Mặt tối của ngành xe điện Trung Quốc: Bãi rác ô tô ngập hàng phế thải, ắc quy điện chẳng ai muốn tái chế gây ô nhiễm môi trường
Sự bùng nổ quá nhanh của công nghệ xe điện đang khiến nhiều hãng cho thuê ô tô, taxi thải loại hàng loạt các sản phẩm đời đầu để chuyển sang dùng hàng mới mà chẳng quan tâm đến tái chế hay ô nhiễm môi trường.
- CEO VinFast nói về việc "nhỡ sóng" niêm yết sàn Mỹ khi xe điện đang nóng và cú giải cứu tỷ đô của Chủ tịch Phạm Nhật Vượng
- Cuộc đua 'vàng trắng' lại lên cơn sốt: là nguyên liệu VinFast và nhiều nhà sản xuất xe điện cần, Việt Nam cũng đang nắm giữ trữ lượng cực lớn
- Giữa loạt tin mừng của VinFast, đối tác ruột vừa giới thiệu loại pin “bom tấn” của ngành xe điện: Đi 400km chỉ với 10 phút sạc, sẽ xuất xưởng vào đầu năm tới
- Tesla bỗng có động thái lạ - thách thức tất cả đối thủ bán xe điện ở Mỹ
- Báo nước ngoài nói về thương vụ chào sàn của VinFast: Bước vào nhóm thương hiệu xe điện giá trị nhất hành tinh, nắm giữ 2 yếu tố then chốt để khẳng định sự khác biệt
Hãng tin Bloomberg cho hay tại một bãi phế liệu ngoại ô thành phố Hangzhou-Trung Quốc, hàng dài những chiếc ô tô điện phế thải bị bỏ hoang ngập cỏ dại mà chẳng ai quan tâm.
Đây chỉ là một trong vô số những bãi phế thải ô tô điện khắp Trung Quốc mà chẳng hề được dọn dẹp hay xử lý dù sản phẩm này được mệnh danh là “thân thiện môi trường” hơn so với xe xăng.
Tại bãi phế thải ở Hangzhou, nhiều chiếc xe bị bỏ hoang lâu đến mức cỏ dại mọc cả ở trong xe, một số khác thì bị vứt bỏ vội vàng đến mức nhiều đồ chơi cá nhân vẫn còn nằm trên bảng điều khiển xe.
Theo Bloomberg, hình ảnh này gợi nhớ lại làn sóng bùng nổ xe đạp năm 2018. Thị trường bong bóng này đã khiến hàng chục triệu chiếc xe đạp bị vứt bỏ ngoài bờ sông, công viên hay bãi rác khi cơn sốt qua đi.
Sự bùng nổ rồi xì hơi của hàng loạt startup được hỗ trợ bởi những tập đoàn như Ofo hay Mobike đã khiến Trung Quốc phải hứng chịu hàng chục triệu rác thải xe đạp không ai xử lý.
Tương tự, ngành xe điện lần này ở Trung Quốc cũng đang thải loại ra vô số rác thải ô nhiễm môi trường khi nhiều startup ô tô điện thất bại, hoặc người dùng nhanh chóng vứt bỏ xe cũ để mua những dòng sản phẩm mới được tung liên tiếp ra thị trường với tính năng vượt trội hơn.
Đây là điều dễ hiểu khi ngành xe điện còn mới và sản phẩm sẽ còn liên tục được cải tiến trong cuộc đua cạnh tranh khốc liệt giành thị phần.
Khi các nguồn vốn đổ về một ngành nghề thì chúng sẽ tạo nên sự tiến bộ phát triển, nhưng cũng gây nên những hệ lụy tiêu cực mà nếu không giải quyết hiệu quả sẽ gây tác động đến kinh tế-xã hội.
Nở nhanh, tàn sớm
Cách đây 10 năm, dưới sự hỗ trợ của chính phủ, hàng trăm hãng xe điện Trung Quốc mọc lên như nấm và tạo nên một cuộc cách mạng lớn chưa từng có.
Hãng tin Bloomberg nhận định các hãng xe điện Trung Quốc đã cho ra lò lượng lớn sản phẩm dù mới chỉ ở giai đoạn thử nghiệm. Thậm chí nhiều chiếc ô tô chỉ chạy được 100km cho mỗi lần sạc đầy nhưng cũng được đem ra bán.
Phần lớn các sản phẩm này được những hãng cho thuê xe mua lại để kinh doanh dịch vụ vận tải.
“Tại thời điểm ban đầu của thị trường xe điện Trung Quốc, phần lớn sản phẩm được dùng cho ngành thuê xe hoặc ứng dụng dùng xe chung. Chỉ có rất ít khách hàng cá nhân mua chúng về dùng riêng”, chuyên gia phân tích Young Huang của hãng JSC Automotive nhận định.
Lợi nhuận từ sự hỗ trợ của chính phủ và thị trường xe điện đã khiến các startup trong ngành bùng nổ. Hiện Trung Quốc đã trở thành thị trường tiêu thụ xe điện lớn nhất thế giới với khoảng 6 triệu ô tô điện lẫn xe Hybrid được sản xuất năm 2022, chiếm 1/3 tổng số xe bán mới nội địa.
Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới hiện cũng chiếm 60% lượng xe điện toàn cầu, đồng thời có hệ thống cơ sở hạ tầng cho ô tô điện hoàn thiện nhất.
Thế nhưng thành công này cũng đi kèm cái giá phải trả.
Hàng loạt những hãng cho thuê xe điện bị loại khỏi thị trường do sản phẩm của họ đều là những ô tô điện đời đầu đã cũ. Tệ hơn, sự cạnh tranh cũng khiến vô số startup phải bỏ cuộc khi không thể cạnh tranh nổi trên thị trường, tạo ra vô số những chiếc xe điện bị vứt bỏ ngoài bãi rác.
Trung Quốc hiện chỉ còn khoảng 100 hãng sản xuất xe điện, giảm mạnh so với 500 doanh nghiệp năm 2019.
Ô nhiễm môi trường
Hậu quả của bong bóng xe điện tại Trung Quốc là những bãi rác sản phẩm ô nhiễm môi trường. Theo Bloomberg, cuộc chạy đua ngành xe điện quá ồ ạt hiện nay đang làm giảm những ưu thế về khí thải nhà kính của mảng này.
Các nhà máy sẽ phải tốn nhiều năng lượng hơn để chế tạo, các mỏ khai khoáng kim loại quý sẽ phải nâng công suất hơn. Trong khi đó sản phẩm xe điện chỉ ra mắt được vài năm là bị vứt bỏ, nhường chỗ cho dòng ô tô mới, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
Mặc dù ắc quy đã qua sử dụng của xe điện chứa những thành phần quý giá như Niken, Lithium hay Cobalt, vốn có thể tái chế để giúp ngành này thân thiện môi trường hơn.
Thế nhưng chi phí tái chế đắt đỏ cũng như sự cạnh tranh sống sót giành thị phần hiện nay khiến chẳng hãng nào thèm quan tâm.
Giới truyền thông địa phương ở Hangzhou từng cho hay chính quyền sẽ bắt đầu xử lý những chiếc ô tô điện thải loại từ năm 2019, thế nhưng khi phóng viên Bloomberg đột nhập một số địa điểm quét vệ tinh vào tháng 7/2023, hàng dài những bãi xe điện phế thải vẫn nằm đó chẳng ai để ý tới.
Ví dụ trong một bãi phế thải mà Bloomberg phát hiện được là hơn 200 xe điện màu trắng của Chongqing Changan Automobile Co. Chúng từng là đội taxi điện của Didi Chuxing Technology và Faststep Automobile Management.
Những chiếc xe này đều được sản xuất và đăng ký trước tháng 12/2017 và chỉ được dùng đến năm 2021 rồi vứt bỏ khi những sản phẩm mới hơn ra đời thay thế.
Trong khi đó, hơn 1.000 xe điện khác bị vứt bỏ dọc sông tại Hangzhou, chủ yếu đến từ hãng Ledao Chungxing, một công ty cho thuê xe điện mới phá sản đầu năm nay. Một số chiếc xe thậm chí còn rất mới nhưng đã bị vứt bỏ ngoài bãi.
Trước khi Elon Musk đến
Trước khi Tesla đến Trung Quốc mở nhà máy ở Thượng Hải đầu năm 2020, phần lớn các xe điện sản xuất ở Trung Quốc đều khá nhỏ và chất lượng kém. Hãng tin Bloomberg nhận định những sản phẩm này khó lọt được vào mắt người tiêu dùng cũng như cạnh tranh được với các ô tô “sang xịn mịn” chạy xăng truyền thống.
Thứ duy nhất khiến ngành xe điện Trung Quốc duy trì được lợi thế là những chính sách hỗ trợ từ chính quyền Bắc Kinh, bao gồm khoản giảm giá lên đến 60.000 Nhân dân tệ, tương đương 8.400 USD, hay giới hạn số lượng xe xăng được sở hữu ở một số thành phố lớn.
Chính nhờ các chính sách này mà nhiều hãng cho thuê xe hay taxi bắt đầu chuyển dần qua xe điện để tận dụng lợi thế. Ví dụ như hãng cho thuê xe Caocao Chungxing được hậu thuẫn bởi startup xe điện Geely.
Thế nhưng không phải cuộc hợp tác nào cũng thành công. Ví dụ hãng cho thuê xe Panda được hậu thuẫn bởi Chongqing Lifan Auto đã phải chấm dứt vào năm 2020. Bản than hãng Lifan cũng đã phá sản cùng năm đó để rồi được Geely mua lại.
Đến năm 2019, khi Trung Quốc siết chặt ngành xe điện và dần chấm dứt hỗ trợ thì nhiều hãng xe điện, taxi lẫn cho thuê xe đều bị bất ngờ và không kịp chuẩn bị, dẫn tới đứt gãy dòng tiền.
“Những người chơi đó chẳng thể sống sót trong cuộc đua”, chuyên gia phân tích Young Huang của JSC nhận định.
Giám đốc Jin Yang của Fitch Rating chi nhánh Trung Quốc cho hay người dân bắt đầu nhận thấy những bãi rác xe điện xuất hiện ngày một nhiều từ năm 2019.
Mặc dù các hãng cho thuê xe lẫn taxi có vai trò phổ biến phương tiện mới cho công chúng nhưng họ lại chẳng có kế hoạch cụ thể gì trong dài hạn, hậu quả là khi hỗ trợ của chính phủ chấm dứt, vô số xe điện bị vứt bỏ ngoài bãi rác.
“Những bãi rác xe đạp trước đây và xe điện hiện nay là hậu quả của dòng vốn tư bản không bị kiểm soát. Chúng gây lãng phí tài nguyên, hủy hoại môi trường và của cải”, nhiếp ảnh gia Wu Guoyong, người đã quay phóng sự về bãi rác xe đạp năm 2018-2019 và xe điện hiện nay thông qua máy quay drone nói với Bloomberg.
*Nguồn: Bloomberg
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"