Nhiều người dậy siêu sớm không thích điều đó, và họ trở thành bệnh nhân thay vì siêu nhân.
Đâu đó xung quanh bạn tồn tại một siêu nhân ngoài đời thực – những người thức dậy siêu sớm. Ba giờ sáng, có thể là thời điểm bạn vừa gập laptop của mình lại hoặc bỏ điện thoại xuống để đi ngủ, những siêu nhân này đã tỉnh dậy và bật máy pha cà phê.
Và họ tỉnh dậy một cách hoàn toàn tự nhiên, không cần chuông báo thức. Một nghiên cứu mới cho thấy cứ 300 người thì có 1 người như vậy. Và siêu năng lực này có xu hướng di truyền. Nhiều người dậy siêu sớm thừa hưởng khả năng của họ từ bố hoặc mẹ mình.
Nhưng thực sự thì liệu họ có hạnh phúc với cuộc sống đó?
Mang trong mình gen dậy siêu sớm: Người trở thành siêu nhân, kẻ trở thành bệnh nhân
Louis J. Ptáček, một giáo sư thần kinh học tại Đại học California đã có ý tưởng nghiên cứu những siêu nhân đời thực này từ khoảng 20 năm trước.
Đó là khi một trong những đồng nghiệp giới thiệu ông với một người nữ 69 tuổi thường xuyên thức dậy lúc một hoặc hai giờ sáng. Nhiều người có tuổi vẫn thường hướng thức dậy sớm, nhưng ngay từ tuổi 30, người phụ nữ này đã đều đặn thức dậy lúc bốn giờ sáng.
Trong nghiên cứu mới được công bố gần đây trên tạp chí Sleep, Ptáček đã hợp tác với Christopher Jones, một nhà thần kinh học tại Đại học Utah, người cũng đang điều hành một phòng khám về giấc ngủ.
Jones chủ yếu khám cho những bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ hoặc rối loạn giấc ngủ. Trong suốt 10 năm, ông ấy đã hỏi 2.422 bệnh nhân của mình những câu hỏi, ví dụ như "Nếu anh/chị phải làm một bài kiểm tra vào ngày mai, thời điểm nào là tốt nhất cho việc đó?" hoặc "Đâu là khoảng thời gian tốt nhất mà anh/chị nghĩ mình nên tập thể dục?".
Đối với những bệnh nhân có câu trả lời sớm nhất Jones nghĩ rằng họ có cơ hội là những siêu nhân dậy sớm. Ông sẽ hỏi liệu họ có thường thức dậy một cách tự nhiên vào 5:30 sáng không.
Và đúng vậy, Jones đã tìm ra tám người trả lời "Có". Tỷ lệ này là 1/300. Năm trong số tám bệnh nhân báo cáo trong gia đình của họ cũng có những người thân thức dậy rất sớm, cho thấy điều này có thể xuất phát từ trong gen.
Ptáček nói rằng nghiên cứu của ông và Jones là độc nhất, bởi vì nó cho thấy những mô hình ngủ siêu nhiên này thực ra "không hiếm, và nó chỉ trở thành một vấn đề nếu chính người đó không mong muốn dậy sớm".
Điều gì sẽ xảy ra nếu hôm nào bạn cũng thức dậy vào 3-4 giờ sáng?
Trên thực tế, những người dậy siêu sớm có rất nhiều lợi thế so với người bình thường khác. So với những người dậy sớm trung bình, những người dậy siêu sớm thức dậy dễ dàng hơn và không có xu hướng ngủ bù vào cuối tuần.
Họ cũng khỏe mạnh hơn những người hay thức khuya, những cú đêm. Bởi một thực tế, ngủ quá muộn có liên quan đến một loạt hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch.
Ngoài ra, những người dậy siêu sớm cũng thường nhận được lợi ích từ một khía cạnh gọi là ấn tượng xã hội. Khi chúng ta quan niệm rằng những người thức dậy sớm là những người chăm chỉ, có trách nhiệm và những người thức dậy muộn là lười biếng.
Điều này không thực sự đúng; nhiều người thuộc mẫu cú đêm thức dậy vào buổi trưa nhưng làm việc đến 2 giờ sáng, khi những người dậy siêu sớm đã có một giấc ngủ và chuẩn bị thức dậy pha cà phê. Tuy nhiên, dù là vậy khuôn mẫu xã hội vẫn được thiết lập để có cái nhìn ưu ái hơn dành cho những người dậy sớm hơn.
Nhưng không phải không có mặt trái khi trở thành một người dậy siêu sớm. Siêu năng lực này không phải lúc này cũng đem lại hạnh phúc như bạn nghĩ. Để dậy sớm được như vậy, nhiều người phải đi ngủ trước 8:30 tối như nghiên cứu của Ptáček cho thấy.
Một số người khác đi ngủ muộn hơn, nhưng đó không phải là vì bản thân họ muốn vậy. Sabra Margaret Abbott, một nhà thần kinh học tại Đại học Northwestern cho biết cửa sổ cho giấc ngủ tự nhiên của một số người bắt đầu mở từ 7 giờ tối đến 3 giờ sáng, nhưng họ hiếm khi có thể đi ngủ trước 10 giờ vì nghĩa vụ công việc và gia đình của họ.
Đáng ngạc nhiên thay là họ vẫn không thể ngủ quá 3 giờ sáng. Kết quả không thể tránh khỏi là họ mắc chứng thiếu ngủ và trở thành những bệnh nhân thay vì siêu nhân.
Nhiều người dậy siêu sớm không thích điều đó, và họ trở thành bệnh nhân thay vì siêu nhân.
Abbott nói thêm rằng nếu bạn thấy nhịp sinh học và giấc ngủ tự nhiên của mình không khớp với lịch làm việc và bạn không mong muốn nó, hãy thử điều chỉnh bằng cách sử dụng hoóc môn ngủ melatonin và trị liệu ánh sáng.
Ptáček chia sẻ rằng người phụ nữ 69 tuổi mà ông gặp 20 năm về trước thực ra không hề muốn sở hữu năng lực siêu nhiên ấy. Thông thường, bà ấy thấy mình phải thức dậy khi trời vẫn lạnh và tối, cô đơn khi chưa có ai tỉnh dậy. Dần dần, bà ấy trở nên trầm cảm. Đôi khi, bà sẽ hút bụi lúc 4 giờ sáng chỉ để giết thời gian.
Thế nhưng ngược lại, một trong những người thân của bà, người cũng sở hữu khả năng dậy sớm lại yêu thích nó. Nói không quá thì chính nhờ dậy siêu sớm, anh ta đã trở thành một doanh nhân rất thành công.
"Ông ấy cảm thấy rất đúng đắn vì đã dậy sớm", Ptáček nói. "Cứ 3:30 hoặc 4 giờ sáng, ông ấy sẽ đến một phòng tập gym 24/7 để tập luyện".
Ptáček cho biết một phần mục đích của nghiên cứu này là để chúng ta hiểu "một sự thật rằng chúng ta đều khác biệt. Gen của chúng ta định nghĩa một phần chúng ta là ai. Điều mà bạn nghĩ rằng nó tốt đối với bạn, chưa chắc đã tốt đối với tôi. Mọi người có xu hướng so sánh mọi thứ với một mức trung bình, nhưng chúng ta không thể áp đặt một mức trung bình cho tất cả mọi người được".
Tham khảo Theatlantic
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"