Lý do thật sự phía sau khiến giá cổ phiếu Facebook sụt giảm và đánh mất 120 tỷ USD giá trị
Nó giống như cơn lũ quét bị cản bởi một con đập, và giờ đây con đập ấy đã vỡ.
Cuộc họp hội nghị công bố kết quả kinh doanh Q2/2018 vừa qua của Facebook được ghi nhận là sự kiện có một không hai trong lịch sử nước Mỹ. Bởi chỉ trong vòng 90 phút của cuộc họp ác mộng này, Facebook đã đánh mất hơn 120 tỷ USD giá trị thị trường. Đây là mức sụt giảm kỷ lục trên thị trường chứng khoán tại Mỹ.
Tuy nhiên lý do thực sự khiến cho giá cổ phiếu Facebook sụt giảm thảm hại đến vậy là gì? Một vài báo cáo doanh thu và lợi nhuận không đúng như kỳ vọng của các chuyên gia phân tích, chưa đủ sức để khiến Facebook lao dốc như vậy.
Facebook đang gặp phải vấn đề gì?
Khi cuộc họp hội nghị bắt đầu diễn ra, mọi thứ có vẻ vẫn suôn sẻ khi CEO Mark Zuckerberg công bố một con số ấn tượng. Có hơn 2,5 tỷ người đang sử dụng ít nhất một trong số các ứng dụng của Facebook, đó là một phần ba dân số thế giới. Tiếp đó, CEO Mark Zuckerberg công bố các số liệu doanh thu, lợi nhuận và số lượng người dùng hàng tháng.
Mọi thứ vẫn ổn, cho đến khi giám đốc tài chính David Wehner bước lên sân khấu và nói tới những nhận định không thực sự tươi sáng của Facebook, doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm. Và đó cũng là thời điểm mà các nhà đầu tư bắt đầu bán tống bán tháo cổ phiếu Facebook, khiến giá trị sụt giảm tới 24% chỉ sau ít giờ.
Giá cổ phiếu Facebook sụt giảm, hơn 120 tỷ USD giá trị vốn hóa bốc hơi.
Sau tuyên bố thẳng thắn của ông Wehner, các nhà đầu tư nhận ra một điều rằng: Cách thức người dùng tương tác với truyền thông xã hội đang thay đổi. Và trong khi Facebook đang tìm cách thích ứng với sự thay đổi đó, lợi nhuận của mạng xã hội này sẽ không được đảm bảo.
Vấn đề tăng trưởng của Facebook
Một trong những vấn đề quan trọng trong báo cáo tài chính Q2/2018 của Facebook, đó là tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Tốc độ tăng trưởng người dùng của Facebook đã giảm xuống chỉ còn 1,5%, con số thấp nhất trong lịch sử mạng xã hội này.
Số lượng người dùng hàng tháng của Facebook đang tăng chậm lại.
Đáng báo động hơn, đó là tốc độ tăng trưởng người dùng tại Mỹ và Canada là con số 0, trong khi tại Châu Âu còn bị sụt giảm. Điều đó đồng nghĩa với việc tại các thị trường này, Facebook không có người dùng mới và có những người dùng cũ đã bỏ đi không sử dụng mạng xã hội này nữa.
Tốc độ tăng trưởng thấp nhất của Facebook trong nhiều năm trở lại đây.
Facebook đang được sử dụng bởi hơn 2,23 tỷ người, gần một phần ba dân số thế giới. Trong khi ước tính có khoảng 62% dân số thế giới tiếp cận với internet. Facebook đã rất nỗ lực để mở rộng mạng lưới của mình trên toàn cầu, và đã đến lúc Facebook không thể tăng trưởng được tiếp.
Sự bão hóa của mạng xã hội Facebook đã được dự báo từ trước, nhưng chỉ đến khi vị giám đốc tài chính David Wehner khẳng định lại điều đó một lần nữa và các con số báo cáo tăng trưởng chậm của Facebook được đưa ra, các nhà đầu tư mới lo tháo chạy. Nó giống như cơn lũ quét bị cản bởi một con đập, và giờ đây con đập ấy đã vỡ.
Facebook vật lộn để tìm cách kiếm tiền mới
Cũng giống như việc Apple gặp khó khăn khi doanh số iPhone sụt giảm, Facebook đang gặp khó khăn khi mảng kinh doanh quảng cáo cốt lõi của mình không thể tăng trưởng vì thiếu người dùng mới. Cũng vì vậy mà Facebook đang phải tìm kiếm những hướng đi mới, những cách quảng cáo mới bên cạnh News Feed.
Story được cho là một trong những tính năng thành công của Facebook, mặc dù đây chỉ là tính năng ăn cắp của Snapchat. Chính tính năng này đã giúp Instagram và WhatsApp tăng trưởng mạnh, đè bẹp đối thủ Snapchat. Tuy nhiên, Facebook vẫn chưa thể tìm ra cách tối ưu hóa lợi nhuận từ Story, khi mà các quảng cáo trên Story bị hạn chế rất nhiều so với News Feed.
Facebook tìm cách kiếm tiền mới, bên cạnh quảng cáo trên News Feed.
Sau đó, Facebook đầu tư vào mảng video trực tuyến với việc ra mắt Facebook Watch, một nền tảng hứa hẹn cạnh tranh với YouTube với những nội dung độc quyền hợp tác với nhiều tên tuổi lớn. Mới đây, Instagram cũng ra mắt nền tảng video IGTV của riêng mình.
Tuy nhiên những hướng đi mới này sẽ cần rất nhiều thời gian và tiền bạc, trước khi đem lại lợi nhuận cho Facebook. Trên thực tế, chính CEO Mark Zuckerberg đã cảnh báo trong cuộc họp hội nghị cách đây một năm. Lời cảnh báo về việc Facebook sẽ chấp nhận giảm lợi nhuận để thay đổi và tìm những hướng kinh doanh mới đem lại hiệu quả lâu dài hơn.
Và khi không thu hút được người dùng mới, Facebook tìm cách để giữ chân những người dùng cũ của mình. Các thay đổi lớn thời gian gần đây của mạng xã hội Facebook, đều tập trung vào việc làm hài lòng người dùng. Ví dụ như giảm tần suất các bài viết của doanh nghiệp, tăng số lượng bài viết của người thân và bạn bè. Những thay đổi này cũng làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của Facebook.
Tạm kết
Facebook vẫn sẽ có thể kiếm hàng tỷ USD mỗi quý trong thời gian tới, mặc dù những con số này có thể sụt giảm đôi chút. Nhưng sự sụt giảm đó là cần thiết khi mạng xã hội này đang chấp nhận thay đổi và tìm những hướng kinh doanh mới.
Cỗ máy kiếm tiền News Feed của mạng xã hội Facebook sẽ không thể tăng trưởng mãi. Cũng giống như việc giá cổ phiếu có lúc tăng thì sẽ có lúc giảm. Điều quan trọng là những sự hy sinh hiện tại của Facebook có đem lại hiệu quả sau này hay không? Câu trả lời sẽ khó có thể đưa ra ngay lúc này, nhưng có một điều phải khẳng định đó là Facebook sẽ không thể sụp đổ một cách dễ dàng như vậy.
Tham khảo: variety
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Google: Giải được bài toán 10 triệu tỷ tỷ năm chỉ trong 5 phút, chip lượng tử mới là bằng chứng về đa vũ trụ
Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là nhiều người trên cộng đồng mạng thế giới lại đang đồng tình với kết luận của Google.
Gần 2025 rồi mà vẫn dùng USB để lưu công việc thì quả là lỗi thời