Một thế lực từng có thời dùng độc quyền để bóp chết sự phát triển một công nghệ quan trọng, nay lại là một trong những động lực phát triển lớn nhất của công nghệ đó? Đây chính là câu chuyện của Microsoft và World Wide Web.
Tại sự kiện Build, Microsoft ra tuyên bố "Microsoft luôn là một công ty chuyên về nền tảng". Một tuyên bố đầy tự hào và cũng hoàn toàn đúng sự thật. Microsoft hiện đang là thế lực đứng thứ hai trong cuộc đua song mã với Amazon trên đám mây, nơi mà cả Google, IBM lẫn Oracle đều chỉ là mắt muỗi so với 2 kẻ đứng đầu. Microsoft cũng là chủ của bộ API cho trí thông minh nhân tạo phổ biến nhất, được ưa chuộng nhất thế giới. Microsoft rộng mở chào đón các nhà phát triển đem công nghệ lõi của Microsoft (đám mây, ngôn ngữ, dịch vụ dữ liệu...) vào trong các nền tảng đối thủ như iOS và Linux.
Nếu đã từng chăm chú theo dõi sự kiện Build của 2 năm vừa qua, bạn sẽ hiểu rằng Microsoft hiện đang là một trong những gã khổng lồ công nghệ dành nhiều tâm huyết nhất cho giới phát triển phần mềm.
Ấy vậy mà trong tâm trí của nhiều người, Microsoft là kẻ thù của giới developer. Microsoft đại diện cho một sự hung hăng ngang tàn, một kẻ kiên quyết không chịu tuân theo các tiêu chuẩn của thế giới, khiến cho công việc của developer trở nên vô cùng khó khăn. Một kẻ bảo thủ trì trệ trong một lĩnh vực được mệnh danh là thay đổi đến chóng mặt.
Đó chính là thời đại của Steve Ballmer. Sản phẩm đại diện tiêu biểu nhất cho sự "hung hăng" và trì trệ của Microsoft trong thời đại này chính là Internet Explorer. Đây là trình duyệt phổ biến nhất trong suốt một thập kỷ, là cánh cổng dẫn phần đông người dùng đến với Internet. Và đây cũng là sản phẩm không hề tuân theo bất cứ tiêu chuẩn nào của W3C, tổ chức chịu trách nhiệm định hướng cho World Wide Web. Đây là phần mềm có thời điểm không được cập nhật trong vòng... hơn một năm trời, phơi bày người dùng ra đủ thứ rủi ro của Internet đang bùng nổ.
Ít ai biết rằng Internet Explorer lại đã có lúc là biểu trưng cho tính sáng tạo của Microsoft. Một thị trường trình duyệt nằm trong tay Netscape đã được Microsoft giải phóng, mở ra một cuộc đua công nghệ khốc liệt để tạo ra những tiêu chuẩn quan trọng của web ngày nay. Thế rồi, đến khi chiến thắng – không phải bằng công nghệ siêu việt mà nhờ vào tình trạng độc quyền của Windows, Microsoft lại quay ngoắt 180 độ, biến Internet Explorer trở thành thế lực kìm hãm lớn nhất đối với sự phát triển của trải nghiệm web.
3 năm sau ngày Satya Nadella lên nắm quyền, gã khổng lồ phần mềm lại một lần nữa quay 180 độ. Microsoft ngày hôm nay là một trong những thế lực lớn nhất thúc đẩy sự phát triển của web. Đám mây và các dịch vụ API của Microsoft chính là những thành phần tuyệt vời để các nhà phát triển có thể tạo ra trải nghiệm web hấp dẫn nhất có thể. Các công nghệ tiêu chuẩn như HTML5 và Javascript ngày càng chứng kiến nhiều đóng góp từ công ty của Satya Nadella. Tất cả các phần mềm cốt lõi của Microsoft như OneDrive, Skype, Office, đều đã đặt chân lên web. Thậm chí, Office Online còn miễn phí hoàn toàn!
Và Microsoft đã trở lại đầu tư vào trình duyệt. Thị phần của Edge ngày hôm nay vẫn còn rất nhỏ bé so với Chrome, song bạn cũng không thể phủ nhận được rằng sự xuất hiện đình đám của trình duyệt này đã mang đến nhiều lợi thế mà Google cần phải học hỏi: hỗ trợ ghi chú và stylus tốt hơn, ít ngốn pin hơn, tích hợp AI sớm hơn... Trong bối cảnh Firefox đã không còn thu hút nhiều sự chú ý, sự kiện Microsoft ra mắt Edge đã góp phần tích cực hơn vào công cuộc thúc đẩy nền web đến tương lai.
Như thế là mối lương duyên kì lạ của Microsoft với nền web đang tạm thời có một cái kết đẹp. Nhưng, đã bao giờ bạn đặt câu hỏi, nếu Microsoft không trì trệ đến vậy, liệu web của ngày nay có thuộc về Google? Dù tương lai có như thế nào đi chăng nữa, câu chuyện của gã khổng lồ xứ Redmond và nền tảng phần mềm phổ biến nhất hành tinh vẫn là một bài học cho tất cả mọi người: Đừng bao giờ dừng chân và tự phụ với những gì mình có.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"