Với sự phát triển mạnh mẽ của camera smartphone, nhiều người sẽ tự hỏi tại sao chúng ta cần mua thêm máy ảnh?
Đến hẹn lại lên, Apple lại ra mắt thêm một loạt iPhone mới với nhiều lời hứa hẹn về hiệu năng. Như thường lệ, hãng dùng một khoảng thời gian dài để giới thiệu về những nâng cấp về hệ thống camera. Lần này, hãng nói rằng bộ đôi iPhone XS và XS Max sẽ có cảm biến 'lớn hơn đôi chút', nhưng đặc biệt hơn cả là khả năng xử lí hậu kì mạnh mẽ hơn nhờ vào con chip A12 Bionic hoàn toàn mới.
Nhưng mặc dù có thể thực hiện 5 tỷ bước hậu kì trong một giây, nhưng iPhone không thể nào làm được một điều mà một chiếc máy ảnh ILP (có khả năng thay đổi ống kính) có thể làm được, là thu thập nhiều ánh sáng nhất có thể. Trong nhiếp ảnh thì lượng ánh sáng (hay nói cách khác là số photons) mà thiết bị nhận được ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng ảnh đầu cuối.
Chế độ chân dung cũng chỉ là một lớp phủ (mask) tiên tiến mà thôi
Một trong những tính năng nổi bật trong dòng sản phẩm iPhone 2018 đó là khả năng thay đổi độ sâu trường ảnh (DOF) sau khi chụp. Người dùng có thể di chuyển một thanh khẩu độ (f stops) để làm hậu cảnh mờ hoặc rõ hơn. Nhưng tất nhiên, tính năng này vẫn chỉ là một lớp phủ (mask) giống trong Photoshop chứ không phải vùng mờ thực được tạo ra bởi tính chất vật lí của ống kính.
Khả năng thay đổi độ sâu trường ảnh sau khi chụp của iPhone XS mới được ra mắt
Gần như tất cả smartphone (trừ một số mẫu mới của Samsung) đều có ống kính với khẩu độ không thể thay đổi, cùng với cảm biến có kích thước rất nhỏ khi so với máy ảnh, chính vì vậy nên trường ảnh rất lớn, gần như mọi thứ đều nét nếu không qua hậu kì. Vì vậy nên các hãng sản xuất trang bị cho điện thoại thêm một camera nữa để đo khoảng cách giữa các vật với nhau, và từ đó xác định được đâu là chủ thể, đâu là hậu cảnh.
Giới thiệu về công nghệ chụp hình của Google Pixel 2
Nhưng tất nhiên, việc sử dụng phần mềm để thay thế một hiện tượng vật lí chắc chắn sẽ có xảy ra lỗi. Đôi lúc, phần mềm không đủ thông minh để nhận diện được những vật nhỏ như tóc, tai hay vải trong quần áo, chúng cũng sẽ bị làm mờ giống với nền đằng sau. Phần mềm nhận diện chắc chắn sẽ còn được nâng cấp nhiều trong tương lai, nhưng hiện nay thì việc sử dụng máy ảnh với ống kính có khẩu độ thật vẫn tốt hơn.
Kỉ nguyên của nhiếp ảnh bằng AI
Nhiếp ảnh dựa vào khả năng xử lí của máy (hay thậm chí trí tuệ nhân tạo) có thể vượt qua một số giới hạn về phần cứng. Ví dụ như cảm biến của máy nhỏ, không thu nhận được đủ ánh sáng thì phần mềm sẽ 'chỉ đạo' máy chụp nhiều tấm hình ở các độ sáng khác nhau rồi ghép lại. Tính năng này sẽ giúp giữ được chi tiết ở vùng sáng, nhưng không làm các vùng tối bị nhiễu.
AI đang trong thời kì sơ khai, nên tính ứng dụng của nó trong nhiếp ảnh smartphone vẫn chưa cao. Nhưng ta có thể thấy được khả năng của AI trong tương lai nhờ vào các thử nghiệm của các hãng phần cứng, điển hình là khả năng xóa nhiễu (noise) trong ảnh của Nvidia.
Khả năng xóa nhiễu của AI được phát triển bởi Nvidia
iPhone trong tương lai sẽ còn có nhiều tính năng hơn, không phải nhờ vào độ tiên tiến vật lí của máy ảnh mà nhờ vào khả năng xử lí hậu kì tiến tiến. Người dùng (trên lí thuyết) có thể chụp nhiều bức ảnh của một nhóm người, sau đó 'ghép nối' của từng người để ra một bức ảnh mà tất cả mọi người đều cười và không nhắm mắt.
Liệu rằng các hãng máy ảnh có đi theo xu hướng này?
Khả năng hậu kì ngay trên máy bằng sức mạnh xử lí của máy, hay áp dụng AI đã giúp cải thiện chất lượng ảnh trên smartphone rất nhiều, vậy nó sẽ còn máy ảnh thực sự đạt tới những tầm cao nào nữa? Câu hỏi đặt ra là liệu các hãng máy ảnh như Nikon, Canon, Sony, Fuji hay Hasselblad có muốn áp dụng tính năng này lên máy ảnh của họ hay không? Câu trả lời dành cho tương lai gần là không, vì những nhiếp ảnh gia vẫn quen với việc tách riêng quá trình chụp ảnh và xử lí hậu kì trên máy tính. Nhưng sẽ tuyệt vời sao khi ta có thể chỉnh sửa màu, thực hiện ghép ảnh HDR hoặc để giảm nhiễu ngay trên máy ảnh, tăng tốc độ chụp và ra sản phẩm đầu cuối cho khách hàng.
Trở lại với câu hỏi ở đầu bài, liệu rằng camera smartphone có thể thay thế được một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp? Trong quá khứ, smartphone đã 'ngấm ngầm' giết chết thị trường máy ảnh du lịch (compact). Nhưng tới nay, những chiếc máy ảnh chuyên nghiệp với cảm biến lớn hơn (APS-C, Full-frame) vẫn đem lại cho người dùng chất lượng ảnh tốt hơn smartphone. Nhưng trong tương lai, nếu như các hãng máy ảnh không bắt kịp xu thế và áp dụng khả năng xử lí hậu kì tân tiến thì chắc chắn smartphone sẽ bắt kịp, và rồi một kịch bản tương tự rất có thể sẽ xảy ra.
Tham khảo: Petapixel
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời