Sau cuộc cải tổ mang tên Alphabet, tương lai Android sẽ đi về đâu?

    Yến Thanh,  

    Đây được xem là thắc mắc lớn nhất của giới công nghệ về hệ điều hành Android, sau khi Google được tách ra từ Alphabet.

    Sau khi nhà sáng lập Larry Page của Google tuyên bố sẽ tái cấu trúc lại công ty này, đồng thời thành lập công ty mẹ Alphabet, cả giới công nghệ đều hiểu rằng, tham vọng của Larry Page và Sergey Brin là thống trị thế giới này, thay vì chỉ quẩn quanh những sản phẩm cũ đình đám trước đây.

    Lần lượt các dự án như xe điện tự lái, máy bay không người lái, dự án cáp quang xuyên lục địa hay thuốc trường sinh được Larry Page tuyên bố như thể tương lai của loài người.

    Trong khi đó, với Google, tân CEO Sundar Pichai vẫn sở hữu trong tay những sản phẩm hái ra tiền như công cụ tìm kiếm Google Search, hệ thống quảng cáo Google Ads, dịch vụ bản đồ Google Maps, mạng xã hội video hàng đầu là Youtube và nền tảng di động Android, bao gồm chợ ứng dụng di động Google Play Store.

    Tuy nhiên, vấn đề khiến các chuyên gia thắc mắc lớn nhất hiện nay, chính là "sau cuộc cải tổ mang tên Alphabet, tương lai Android sẽ đi về đâu"?

    Android và nhiệm vụ cốt lõi

    Rò ràng, dù có biến hình thành Alphabet hay Google, cả Larry Page và Sundar Pichai đều biết rằng, họ vẫn phải tập trung vào những giá trị cốt lõi của công ty, đặc biệt là với hệ điều hành Android. Dù muốn hay không, chúng ta phải khẳng định, đây là một trong những sản phẩm thành công nhất của Google, bên cạnh công cụ tìm kiếm lừng danh.

    Android

    Tuy nhiên, Android sẽ còn thành công hơn nữa, nếu Google biết tận dụng thành công việc liên kết nền tảng này với những dự án tiềm năng như Fiber, Nest và Wing. Vậy điều gì lại khiến một hệ điều hành trên di động như Android lại liên quan tới những máy bay không người lái, cáp quang hay nhà thông minh?

    Hãy lấy một ví dụ đơn giản, khi Google mua lại Nest, đã có rất nhiều suy đoán rằng, có lẽ một ngày nào đó, chúng ta sẽ được thấy quảng cáo của Google hiển thị trên máy điều hòa hoặc các thiết bị gia dụng. Điều này sẽ giúp công ty tăng doanh thu quảng cáo, thu thập được nhiều dữ liệu hơn, trở nên gần gũi hơn với người dùng yêu công nghệ.

    Thế nhưng, ngay lập tức, CEO của Nest là Tony Fadell đã nhanh chóng dập tắt những ý tưởng hoang đường này, bởi đây chẳng khác nào Google đang tự thắt dây buộc bụng. Trong khi các nhà lập pháp tại châu Âu đang liên tục soạn thảo các quy định, chính sách nhằm đảm bảo quyền riêng tư cho người dân của mình, việc quảng cáo trên các thiết bị gia dụng là hoàn toàn không khả thi.

    Trên thực tế, khi nhắc tới Android, người ta sẽ nhận ngay ra từ khóa "A", đứng đầu trong bảng chữ cái Alphabet. Do đó, chắc chắn Android phải mang trong mình trọng trách rất lớn. Và với Alphabet hiện tại, tầm quan trọng của Android còn lớn hơn: kết nối, điều khiển, quản trị các công nghệ được phát triển bởi các bộ phận của Alphabet.

    Một nền tảng Internet of Things thực sự

    Có thể khẳng định, ở thời điểm hiện tại, chỉ đếm sơ sơ, chúng ta có thể liệt kê ra hàng ngàn chủng loại thiết bị cùng chạy nền tảng Android. Về cơ bản, điều này đem lại sự phong phú cho nền tảng mở của Google, trở thành điểm mạnh nhất của nền tảng này. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian vài năm gần đây, điều này lại trở thành điểm yếu nhất của Android: sự phân mảnh.

    Dù người ta có cố biện minh thế nào cho sự thiếu sót này, thực tế đã cho thấy, việc Android phân mảnh không chỉ khiến Google thất thu trên nền tảng của mình, đồng thời, tự làm suy yếu đi sức lan tỏa của Android. Minh chứng rõ ràng nhất đó là số người dùng Android nâng cấp lên phiên bản hệ điều hành mới nhất chưa bao giờ đạt mức quá bán.

    Vậy nếu không thể khiến khách hàng sử dụng những sản phẩm mới nhất của mình, việc tạo ra xu hướng, dẫn dắt người dùng gần như là điều rất khó khăn. Hãy tưởng tượng, ngày mai Google muốn ra mắt công nghệ bảo mật qua việc chụp ảnh selfie, đòi hỏi người dùng phải sử dụng Android 6.0, nhưng đến 80% người dùng hiện tại còn chưa nâng cấp lên Android 5.0, vậy Sundar Pichai có 3 đầu 6 tay cũng đành thua cuộc.

    Tất nhiên, thiếu sót này không nằm hoàn toàn ở Google. Các nhà mạng, các nhà sản xuất cũng đóng góp một phần không nhỏ trong việc phân mảnh Android. Chỉ riêng một bản cập nhật Android 5.0, các nhà phát triển đã tạo ra tới hàng chục các bản ROM khác nhau như Fire, Cyanogen hay Oxygen, đánh mất đi bản chất thực sự trải nghiệm Android gốc.

    Do đó, nhiệm vụ quan trọng với CEO Sundar Pichai cũng như hệ điều hành Android ở thời điểm hiện tại, chính là liên kết những mảnh ghép hiện có trong hệ sinh thái này. Hoặc ít nhất là tạo ra một mối liên kết nhất định giữa Android trên smartphone, smartwatch, máy tính bảng hoặc các đồ gia dụng thông minh như smarthome...

    Android chính là bệ đỡ của Alphabet

    Để nói về những khó khăn mà hệ điều hành Android đang gặp phải, có thể chúng ta sẽ mất cả tuần, cả tháng. Bởi việc đếm chính xác số lượng các thiết bị chạy Android hiện đang hoạt động thôi cũng không phải điều đơn giản. Nhưng chắc chắn rằng, Android chính là vấn đề được tân CEO Sundar Pichai quan tâm nhất hiện nay.

    Như đã đề cập ở trên, Android không cần tới lượng, vì với con số hàng tỉ thiết bị hiện có, hệ điều hành này thừa sức vượt qua bất kì đối thủ nào trên mặt trận di động. Mà Android trong năm 2015 này thực sự cần tới chất. Một số người sẽ cho rằng, Android đang tốt, tôi không muốn phải thay đổi, nhưng đó là quan điểm khi đứng trên cương vị người dùng.

    Còn với nhà hoạch định chiến lược như Sundar Pichai, ông thừa hiểu rằng Android chính là bệ đỡ cho các dự án của Alphabet. Những gì mà Android hay Google đang sở hữu quá giàu đó, và công việc của CEO này chính là khiến tiền đẻ ra tiền, thay vì tự mãn với tiềm lực hiện nay. Theo các chuyên gia, Google cần nhiều hơn các dự án tương tự Android One, sử dụng những nền tảng chiến lược cho những thị trường nhất định.

    Nói một cách đơn giản, để làm chủ các nền tảng hiện có hoặc sẽ xuất hiện trong tương lai, Google cần tới một hệ sinh thái thực sự, không phải là Android, mà phải lớn hơn thế rất nhiều lần. Một hệ sinh thái Internet of Things có thể làm chủ những chiếc ô tô, những thiết bị đeo hay nhà thông minh... Trong đó, Android chính là cây cầu nối ngắn nhất đưa các dự án của Alphabet tới tay người dùng.

    Ở thời điểm hiện tại, CEO Sundar Pichai vẫn chưa công bố bất kì chiến lược mới nào cho Google kể từ khi cuộc cải tổ diễn ra. Tuy nhiên, theo tiết lộ từ trang Mashable, những gì mà tân CEO Google cần làm chính là: Dọn dẹp mớ hỗn độn sau thời Larry Page, tiếp tục khiến Android trở nên lan tỏa hơn, đồng thời không làm chậm sự tăng trưởng của nền tảng này.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ