Manchineel - loài cây nguy hiểm nhất thế giới

    Huỳnh Dũng,  

    Manchineel là loài cây nhiệt đới quý hiếm có trái ngọt đến khó tin, nhưng nó cũng là một trong những loài cây độc khét tiếng nhất Trái đất.

    Cây xanh là một phần không thể thay thế trong hệ sinh thái của Trái đất. Từ việc cung cấp thức ăn, bóng mát, oxy và thậm chí dùng để xây dựng nhà cửa, cây xanh đã đáp ứng vô số nhu cầu của con người.

    Hiện nay, nhân loại không còn sống trong rừng nhiều như xưa, nhưng cây xanh vẫn là một phần thiết yếu của các thành phố hiện đại. Mặc dù cây cối rất phổ biến với con người nhưng bạn phải cẩn thận khi tiếp xúc, vì không phải loài cây nào cũng hoàn toàn vô hại, như cây manchineel là ví dụ điển hình. Vậy điều gì đã khiến loài cây này trở nên nguy hiểm khét tiếng nhất thế giới? Hãy cùng tìm hiểu!

    Cây manchineel mọc trên bãi biển đầy cát trắng của châu Mỹ

    Manchineel có tên đầy đủ là Hippomane mancinella cao tới 12m, thân cây dày 60cm, mọc ra nhiều cành cây uốn hình elip chứa đầy lá vàng xanh mang mùi hương đặc thù.

    Quả của cây có màu xanh, chuyển sang màu vàng nâu khi chín mùi, quả mọc theo cặp hoặc đơn lẻ trên cành. Do quả và tán lá trông giống của cây táo nên tên tiếng Tây Ban Nha của manchineel là “manzanilla” có nghĩa là “quả táo nhỏ”.

    Manchineel - loài cây nguy hiểm nhất thế giới- Ảnh 1.

    Cây manchineel với biển cảnh báo trên đảo Curacao thuộc vùng Caribe. (Ảnh: nathab)

    Manchineel được tìm thấy ở vùng đất cát, rừng ngập mặn ở phía nam Florida, vùng Caribe, Trung Mỹ và phía bắc Nam Mỹ. Các biển cảnh báo do người dân địa phương đặt, kêu gọi du khách phải giữ khoảng cách với loài cây này.

    Khi đi dọc bờ biển, người ta sẽ thấy những cây Manchineel được đánh dấu bằng một vòng sơn màu đỏ, như lời cảnh báo phải giữ khoảng cách an toàn.

    Cây manchineel khét tiếng vì đặc tính cực độc

    Bóng của cây manchineel có thể trông lý tưởng vào một ngày nắng nóng dọc bờ biển. Quả trên cành khi chín trông rất đẹp mắt và mọng nước. Tuy nhiên, việc tận hưởng bóng râm hay cắn một miếng vào quả cây này không phải là một ý kiến hay.

    Người dân địa phương khẳng định, bạn không nên chạm vào vỏ thân cây, hoặc thậm chí hít thở không khí xung quanh cây. Chỉ cần chạm vào cây, cơ thể của bạn sẽ phản ứng với chất độc mà cây này chứa.

    Manchineel - loài cây nguy hiểm nhất thế giới- Ảnh 2.

    Cây Manchineel thường được đánh dấu bằng sơn đỏ như một dấu hiệu cảnh báo. (Ảnh: Adobe)

    Cây manchineel chứa một hỗn hợp độc tố, bao gồm hippomanin A và B, cùng một số chất chưa được xác định. Nhựa cây màu trắng đục mang độc tính cao vì có chứa phorbol, đây là một chất hóa học gây kích ứng cực mạnh khi tiếp xúc với da.

    Khi đứng dưới gốc cây này trong cơn mưa, chất nhựa độc hòa lẫn với những giọt mưa có thể gây đau đớn dữ dội, làm da phồng rộp. Hơn nữa, nếu cây này đang bị cháy, tốt nhất bạn nên tránh đi vì khói cháy từ cây này có thể gây kích ứng mắt nghiêm trọng, thậm chí gây mù lòa.

    Tuy nhiên, chất độc chứa trong quả của nó vượt xa chất độc được tìm thấy trong vỏ thân cây và lá. Việc ăn trúng quả cây này gây ra nhiều hậu quả đau đớn.

    Nhà thực vật học và nhà tự nhiên học Roger Hammer cho biết, các thủy thủ bị đắm tàu ăn trái cây này đã bị viêm và phồng rộp quanh miệng, cùng với các vấn đề nghiêm trọng về dạ dày và đường ruột. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi Christopher Columbus gọi loại trái cây này là “manzanilla de la muerte” hay “quả táo nhỏ chết chóc”.

    Nicola H. Strickland, một bác sĩ tư vấn X quang, đang đi nghỉ cùng một người bạn ở đảo Tobago thuộc vùng Caribe thì họ tình cờ thấy quả của cây manchineel. Lúc đầu, việc cắn miếng đầu tiên rất dễ chịu nhưng vài giờ tiếp theo thì không. Nó bắt đầu với cảm giác cay cay trong miệng, sau đó chuyển thành cảm giác nóng rát, xé rách da cổ họng, khiến cổ họng nghẹn lại.

    Manchineel - loài cây nguy hiểm nhất thế giới- Ảnh 3.

    Việc ăn trúng quả cây này gây ra nhiều hậu quả đau đớn. (Ảnh: Istock)

    Họ hầu như không thể nuốt thức ăn do đau đớn, chỉ có uống sữa mới giúp giảm bớt sự khó chịu một chút. Sau đó, Nicola và bạn của cô đã bị loét miệng, loét thực quản phù nề nghiêm trọng. Các triệu chứng giảm dần sau 8 giờ, nhưng các hạch bạch huyết của họ trở nên rất mềm.

    Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa rõ tại sao cây manchineel lại có cơ chế gây độc cực đoan đến như vậy.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ