone phá giá. Xiaomi vẫn đang là một công ty sống bằng smartphone, khi mảng này đem lại tới 32 tỷ NDT doanh thu trong quý 2, cao gấp 7 lần doanh số từ Internet.
Nhưng đầu năm 2018, trước khi IPO, lãnh đạo Xiaomi liên tục khẳng định sẽ không thu lãi ròng quá 5% từ phần cứng di động. Trong một cuộc phỏng vấn với SCMP, CEO Lei Jun tuyên bố:
Và Xiaomi đã liên tục nhắc đi nhắc lại lời hứa này, chỉ để đưa ra một thông điệp trái ngược ngay trong quý 2 vừa qua: lợi nhuận gộp thu về từ smartphone, theo Xiaomi, đã lên tới 8,1%. Giá bán trung bình của smartphone Xiaomi lại tiếp tục tăng, lần này là 13,3% tại Trung Quốc Đại Lục và 6,7% tại các thị trường khác. Hiện tượng này chắc chắn là nguyên nhân quan trọng giúp cho doanh số và lợi nhuận công ty tăng đến vậy, bởi smartphone vẫn đang chiếm 60% tổng nguồn thu của Xiaomi.
Lợi nhuận tăng, doanh số tăng mà nhà đầu tư lại lo lắng. Lý do là bởi, những gì đang xảy ra với Xiaomi hoàn toàn trùng khớp với xu hướng chung của cả thị trường những năm qua - một xu hướng sẽ đẩy Xiaomi vào thế khó trong tương lai.
Từ 2016 đến nay, tổng doanh số smartphone trên toàn cầu nói chung và tại Trung Quốc nói riêng đã bão hòa và có lẽ sẽ tiếp tục suy giảm. Trái ngược lại, giá bán trung bình (ASP) thì lại gia tăng. Thị trường smartphone đã liên tục nhích lên các phân khúc giá cao hơn; khi người dùng ít mua mới hơn nhưng nếu đã mua thì chịu chi hơn, và đòi hỏi cao hơn. Dựa vào báo cáo tài chính quý 2, Xiaomi đang đi qua giai đoạn tương tự: doanh số đứng yên, ASP tăng, lợi nhuận cũng tăng.
Mặt khác, smartphone Xiaomi ngày hôm nay vẫn còn tương đối rẻ khi so sánh với mặt bằng chung thị trường: Mi 9 SE có giá khởi điểm chỉ 300 USD, tức là vẫn chưa vượt qua ranh giới tầm trung. Mi 9 bản chính có giá khởi điểm chỉ 450 USD, bằng một nửa Galaxy Note10. Xiaomi vẫn là một công ty phá giá cấu hình đúng nghĩa, bởi Mi 9 ngoài cấu hình đầu bảng ra chẳng có gì để cạnh tranh với iPhone hay Galaxy cao cấp cả.
Thị trường thì vẫn cứ tiến lên tầm cao. Nhu cầu của người dùng sẽ cao hơn; họ sẽ từ bỏ những chiếc smartphone chẳng có gì hấp dẫn ngoài giá và cấu hình. Vào khoảng 2015 và 2016, hiện tượng này từng tác động đến phân khúc thấp của Xiaomi, khiến cho doanh số của hãng bị ảnh hưởng nặng nề. Hết quý 2, các nhà đầu tư đã nhìn thấy một kịch bản tương tự lặp lại với dòng Mi trong một tương lai không xa: sớm hay muộn smartphone Mi sẽ suy giảm doanh số. Khi doanh số smartphone tất yếu suy giảm, Xiaomi sẽ sống bằng cái gì?
Quay trở lại với tuyên ngôn sống của Xiaomi, tầm nhìn của Lei Jun thực tế không hề sai lầm: khi phần cứng bão hòa thì phần mềm/dịch vụ Internet sẽ lên ngôi. Tất cả các ông lớn sừng sỏ cũng đều nhận ra điều này: Google miễn phí Android ngay từ đầu chỉ để hưởng lợi từ các dịch vụ phải cài đặt kèm Android, Microsoft bán đám mây cũng là bán dịch vụ, Amazon cũng như Xiaomi thậm chí chịu lỗ trên phần cứng chỉ để người dùng có thiết bị để mua hàng, xem video hay nghe nhạc mất phí.
Và dĩ nhiên là Apple. 2 năm gần đây, bao gồm cả quý 2 suy giảm vừa qua, Apple vẫn được tung hô lên tận mây xanh chỉ vì phát triển được mảng dịch vụ lên tới tầm cỡ 10 tỷ đô.
Vấn đề là ở chỗ Xiaomi mới chỉ nói mà chưa làm được. Xiaomi tuy tự xưng là "công ty Internet" từ rất sớm nhưng đến nay vẫn chỉ có 1/10 doanh thu đến từ Internet. Còn Apple thì chỉ trong vài năm đã xây dựng được mảng dịch vụ tầm cỡ 10 tỷ đô: trong cùng một quý, riêng mảng này của Apple đã cao hơn tổng doanh thu của Xiaomi (khoảng 7,4 tỷ USD). Ngay cả khi doanh số và doanh thu từ iPhone giảm, mảng dịch vụ vẫn giúp cho tổng doanh thu của Apple gần như đứng vững.
Tương lai mảng dịch vụ của Apple vẫn còn rất sáng sủa, bởi Apple bán smartphone giá cao – người mua Apple khả năng cao là có đủ tiền để chi trả cho dịch vụ của Apple. Còn người mua Xiaomi phần đông vẫn mang tâm lý phá giá. Kết quả là trong quý vừa qua, dù lượng người dùng MIUI tăng tới 34,7% nhưng tổng doanh thu dịch vụ Internet lại chỉ tăng 15,7%. Riêng doanh thu quảng cáo thậm chí còn giảm nhẹ. Một tín hiệu nhỏ, nhưng đủ để khiến nhà đầu tư nhận ra rằng, tiềm năng dịch vụ Internet của Xiaomi thực sự quá nhỏ bé.
Ngõ cụt đang hiển hiện trước mắt. Kinh doanh smartphone giá rẻ không lãi không thể mang lại một kết cục tốt đẹp. Với các công ty khác, lối ra hoặc là phân khúc cao cấp, hoặc là dịch vụ Internet. Với Xiaomi, các con số chưa cho thấy bất kỳ một lối ra nào hợp lý cả. Và đó là lý do các nhà đầu tư tiếp tục hạ giá cổ phiếu Xiaomi, dù Lei Jun và cộng sự vẫn cố hô hào về một tương lai tươi sáng trước mắt.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời