'Mèo đánh cá': Dù được gọi là mèo, nhưng thực tế lại là chồn

    Đức Khương, phunuvietnam.vn 

    'Mèo đánh cá' (fisher cat) thực chất không phải là một con mèo và nó cũng không bắt cá, tên gọi chính thức của chúng là chồn Pekan và là một trong những thợ săn mạnh nhất ở Bắc Mỹ.

    Được tìm thấy trong các khu rừng ở Canada và miền bắc Hoa Kỳ, mèo đánh cá là một trong những loài động vật vô cùng độc đáo và đáng chú ý. Là một thành viên của gia đình chồn, sinh vật này nổi tiếng là khó bắt gặp và nhút nhát. Với những người từng gặp chúng, họ luôn cho rằng chúng là một con vật hiền lành, ngây thơ.

    Nhưng bên dưới vẻ ngoài có vẻ quyến rũ của nó là trái tim của một kẻ săn mồi thực sự. Mặc dù tên của chúng là fisher cat - mèo đánh cá, tuy nhiên chúng không hề bắt cá và cũng không phải là mèo. Thay vào đó, loài động vật này chủ yếu săn những loài gặm nhấm, chim, động vật lưỡng cư, bò sát nhỏ và côn trùng. Nó cũng là một trong số ít động vật có vú đủ dũng cảm để săn đuổi nhím. Ngoài ra, cũng có rất ít loài động vật trong khu vực sinh sống có thể đe dọa chúng, trừ con người.

    "Mèo đánh cá": Dù được gọi là mèo, nhưng thực tế lại là chồn - Ảnh 1.

    Một loài động vật độc đáo với cái tên gây hiểu nhầm

    Với chiều dài lên tới 40 inch (hơn 1 mét), mèo đánh cá có thân hình khá mảnh khảnh với chiếc đuôi dài (chiếm khoảng một phần ba tổng chiều dài cơ thể).

    Theo Mass Audubon, con vật này có thể nặng gần 10 kg, có 4 chân ngắn nhưng nhanh nhẹn với móng vuốt có thể thu vào một phần, cho phép nó nhanh chóng trèo lên cây rừng và nhảy cao tới hơn 2 mét.

    Mèo đánh cá cũng có một bộ lông bóng loáng có nhiều màu từ nâu xám đến nâu sẫm, đen nâu. Khoảng 100 năm trước, da của loài động vật này rất có giá trị trong việc buôn bán lông thú. Điều này đã khiến cho chúng gần như bị săn bắt đến tuyệt chủng ở một số vùng thuộc phạm vi sinh sống của chúng ở Bắc Mỹ.

    "Mèo đánh cá": Dù được gọi là mèo, nhưng thực tế lại là chồn - Ảnh 2.

    Nhưng thật may mắn cho loài mèo đánh cá, ngày nay nó không còn gần như bị tuyệt chủng. Theo Live Science, việc tái du nhập thành công và phục hồi môi trường sống đã đảm bảo sự tồn tại của loài này ở Canada và Hoa Kỳ (đặc biệt là ở vùng Đông Bắc và Tây Bắc). Trên hết, lông động vật đã không còn được ưa chuộng trong thời hiện đại, do đó chúng cũng ít bị săn bắn hơn.

    Mặc dù đây là một tin tuyệt vời đối với loài mèo đánh cá và các nhà bảo vệ môi trường, nhưng điều kém thú vị hơn là nếu chúng phát triển quá nhanh và tới gần khu vực con người sinh sống, chó và mèo trong nhà của bạn có thể sẽ trở thành bữa tối của chúng.

    "Mèo đánh cá": Dù được gọi là mèo, nhưng thực tế lại là chồn - Ảnh 3.

    Loài động vật phàm ăn

    Mặc dù có kích thước tương đối nhỏ nhưng mèo đánh cá lại là loài rất phàm ăn. Sinh vật ăn thịt này săn thỏ rừng, sóc, chuột nhắt, chuột chũi, gà, động vật lưỡng cư và côn trùng. Nó cũng ăn các loại hạt và trái cây nếu không tìm được động vật để săn.

    Đáng chú ý, con mèo đánh cá cũng thích ăn nhím, loài nổi tiếng là khó giết. Để thực hiện điều này, kẻ săn mồi tấn công các bộ phận dễ bị tổn thương của con nhím: mặt và bụng của nó. Khi con nhím bị thương, mèo đánh cá sẽ giết nó rồi ăn thịt con vật từ đầu, cổ hoặc dưới bụng để tránh bị lông nhím chọc vào.

    "Mèo đánh cá": Dù được gọi là mèo, nhưng thực tế lại là chồn - Ảnh 4.

    Nhưng ngay cả khi một con mèo đánh cá bị lông nhím đâm - hoặc nếu nó nuốt phải lông nhím khi đang ăn - thì điều đó dường như không gây hại nhiều cho chúng. Nó có thể chống lại sự nhiễm trùng từ lông nhín - có thể gây tử vong cho hầu hết các loài động vật khác.

    Nhờ kỹ năng săn mồi ấn tượng của mình, những tin đồn đáng sợ về loài động vật này đã được lan truyền, trong đó nhiều câu chuyện nói rằng loài vật này ăn thịt trẻ nhỏ.

    Nhưng theo Live Science, những tin đồn này chỉ là tin đồn không chính xác. Nhà sinh thái học động vật hoang dã Michael Joyce nói rằng ông chưa từng ghi nhận về bất kỳ trường hợp mèo đánh cá nào tấn công con người.

    Mèo đánh cá được biết là săn lùng mèo nhà khi chúng đi lang thang bên ngoài, và một số cá thể đặc biệt thậm chí còn coi chó cưng là thức ăn.

    "Mèo đánh cá": Dù được gọi là mèo, nhưng thực tế lại là chồn - Ảnh 5.

    Theo The New York Times, một phụ nữ tên là Kerry Beaudry đã kể lại một con mèo đánh cá đã tấn công con chó becgie Đức của cô ở Rhode Island vào năm 2007. Con mèo đánh cá đó đã ngoạm cổ con chó và gặm mặt nó cho đến khi chồng của Beaudry đánh đuổi nó đi bằng một cây chổi.

    Thật không may, những gì đã xảy ra với chú chó đáng thương của Beaudry không phải là ngoại lệ. Trong những năm gần đây, mèo đánh cá đã trở nên nổi tiếng vì tấn công vật nuôi trong nhà và động vật trang trại, đặc biệt là ở Đông Bắc Hoa Kỳ.

    Hơn nữa, mèo đánh cá có thể giết nhiều con vật cùng một lúc (đôi khi là để thỏa mãn bản năng săn mồi) trong một không gian nhỏ, điều này có thể gây rắc rối nếu nó tìm đường vào chuồng gà.

    Có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên, điều này đã dẫn đến sự thất vọng và lo lắng của nhiều người nuôi thú cưng và nông dân ở những khu vực mà mèo đánh cá đi lang thang.

    "Mèo đánh cá": Dù được gọi là mèo, nhưng thực tế lại là chồn - Ảnh 6.

    Tương lai của chúng sẽ như thế nào?

    Mặc dù mèo đánh cá có thể đã có nguy cơ biến mất từ nhiều thập kỷ trước, nhưng điều đó khác xa với trường hợp ngày nay. Những nỗ lực bảo tồn và tái trồng rừng đã đảm bảo rằng loài động vật này sẽ phát triển mạnh ở Bắc Mỹ trong tương lai gần.

    Vì mèo đánh cá có ít kẻ thù ngoài con người, nên nó rất ít phải sợ hãi trong tự nhiên - ngay cả khi gặp những loài động vật lớn hơn. Trên thực tế, theo National Geographic, mèo đánh cá có thể hạ gục thành công những con vật có kích lớn hơn chúng gấp nhiều lần, bao gồm cả linh miêu Canada. Người ta tin rằng nó có thể làm được điều này bằng cách cắn chí mạng vào cổ hoặc đầu của linh miêu.

    "Mèo đánh cá": Dù được gọi là mèo, nhưng thực tế lại là chồn - Ảnh 7.

    Scott McLellan, một nhà sinh vật học hoang dã nội địa Maine, giải thích: "Không có bất kỳ ranh giới nào về kích thước của con vật mà mèo đánh cá sẽ tấn công. Chúng là một loài động vật rất cơ hội, nếu khiến chúng tức giận, chúng sẽ sẵn sàng tấn công cho đến chết".

    Mặc dù mèo đánh cá có thể gây khó chịu cho những nông dân và chủ trang trại, nhưng chúng cũng đóng một vai trò quan trọng đối với môi trường, đặc biệt là khi kiểm soát chuột và các loài gặm nhấm có hại.

    Nói chung, con người sẽ cần học cách chung sống với mèo đánh cá thay vì chống lại chúng.

    Nguồn: Grunge; Phys.org; USGS

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ