Microsoft mua lại Nokia, Blackberry sẽ bám vào đâu?

    PV,  

    Sau khi Microsoft thâu tóm Nokia, cựu vương một thời Blackberry cũng lại càng khó khăn hơn


     Còn ai chú ý tới Blackberry?

    Còn ai chú ý tới Blackberry?

    Khá giống với Nokia, khi cũng từng là một gã khổng lồ trong lĩnh vực sản xuất điện thoại. Nay thì hãng sản xuất smartphone tới từ Canada đang nỗ lực bán mình nhưng dường như không ai muốn mua lại.

    Đứng đầu trong danh sách có khả năng mua lại Blackberry nhất chính là Microsoft và Nokia. Nhưng nay 2 gã khổng lồ trên đã “chung chăn”, thì liệu còn ai có thể để ý tới Blackberry.

    Blackberry đang chìm dần trong khó khăn

    Hoàn cảnh của Blackberry hiện tại là đang cực kỳ khó khăn, khi mà điện thoại thì bán không chạy, hệ điều hành mới không nhận được sự chào đón, mảng dịch vụ cũng lâm nguy khi các doanh nghiệp nghiêng về Android và iOS.

    Tưởng như khi các thiết bị chạy Blackberry 10 như Blackberry Z10, Q10 ra mắt, Blackberry sẽ có thể được tiếp thêm chút sinh lực để gắng gượng chống chọi lại làn sóng tấn công từ Google và Apple. Thế nhưng mức bán không được như kỳ vọng của Z10 đã khiến Blackberry cảm nhận được sự mệt mỏi. Mặt khác, các thiết bị chạy Blackberry 7, cả với bàn phím vật lý hay cảm ứng đều đang dần quên lãng với người dùng. Nhiều tín đồ của Blackberry sau khi sử dụng thiết bị Android hay iOS cũng bộc bạch không muốn quay lại Balckberry nữa.

    Trong khi đó, hệ điều hành mới Blackberry 10 không đón nhận mấy sự chào đón cuả lập trình viên. Các lập trỉnh viên có lẽ chẳng muốn tốn hơi sức cho nền tảng chỉ có hơn một vài triệu thiết bị (doanh số của Blackberry Z10 tới quý 2 năm nay là 1 triệu thiết bị). Khi mà nền tảng iOS thì hấp dẫn lập trình viên vì có doanh thu cao, Android lại có trên nhiều dòng máy, dễ bán quảng cáo. Mà nếu như họ đã phát triển phần mềm của mình trên iOS và Android và cảm thấy muốn tiến thêm một chút, họ sẽ lựa chọn Windows Phone với sự nổi danh của những Lumia 920, 820 và một lượng fan lớn tới từ Samsung và HTC.

    Mảng dịch vụ từng một thời là niềm tự hào của các fan Blackberry đang ngày càng mờ nhạt. Trước đây, Blackberry từng tự hào rằng điện thoại của họ là tiêu chuẩn bảo mật khi mà chỉ có thiết bị Blackberry mới được Bộ Quốc phòng Mỹ tin tưởng sử dụng. Nhưng niềm tin ấy đang dần nhạt phai, bởi cơ quan này đang đầu tư một lượng lớn thiết bị Android và iOS cho nhân viên của mình. Chuyện càng tệ hơn khi Blackberry đang tính tới chuyện tách mảng dịch vụ của hãng ra để bán hoặc trao bản quyền cho các hãng khác, nhất là mảng Blackberry Messange (BBM).

    Những khó khăn chồng chất khiến cho Blackberry phải đánh tiếng sẽ bán mình nhưng không công bố người mua là ai. Điều này khiến cho dư luận đánh giá rằng Blackberry quả thực thiếu sức hút tới mức phải lên tiếng “bán thân” để hấp dẫn người mua. Còn nhớ, trước khi Nokia hay Motorola bán lại, họ cũng không cần phải khua chiêng gióng trống gì mà vẫn “đắt khách”.

    Những vật cản khiến Blackberry không thể bán mình

    Microsoft và Nokia được đánh giá ở top đầu những công ty có khả năng mua lại Blackberry bởi thế và lực của họ.

    Microsoft thì có rất nhiều tiền và cần một mảng sản xuất smartphone lớn để có thể cạnh tranh với Apple, Google. Apple có sự đồng nhất phần mềm và phần cứng, còn Google có một “đội quân cảm tử” sẵn sàng chiều ý hãng để có thể xuất xưởng những Samsung Galaxy S4 hay HTC One chạy phiên bản Android gốc. Microsoft sẽ sẵn sàng mua lại mảng sản xuất smartphone của Blackberry để tăng lực cho mình.

    Còn Nokia, hãng đang khó khăn, nhưng với một phương pháp mua lại đỡ “nhà giàu” hơn Microsoft như trao đổi cổ phiếu với cổ đông của Blackberry, Nokia vẫn có thể hợp nhất với Blackberry. Lý do ở đây là Nokia sẽ có được mảng dịch vụ đáng giá của Blackberry cho thiết bị của mình. Hiện nay, khi cuộc chiến về phần cứng smartphone đã bão hòa, khi các thiết bị đều đã có năng lực phần cứng vượt xa yêu cầu của hệ điều hành, thì những khác biệt về dịch vụ chính là điều có thể lôi kéo khách hàng. Chẳng thế mà Samsung phải nhồi nhét rất nhiều dịch vụ riêng vào như S Health, S Translator,… vào Galaxy S4 để hấp dẫn người mua. 

    Nhưng giờ Microsoft đã mua Nokia, và Microsoft cũng không cần thêm một nhà sản xuất phần cứng như Blackberry.

    Một “cái cọc” khác mà Blackberry có thể bám vào chính là các hãng smartphone Trung Quốc, mà lớn nhất là Lenovo. Lenovo từng bộc lộ rõ ý định muốn thâu tóm một nhà sản xuất smartphone nào đó để giúp hãng bước vào thời kỳ PC Plus của mình một cách dễ dàng hơn. Thậm chí một sếp lớn của Lenovo đã nói hớ việc hãng muốn mua lại Blackberry. Thế nhưng, Lenovo và các hãng Trung Quốc sẽ rất khó mua lại Blackberry. Bởi chính phủ Canada từng từ chối không ít yêu cầu mua lại các doanh nghiệp nước mình từ các công ty Trung Quốc, bởi lo ngại vấn đề an ninh quốc gia.

    Ngoài ra, còn một số đại gia khác có thể mua lại Blackberry như Samsung, HTC hay LG… thì lại rất xa vời. Samsung đang rất phát triển và không cần thiết phải “ôm rơm rặm bụng” khi năng lực sản xuất của hãng rất lớn, mảng dịch vụ cũng rất phát triển. Ngoài những phần dựa vào Google, Samsung thậm chí còn đưa ra các dịch vụ cạnh tranh ngược với gã khổng lồ tìm kiếm. LG thì sau một thời gian khá im ắng cũng đang dần trở lại khi doanh thu bán điện thoại của hãng đã khá hơn rất nhiều so với trước kia. Còn HTC thì đang lâm vào khó khăn và rất khó để huy động tiềm lực thâu tóm Blackberry.

    Vậy Blackberry sẽ bám vào ai, hay phải chờ những hãng sản xuất smartphone “vô danh trên thế giới” như FPT, Viettel?

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ