Lừa đảo cập nhật thông tin căn cước công dân để sử dụng hộ khẩu điện tử

    Vân Anh,  

    VOV.VN - Lợi dụng chủ trương sử dụng hộ khẩu điện tử, căn cước công dân gắn chip… các đối tượng xấu đã lừa đảo nhiều người dân yêu cầu cập nhật thông tin thông qua tải ứng dụng để chiếm đoạt tài sản.

    Thời gian vừa qua, tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn biến phức tạp mặc dù thủ đoạn không mới nhưng cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, nhất là lừa đảo trên không gian mạng.

    Lừa đảo cập nhật thông tin căn cước công dân để sử dụng hộ khẩu điện tử- Ảnh 1.

    Đối tượng giả danh công an yêu cầu người dân cập nhật thông tin căn cước công dân

    Lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp

    Chị Nguyễn Loan, quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết, chị vừa nhận được cuộc gọi của đối tượng xưng tên là Tuấn, công an phường thông báo về thủ tục làm căn cước công dân cho con chị bị thiếu dữ liệu sinh trắc học như vân tay, hình ảnh bị mờ… và yêu cầu phải mang giấy khai sinh, căn cước công dân lên công an quận để cập nhật lại.

    Đối tượng giả danh công an yêu cầu chị gọi cho một thuê bao khác được cho là cán bộ chuyên trách hộ khẩu điện tử của quận Thanh Xuân để được hỗ trợ đăng ký khai lại thông tin cho con.

    “Người tự xưng công an đó kêu tôi gọi cho cán bộ Thanh Hằng, quản lý hành chính công an quận hoàn thiện lại hồ sơ cho cháu, để cấp phát sổ hộ khẩu điện tử cho gia đình. Đồng thời, họ còn bảo là hồ sơ của con tôi đang bị treo trên hệ thống quốc gia. Cái này liên quan cả phần hồ sơ nhập học hay đi thi của cháu nên yêu cầu phải làm ngay luôn”, chị Nguyễn Loan cho hay.

    Sau đó, đối tượng yêu cầu việc đăng ký thông tin phải thực hiện trên máy điện thoại android với lý do là yêu cầu từ máy điện thoại iOS bị quá tải, đăng ký trên máy tính lại không hỗ trợ được chụp ảnh.

    “Họ kêu phải tải ứng dụng trên điện thoại dòng android để đăng ký cổng dịch vụ công quốc gia, chứ iPhone thì quá tải rồi. Trong khi nhà tôi không ai dùng máy dòng đó, tôi đề xuất thực hiện trên máy tính xách tay có hỗ trợ chụp ảnh, họ nhất quyết yêu cầu đi mượn điện thoại. Khi thấy phiền phức quá, tôi mới ra tận nơi hỏi công an phường, lúc đó mới biết cuộc gọi đó là lừa đảo”, chị Loan kể.

    Không chỉ lừa đảo liên quan đến cập nhật căn cước công dân, các đối tượng xấu còn lợi dụng việc dịch vụ thuế điện tử để lừa đảo đánh cắp, chiếm đoạt thông tin, tài sản của người nộp thuế, với số tiền cả tỷ đồng.

    Thủ đoạn kẻ lừa đảo thường dùng là giả mạo cơ quan thuế để hăm dọa, yêu cầu người nộp thuế cung cấp thông tin, gửi hình ảnh căn cước công dân để được hỗ trợ hướng dẫn làm thủ tục giảm thuế, hoàn thuế, quyết toán thuế và phục vụ công tác kiểm tra.

    Kẻ lừa đảo còn gửi đường link cài đặt ứng dụng giả mạo để chiếm quyền điều khiển điện thoại và đánh cắp tiền trong tài khoản ngân hàng của người nộp thuế.

    Hoặc chúng gửi cho người nộp thuế trang web giả mạo có giao diện gần giống trang web của cơ quan, doanh nghiệp để người dùng nhầm tưởng là trang web của đơn vị cung cấp.

    Ngoài ra, tội phạm mạng còn giả mạo tin nhắn SMS brand name của Tổng cục Thuế để phát tán tin nhắn giả, gửi các đường link và hướng dẫn giả mạo nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại/máy tính, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của người nộp thuế.

    Tận dụng mạng xã hội, ứng dụng nTrust để xác minh thông tin

    Tại buổi họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng cục Viễn thông cho biết, trong thời gian qua, nhằm hạn chế tối đa tình trạng cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, Bộ TTTT đã chỉ đạo các đơn vị, các doanh nghiệp triển khai nhiều biện pháp như: kết nối, xác thực cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xử lý SIM có thông tin không đúng quy định.

    Lừa đảo cập nhật thông tin căn cước công dân để sử dụng hộ khẩu điện tử- Ảnh 2.

    Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng cục Viễn thông

    Thống kê cho thấy, mỗi tháng các doanh nghiệp viễn thông đã chặn khoảng 50 triệu tin nhắn rác, 50.000 thuê bao phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

    Thời gian tới, Bộ TTTT sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp bảo đảm SIM chính chủ, xử lý triệt để tình trạng một thuê bao sở hữu nhiều SIM; phối hợp với Bộ Công an đề nghị người dân có trách nhiệm cung cấp số thuê bao di động của bản thân vào cơ sở dữ liệu dân cư theo quy định của Luật Căn cước góp phần xác định chính chủ.

    “Bộ TTTT cũng chỉ đạo các nhà mạng khóa 2 chiều và thu hồi SIM đã kích hoạt sẵn đang tồn kênh. Phối hợp các cơ quan chức năng của Bộ Công an để có các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm có liên quan. Đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo người sử dụng về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo”, ông Nguyễn Phong Nhã nêu rõ.

    Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, trong bối cảnh lừa đảo trực tuyến đang diễn biến phức tạp, nhiều người dân cần chủ động trang bị các kỹ năng phân biệt giữa thông tin chính xác và lừa đảo.

    Để xác minh độ tin cậy của thông tin, người dân cần tra cứu nguồn thông tin đến từ đâu. Nếu không phải nguồn uy tín là các website chính thức của các cơ quan, tổ chức có liên quan thì cần cảnh giác vì nguy cơ lừa đảo là rất cao.

    Cùng với đó, so sánh thông tin, đối chiếu với các nguồn khác nhau để đánh giá tính chính xác. Nếu thông tin chỉ xuất hiện ở một nơi hoặc không xuất hiện ở trang web chính thức của các cơ quan, tổ chức có uy tín nào thì hãy cẩn trọng.

    “Người dân cũng có thể tìm kiếm phản hồi trên các diễn đàn và mạng xã hội để nhận được thêm thông tin từ những người đã trải qua tình huống tương tự, tuy nhiên cũng cần cảnh giác với các thông tin giả được đưa lên bởi chính các đối tượng lừa đảo nhằm mục đích gây nhiễu hoặc hoang mang cho người dân”, ông Vũ Ngọc Sơn nêu ý kiến.

    Chuyên gia an ninh mạng khuyến nghị, người dân có thể nhận biết dấu hiệu lừa đảo qua một số chi tiết như các đối tượng đưa ra các mốc thời gian gần để gây áp lực cho người nhận thông tin, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, các lời hứa quá hời hoặc cơ hội quá tốt một cách bất thường, khó tin.

    Lừa đảo cập nhật thông tin căn cước công dân để sử dụng hộ khẩu điện tử- Ảnh 3.

    Tận dụng mạng xã hội, ứng dụng phòng chống lừa đảo nTrust để tìm thêm nguồn thông tin xác minh tính chính xác của thông tin (Ảnh chụp màn hình)

    Để hỗ trợ người dân trong việc phát hiện và phòng tránh lừa đảo, ứng dụng nTrust do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia phát triển có nhiều tính năng hữu ích.

    nTrust hoạt động bằng cách kết nối, thu thập và phân tích thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để xác định các số điện thoại, tài khoản ngân hàng, và trang web có dấu hiệu lừa đảo.

    Ứng dụng cũng cung cấp các cảnh báo cho người dùng thông qua kiểm kiểm tra thông tin giao dịch, so sánh với cơ sở dữ liệu đã lưu trữ và đưa ra cảnh báo nếu phát hiện dấu hiệu không an toàn.

    “Người dùng vừa là người thụ hưởng nhưng cũng là thành viên của cộng đồng phòng chống lừa đảo, có thể báo cáo các trường hợp nghi ngờ, giúp tăng cường cơ sở dữ liệu cho hệ thống. Bằng cách này mỗi người sẽ đóng góp một phần giúp tăng cường lá chắn phòng chống lừa đảo trực tuyến cho xã hội”, ông Vũ Ngọc Sơn bày tỏ.

    Để bảo vệ bản thân khi tham gia vào không gian mạng, người dân nên lưu ý những điểm sau:

    - Luôn sử dụng mật khẩu mạnh: Mật khẩu nên bao gồm chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt, và nên thay đổi thường xuyên.

    - Kích hoạt xác thực hai yếu tố (2FA): Biện pháp này giúp tăng cường bảo mật tài khoản bằng cách yêu cầu mã xác thực ngoài mật khẩu.

    - Cẩn thận với liên kết và tệp đính kèm: Không nên nhấp vào liên kết hoặc mở tệp từ nguồn không rõ ràng.

    - Nâng cao kỹ năng an toàn trên không gian mạng: Thường xuyên cập nhật kiến thức về các hình thức lừa đảo mới và các biện pháp bảo vệ.

    - Chỉ thực hiện giao dịch trên các trang web uy tín: Chỉ nên giao dịch trên các trang web có chứng chỉ SSL (địa chỉ bắt đầu bằng “https://”), có thông tin liên lạc rõ ràng, được công bố công khai, ưu tiên các tên miền .vn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ