Một biên niên sử về dịch hạch tại Việt Nam và "Cái chết đen" từng xóa sổ 50% dân số Châu Âu trong quá khứ
Dù chỉ còn là một bệnh đặc hữu, ám ảnh về “Cái chết đen”, đại dịch hạch từng xóa sổ 50% dân số Châu Âu, vẫn còn đang hiện hữu.
- Dịch bệnh bí ẩn lây lan khắp miền bắc Trung Quốc
- Giải mã được bí ẩn 700 năm về nguồn gốc Cái chết Đen
- Bí ẩn "Cái chết đen": Hai ngôi sao chổi xuất hiện trên bầu trời London mở màn cho thảm kịch của toàn nhân loại
- Em yêu lịch sử: Cái chết Đen và tác động của nó đến thời kỳ đen tối của Châu Âu diễn ra như thế nào?
- Trung Quốc vừa phát hiện một ca dịch hạch dẫn đến cảnh báo cấp độ 3, điều đó nghĩa là gì?
Phạm Trường Thọ, nhân viên Khoa Kiểm dịch Quốc tế thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đồng Nai, đang cố định một chiếc bẫy chuột vào hàng rào thép B40 ở cảng Dò Dầu.
Đó chỉ là một trong số 100 chiếc bẫy mà anh vừa rải khắp khu cảng rộng gần 40 héc ta này. Công việc đòi hỏi phải thực hiện trong 4 ngày 3 đêm liên tục. "Để bẫy được chuột, chúng tôi thường phải đặt chúng rải rác trong các kho, bãi, những nơi khuất và có khả năng động vật gặm nhấm qua lại kiếm ăn", anh Thọ nói.
"Sau khi bẫy được chuột chúng tôi tiến hành thu thập bọ chét trên chuột và bảo quản chúng, sau đó tiến hành mổ chuột để lấy mẫu bệnh phẩm gồm gan, lá lách, máu, rồi đóng gói vận chuyển về Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm tìm tác nhân gây bệnh".
Theo quy định của Bộ Y tế, hơn 300 cảng biển lớn nhỏ ở Việt Nam đều phải thực hiện việc bẫy chuột định kỳ. Công việc nhằm thu thập mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm và tìm ra tác nhân gây bệnh tiềm tàng trên chuột.
Xuyên suốt lịch sử, chuột có khả năng mang vô số mầm bệnh ngoại lai xâm nhập thông qua các con tàu vận tải xuyên biển. Việc làm tưởng chừng đơn giản của những nhân viên CDC như anh Thọ đang thiết lập một hàng rào phòng thủ sớm nhất cho Việt Nam, trước một trong những căn bệnh từng đây ra nỗi kinh hoàng đối với toàn thế giới:
Có một sự thật là cứ sau vài thế kỷ, con người lại phải chứng kiến một đại dịch bệnh xuất hiện, trên quy mô lớn và gây ra tỷ lệ tử vong đến ngưỡng khó có thể chấp nhận.
Danh hiệu "căn bệnh nguy hiểm nhất" vì vậy cứ lần lượt được trao cho hết đại dịch này đến đại dịch khác. Chỉ trong vòng 50 năm qua, chúng ta đã lần lượt đối mặt với HIV/AIDS, H1N1, Ebola, Zika và gần nhất là COVID-19.
Một số bệnh dịch chỉ bùng lên nhất thời rồi tự nhiên biến mất, chẳng hạn như đại dịch SARS. Nhưng có những căn bệnh lại kéo dài hàng thế kỷ và vẫn còn đang tồn tại cho đến tận ngày nay, một ví dụ là bệnh lao.
Con người, bằng các nỗ lực khoa học và y tế của mình đã từng xóa sổ được một số căn bệnh từng gây ra nỗi ám ảnh trong quá khứ, một trong số đó là bệnh đậu mùa.
Thế nhưng, nằm trong nhóm còn lại là những căn bệnh rất nguy hiểm, chưa hề bị xóa sổ nhưng ít khi còn được nhắc đến. Chúng vẫn đang âm thầm tồn tại, đâu đó bên ngoài tự nhiên hoặc bên trong các ổ dịch lây nhiễm lẻ tẻ.
Những căn bệnh này ngày nay khó có thể bùng phát trở lại thành đại dịch, nhưng lúc nào cũng lẩn khuất như một bóng ma, vì đã từng gieo giắc một nỗi kinh hoàng cho toàn thế giới, điển hình trong số đó chính là dịch hạch.
Dịch hạch là căn bệnh gây chết người nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Chỉ tính riêng giai đoạn bùng nổ ở Châu Âu trong thế kỷ 14, dịch hạch đã giết chết từ 75-200 triệu người, tương đương từ 30-60% dân số toàn lục địa tại thời điểm đó.
Thông qua Con đường Tơ lụa, làn sóng dịch bệnh tiếp tục lan ra các nước Trung Đông, Châu Á và Châu Phi, giết chết thêm hàng chục triệu người. Trong đó, Trung Quốc có thể đã mất đi một nửa dân số. Tại các nước Châu Phi, nơi có mật độ dân số thấp hơn, dịch hạch cũng lây nhiễm và giết chết 10 triệu trong số 80 triệu người.
Nhưng "Cái chết đen" ở Châu Âu thế kỷ 14 không phải là trận đại dịch hạch duy nhất. Trước đó, ngay từ thế kỷ thứ 6, nhân loại cũng từng phải đối mặt với một đợt dịch hạch nghiêm trọng. Tâm dịch lúc đó là Constantinople, thủ đô đế chế Byzantine cổ đại.
Chỉ trong mùa xuân năm 542, thành phố này đã phải chứng kiến 5.000-10.000 ca tử vong mỗi ngày. Dịch hạch cuối cùng đã giết chết hơn một nửa dân số của Constantinople. Nó lan ra các thành phố lân cận, giết chết 15 triệu người và làm suy yếu cả đế chế.
Mầm bệnh dịch hạch vẫn tồn tại kể từ đó tới giờ. Trận đại dịch hạch gần nhất mà loài người phải đối mặt xảy ra giữa thế kỷ 19 và 20.
Được gọi là làn sóng dịch hạch thứ ba, căn bệnh lần này bùng phát ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào năm 1855. Sau đó, nó bắt đầu lan ra các nước và vùng lãnh thổ ở Châu Á, bao gồm Nga, Ấn Độ và Hồng Kông (Trung Quốc). Tổng cộng hơn 30 triệu người trên thế giới đã chết trong trận đại dịch hạch này.
Các ca nhiễm và tử vong do dịch hạch đầu tiên ở Việt Nam cũng được báo cáo trong làn sóng thư ba. Mầm bệnh đã theo các tàu viễn dương chạy bằng hơi nước lây từ Hồng Kông (Trung Quốc) vào Nha Trang năm 1898, sau đó lan tràn khắp miền Nam trước khi lây ngược trở lại theo đường vận tải từ nam ra bắc sau ngày thống nhất đất nước.
Có những giai đoạn, Việt Nam báo cáo tới gần 14.000 ca mắc và 450 ca tử vong vì dịch hạch mỗi năm. Trung bình, mỗi ngày đều có người tử vong vì dịch hạch.
Thời kỳ thực dân Pháp cai trị miền Bắc, nỗi ám ảnh về "Cái chết đen" từng xóa sổ một nửa dân số Châu Âu đã khiến giới cầm quyền hoảng loạn, khi những cái chết đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội, ngay trong khu phố của người Pháp.
Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer khi đó đã gấp rút triệu tập bác sĩ Alexandre Yersin, chuyên gia hàng đầu thế giới về dịch hạch tại thời điểm đó, về Hà Nội. Tại đây, Yersin đã giúp Doumer xây dựng một trường y, lấy tên là Cao đẳng Y Đông Dương, tiền thân của Đại học Y Hà Nội sau này.
Với kinh nghiệm nghiên cứu dịch hạch ở Hồng Kông (Trung Quốc), Yersin nhận thấy quần thể chuột khổng lồ đang hoành bên dưới mạng lưới cống ngầm mà người Pháp xây dựng ở Hà Nội đang gây ra mối đe dọa lớn.
Những con chuột nâu không có nguồn gốc bản địa, được cho là một loài xâm hại đến từ Vân Nam, Trung Quốc, thủ phủ của đợt bùng phát thứ ba của dịch hạch. Chúng có lẽ đã đi nhờ tuyến đường sắt Côn Minh-Hải Phòng mà người Pháp đã xây dựng, sau đó tới Hà Nội và có thể mang theo dịch bệnh.
Doumer ngay sau đó đã ra lệnh thanh trừng chuột, gây ra một cuộc đại thảm sát chuột lớn nhất thể giới ở Hà Nội. Ông ta quyết định treo thưởng từ 1-4 xu cho mỗi con chuột mà người dân bắt được. Kết quả chỉ trong vòng 3 tháng, đã có hơn 640.000 con chuột bị tiêu diệt.
Trong khoảng thời gian đỉnh điểm, hơn 20.000 con chuột đã bị bắt giết chỉ trong một ngày. Có tài liệu cho thấy tổng số chuột bị giết trong "Cuộc đại thảm sát chuột ở Hà Nội" lên tới 55 triệu con.
Nhưng tại sao lại là chuột?
Những người bị ám ảnh bởi bệnh dịch hạch cũng thường bị ám ảnh bởi chuột và ngược lại. Đã một thời người ta cứ nhìn thấy chuột là sợ dịch hạch. Đó là bởi Yersinia pestis, chủng vi khuẩn gây ra bệnh dịch hạch thường sống trên vật chủ là chuột. Vết chuột cào hoặc chuột cắn có thể khiến bạn mắc dịch hạch nếu chuột mang khuẩn Y. pestis.
Thế nhưng, đa số các ca nhiễm Y. pestis không xuất phát từ chuột sống, mà là từ những con chuột chết.
Khi chuột chết, những con bọ chét sống trên da của chúng đột nhiên trở thành vô chủ. Chúng buộc phải đi tìm vật chủ mới để hút máu thì mới có thể tồn tại. Trong nỗ lực tuyệt vọng nhảy loạn xạ khắp nơi, những con bọ chét có thể tìm thấy chó, mèo, vật nuôi của con người, giường chiếu và đôi khi là quần áo của họ.
Đánh hơi được máu người thông qua những vùng da mềm nhất như cổ tay, mắt cá chân hoặc vùng thắt lưng, những con bọ chét sẽ bò đến đó để thực hiện một vết cắn. Nếu vật chủ cũ của những con bọ chét này từng nhiễm Y. pestis, vi khuẩn sẽ truyền sang cho con người thông qua máu trào ngược.
Cái chết của bệnh nhân hạch bắt đầu kể từ đó.
Vốn là một chủng cầu khuẩn gram âm có rất nhiều cơ chế trốn tránh hệ miễn dịch người, Y. pestis có thể đi theo dòng máu và tấn công vào ngay đại bản doanh của tế bào miễn dịch, chính là các hạch bạch huyết ở cổ, bẹn, đùi và nách.
Tại đây, Y. pestis sinh sản và gây viêm, tạo ra các vết sưng hạch điển hình của căn bệnh, thứ khiến nó được gọi là dịch hạch. Ngoài ra, khi vi khuẩn ăn hạch của người bệnh, nó sẽ tạo ra các vết hoại tử xung quanh hạch bạch huyết, biến vùng da xung quanh trở nên tím đen, đôi khi hạch sưng sẽ vỡ ra và chảy mủ.
Trong quá trình này, người bệnh sẽ trải qua một loạt các triệu chứng bao gồm sốt cao, đau đầu và nôn mửa. Khi lượng Y. pestis trong hạch bạch huyết đã quá tải, vi khuẩn bắt đầu xâm nhập máu để đi tới các cơ quan khác.
Y. pestis nhiễm vào phổi có thể gây ra thể dịch hạch phổi, khiến bệnh nhân suy hô hấp, khó thở và đau tức ngực. Nếu vi khuẩn tồn tại với tải lượng cao trong máu, nó sẽ gây ra dịch hạch thể nhiễm trùng huyết.
Các triệu chứng tiếp theo bao gồm xuất huyết dưới da, chảy máu từ miệng, mắt, hoặc trực tràng. Cuối cùng, bệnh nhân sẽ chết vì sốc nhiễm trùng và suy đa tạng.
Đối với dịch hạch thể phổi và thể nhiễm trùng máu, bệnh nhân có diễn tiến rất nhanh và có tỷ lệ tử vong 100% chỉ sau 2-3 ngày kể từ khi triệu chứng đầu tiên khởi phát.
Đối với dịch hạch thể hạch, khi vi khuẩn chỉ khu trú ở hạch bạch huyết của bệnh nhân, bệnh thường tiến triển chậm hơn. Nhưng tỷ lệ tử vong cũng lên tới 30-60% sau khoảng 1-2 tuần. Những con số biến dịch hạch trở thành căn bệnh có độc tính mạnh nhất mà loài người từng phải đối mặt.
Quay trở lại khoảng thời gian trước thế kỷ 20, dịch hạch từng là một nỗi ám ảnh đối với bất kỳ quốc gia nào ở Châu Âu. Ba đợt bùng phát lớn của căn bệnh này đã xảy ra trong vòng 1.500 năm tại lục địa già.
Đợt thứ nhất từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 7, giết chết khoảng 15 triệu người ở lưu vực Địa Trung Hải, ảnh hưởng nặng nề đến cả ba đế chế Byzantine, Sasanid và La Mã.
Trong khoảng thời gian này, người ta để ý cứ khu vực nào có loài chuột đen thì dịch bệnh sẽ hoành hành. Thế nhưng, nỗ lực diệt chuột gần như không có hiệu quả. Người dân Châu Âu thời điểm đó không biết rằng, họ càng diệt thì bọ chét càng nhảy sang người.
Ngoài ra, dịch hạch còn có thể lây từ người sang người thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể, giọt bắn và máu của người bệnh. Căn bệnh do đó như một cơn cháy rừng lan khắp các thành phố ở Châu Âu cổ đại.
Trọng tâm của đại dịch này là Constantinople, thủ đô của Byzantine. Chỉ trong mùa xuân năm 542 đã có 5.000-10.000 ca tử vong mỗi ngày trong thành phố. Dịch hạch cuối cùng đã giết chết hơn một nửa dân số của Constantinople.
Trong ba năm tiếp theo, bệnh dịch hạch hoành hành khắp Ý, miền nam nước Pháp, thung lũng sông Rhine và Iberia. Căn bệnh này lan xa về phía bắc tới Đan Mạch và về phía tây tới Ireland, sau đó xa hơn nữa đến tận Châu Phi, Trung Đông và Tiểu Á.
Trong khoảng thời gian từ năm 542 đến năm 546, các trận dịch hạch ở Châu Á, Châu Phi và Châu Âu đã giết chết gần 100 triệu người. Số lượng nạn nhân quá nhiều để có thể chôn cất, xác của họ bị chất cao trong các nhà thờ và tháp tường thành.
Căn bệnh chỉ lắng xuống sau khi nó đã lây nhiễm đến nỗi "không còn ai để chết". Một số ít người may mắn sống sót khi có hệ miễn dịch khỏe để chống chọi căn bệnh, hoặc mắc phải thể dịch hạch nhẹ hơn.
Hơn 800 năm sau, đợt dịch hạch thứ hai quay trở lại Châu Âu và tàn phá lục địa này, thậm chí, còn khủng khiếp hơn đợt dịch thứ nhất.
Một số giả thuyết cho rằng đợt dịch này có nguồn gốc từ Đông Á, khi quân Mông Cổ vây hãm thành phố Caffa ở phía bắc Biển Đen, họ đã mang theo vi khuẩn gây bệnh. Những binh lính Mông Cổ chết vì dịch hạch không được an táng. Thay vào đó, xác chết của họ được nhồi lên máy bắn đá và bắn vào bên trong thành Caffa nhằm lây lan dịch bệnh.
Khi người dân trong thành chạy loạn, họ đã mang vi khuẩn đi khắp Châu Âu và bắt đầu đại dịch hạch được gọi là "Cái chết đen" trong thế kỷ 14. Hơn 50 triệu người dân Châu Âu đã tử vong sau đó, tương ứng với khoảng 50% dân số. Tại một số nước như Pháp, Tây Ban Nha, dịch bệnh gây ra tỷ lệ tử vong tới 75-80%.
Khoảng một nửa dân số Paris, tức 100.000 người, đã thiệt mạng vì "Cái chết đen", đại dịch cũng khiến dân số thành phố Firenze ở Ý giảm từ chừng 120.000 người xuống còn 50.000 người vào năm 1338, ít nhất 60% dân số các thành phố Hamburg và Bremen đã thiệt mạng.
Năm 1348, Cái chết đen lây lan nhanh tới mức giới cầm quyền và các bác sĩ không còn đủ thời gian để tìm hiểu bản chất của đại dịch. Họ thậm chí đã quay sang giả thiết rằng đại dịch này do các thế lực siêu nhiên, động đất hoặc việc người Do Thái đầu độc nguồn nước.
Kết quả là cộng đồng người Do Thái ở châu Âu đã phải hứng chịu nhiều cuộc tấn công tàn sát. Tháng 8/1349, toàn bộ người Do Thái ở Mainz và Köln đã bị xử tử. Cùng năm đó, hơn 2.000 người Do Thái ở Strasbourg đã bị sát hại. Tổng cộng cho tới năm 1351 đã có 60 cộng đồng lớn và 150 cộng đồng nhỏ của người Do Thái bị phá hủy.
Dịch hạch, một lần nữa, chỉ lắng xuống sau khi vi khuẩn không còn vật chủ để lây lan, bởi phần lớn những người nhiễm bệnh đều đã chết.
Trong khi khoảng thời gian từ làn sóng dịch hạch thứ nhất tới thứ hai là 800 năm, khoảng cách từ làn sóng dịch hạch thứ hai tới thứ ba rút ngắn xuống còn chưa đầy 6 thế kỷ.
Điều đáng nói là đợt dịch hạch thứ ba xảy ra trên phạm vi toàn cầu chứ không còn giới hạn ảnh hưởng tại Châu Âu nữa. Vào khoảng giữa thế kỷ 19 cho tới thế kỷ 20, căn bệnh tiếp tục giết chết thêm 30 triệu người.
Trong đó, một phần lớn số ca tử vong đã xuất hiện ở Châu Á bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ. Dịch hạch đã giết chết hàng triệu người ở Quảng Châu và Hồng Kông (Trung Quốc). Nhưng cũng chính tại đây, lần đầu tiên con người đã phân lập được vi khuẩn Y. pestis để tìm ra nguồn gốc chính xác của căn bệnh.
Khám phá được thực hiện bởi chính Alexandre Yersin vào năm 1894, khi đó đang làm việc tại Việt Nam. Ngay sau khi Viện Pasture nhận được thông tin về đợt bùng phát dịch hạch đang tàn phá Hồng Kông (Trung Quốc), họ đã cử Yersin từ Sài Gòn sang để tìm hiểu về căn bệnh.
Yersin sau đó đã lấy mẫu bệnh phẩm từ hạch của bệnh nhân và chuột chết, sử dụng phương pháp nuôi cấy để tìm ra mầm bệnh. Vi khuẩn sau đó được đặt theo tên ông Yersinia pestis.
Nhờ có phát hiện của Yersin, loài người bắt đầu thực hành nhiều biện pháp vệ sinh dịch tễ như tiêu trừ chuột, bọ chét, xử lý xác động vật chết và tử thi đúng cách, từ đó mới phá vỡ được chu kỳ lây truyền bệnh dịch hạch.
Sau đó 3 năm, Waldemar Haffkine, một nhà vi khuẩn học người Pháp khác đã dựa trên phát hiện của Yersin để tạo ra một vắc-xin phòng bệnh dịch hạch đầu tiên sử dụng vi khuẩn Y. pestis giảm độc lực.
Những liều vắc-xin của Haffkine sau đó đã giúp giảm từ 50-85% tỷ lệ tử vong do dịch hạch, cứu sống hàng triệu người, đặc biệt trong đợt bùng phát dịch hạch ở Ấn Độ từ năm 1897 đến năm 1925.
Hiểu biết khoa học đã giúp giảm đáng kể số ca nhiễm và tử vong từ dịch hạch trong đợt dịch thứ ba, mặc dù căn bệnh lần này đã lây nhiễm trên quy mô toàn cầu.
Nhưng không chỉ có vậy, đến giữa thế kỷ 20, loài người tiếp tục có thêm một khám phá quan trọng mới, góp phần vào việc chấm dứt sự chết chóc của dịch hạch, đó là thuốc kháng sinh.
Penicillin được nhà sinh học người Scotland Alexander Fleming tìm ra năm 1928 và sản xuất hàng loạt vào năm 1943 đã cho phép loài người có một vũ khí chống lại vi khuẩn gây bệnh.
Lần lượt hàng chục loại kháng sinh sau đó đã ra đời, đặc biệt là fluoroquinolone, được tìm ra vào thập niên 1960 đã có hiệu quả điều trị cho mọi thể dịch hạch, biến căn bệnh không còn là án tử.
Kết hợp các biện pháp điều trị và phòng ngừa, từ một đại dịch chết người trên phạm vi toàn cầu, dịch hạch đã được khống chế và chỉ còn là những đốm bệnh cục bộ bùng phát ở một số khu vực có điều kiện vệ sinh và dịch tễ kém.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết mỗi năm cả thế giới hiện chỉ có khoảng 1-2.000 ca nhiễm dịch hạch, rải rác ở một số nước Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ.
Đây thường là những khu vực có rừng rậm, nơi sinh sống của nhiều loài gặm nhấm hoang dã không phải chuột. Con người khi có tiếp xúc thường xuyên với các loài động vật này có thể bị lây nhiễm vi khuẩn Y. pestis vẫn còn đang lưu hành.
Cộng hòa Dân chủ Congo, Peru và Madagascar là những quốc gia báo cáo nhiều trường hợp nhiễm dịch hạch hàng năm nhất. Nhưng bệnh cũng đôi khi xuất hiện ở các quốc gia phát triển như Trung Quốc báo cáo 2 ca bệnh vào năm 2020, và Mỹ báo cáo ca bệnh gần nhất vào tháng 7 vừa rồi.
Tại Việt Nam, dịch hạch cũng từng là một nỗi ám ảnh lớn trong thế kỷ 19. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, dịch hạch xâm nhập vào Việt Nam chủ yếu qua các tuyến đường vận chuyển hàng hóa của người Trung Hoa.
Đây vốn không phải một căn bệnh bản địa vốn tồn tại ở Việt Nam, bởi mầm bệnh Y. pestis không tồn tại trên các loài động vật gặm nhấm hoang dã. Trong thời kỳ chiến tranh từ năm 1945-1975, không ghi nhận bất kỳ ca nhiễm dịch hạch nào trong số hàng triệu lượt bộ đội và dân quân từng sống giữa rừng núi.
Ngược lại, càng gần các khu dân cư đông đúc thì mật độ chuột và chuột mang bọ chét càng tăng.
Một hồi cứu trên tạp chí Y học Dự phòng cho biết ca nhiễm dịch hạch đầu tiên ở Việt Nam được ghi nhận vào năm 1898, tại Nha Trang, trùng với làn sóng thứ ba của đại dịch trên thế giới.
Đây là một ca nhiễm mầm bệnh nhập cảnh, có nguồn gốc từ Hồng Kông (Trung Quốc), do tàu thuyền mang chuột nhiễm bệnh tới. Sau khi vi khuẩn Y. pestis lưu hành tại Việt Nam, nó lần lượt gây ra các điểm dịch ở nhiều thành phố bao gồm Nha Trang (năm 1898), Sài Gòn (năm 1906), Hà Nội (1908), Lạng Sơn (năm 1909) và Hải Phòng (năm 1917).
Báo cáo của thực dân Pháp, chính quyền đô hộ Việt Nam trong giai đoạn này, cho thấy mỗi năm họ phải đối mặt với hơn 100 ca nhiễm dịch hạch. Rất may là chính quyền thực dân khi đó đang có sự giúp đỡ của bác sĩ Alexandre Yersin, chuyên gia dịch hạch hàng đầu thế giới tại thời điểm đó, ở Việt Nam.
Với hiểu biết của mình về dịch hạch, Yersin đã tư vấn cho Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thực hiện một loạt các giải pháp như tiêu trừ chuột, kiểm soát tàu, thuyền, đưa người nhiễm bệnh đi cách ly... Một số biện pháp khác của chính quyền thực dân được đánh giá là mạnh tay, nhưng cũng góp phần khống chế dịch bệnh, bao gồm tiêu hủy quần áo của người bệnh và đốt nhà họ.
Kết quả là từ năm 1923-1960, dịch hạch đã lắng lắng dịu và chỉ còn là một dịch bệnh lưu hành địa phương.
Thế nhưng, sau giai đoạn đô hộ của thực dân Pháp, Việt Nam tiếp tục bị đế quốc Mỹ xâm lược. Chiến tranh đã tạo ra những điều kiện hoàn hảo cho dịch hạch quay trở lại, bao gồm sự trỗi dậy của chuột, điều kiện vệ sinh kém và khả năng tiếp cận y tế thấp.
Hậu quả là Việt Nam đã phải đối mặt với một thời kỳ dịch hạch bùng phát, lan tràn và lưu hành trên diện rộng. Từ năm 1960-1975, dịch hạch chủ yếu lưu hành ở miền Nam Việt Nam, bao gồm các tỉnh ven biển miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
Trong giai đoạn từ năm 1966-1974, số ca nhiễm dịch hạch ở Nam Việt Nam luôn tiệm cận với số ca nhiễm trên toàn thế giới, nghĩa là dịch hạch gần như chỉ tồn tại ở một mình Nam Việt Nam.
Frederick M. Burkle Jr, một bác sĩ quân y người Mỹ từng trực tiếp tham gia chữa trị và chống dịch ở miền Nam Việt Nam, nay là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Y tế Công cộng T. H. Chan, Đại học Harvard, từng nhận định đây chính là "trận dịch hạch tồi tệ nhất trong thế kỷ 20" mà loài người phải đối mặt.
Để đối phó với dịch bệnh, chính quyền ngụy tại Sài Gòn đã phải nhờ tới sự giúp đỡ của các chuyên gia Mỹ. Nhưng các biện pháp đưa ra được đánh giá là không hiệu quả, thậm chí khiến dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Chẳng hạn, việc người Mỹ rải hóa chất diệt cỏ hoặc dùng bom napalm để đốt rừng đã khiến chuột chạy trở về sinh sống ở các khu vực dân cư có nhiều lá rụng hoặc rác thải, khiến dịch hạch trở nên trầm trọng hơn.
Một nghiên cứu trên tạp chí Environmental History ước tính đã có từ 100.000-250.000 ca nhiễm dịch hạch ở Việt Nam trong thập niên 1960, nhưng dịch bệnh đã bị cả chính quyền ngụy quân Sài Gòn và người Mỹ giấu diếm vì lý do chính trị.
Sau ngày 30/4/1975, khi miền Nam Việt Nam được giải phóng, việc đất nước thống nhất vô hình trung đã tạo điều kiện cho dịch hạch lan từ các tỉnh phía nam ra miền Bắc. Trong giai đoạn đỉnh điểm từ năm 1976-1978, Việt Nam từng ghi nhận tới hơn 13.000 ca mắc dịch hạch mỗi năm, gây ra cái chết cho hơn 400 người.
Tuy nhiên, dịch bệnh dần dần từng bước được khống chế. Tới năm 1990, dịch hạch chỉ còn lưu hành tại một số địa phương có ổ dịch dai dẳng, chẳng hạn như Tây Nguyên.
Năm 2003, Việt Nam đã xóa sổ bệnh dịch hạch, với ca bệnh cuối cùng được ghi nhận tại vào tháng 08 năm 2002 tại tỉnh Đắk Lắk. Giám sát dịch động vật tại các trọng điểm, từ tháng 4/2004 không còn phân lập được vi khuẩn Y. pestis từ vật chủ và trung gian truyền bệnh nào, bao gồm chuột và bọ chét.
Từ năm 2005, xét nghiệm huyết thanh động vật tìm kháng thể kháng Y. pestis đều cho kết quả âm tính.
Với việc dịch hạch đã hoàn toàn biến mất trong cộng đồng và cả môi trường tự nhiên ở Việt Nam, việc phòng ngừa đã chuyển sang một giai đoạn mới, tập trung vào công tác giám sát nguy cơ dịch bệnh nhập cảnh để phòng ngừa từ xa.
Công việc bao gồm theo dõi chặt chẽ và kịp thời các ổ dịch hạch mới bùng phát trên thế giới, giám sát thường xuyên chuột tại các bến cảng, kho hàng, nơi dịch bệnh có khả năng nhập cảnh cao thông qua vật chủ trung gian.
Trong đó, không thể không kể đến công việc của các nhân viên CDC như Phạm Trường Thọ, những người vẫn miện mài đi khắp các cảng biển, đặt bẫy chuột và hàng ngày thu thập mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Pasture để xét nghiệm.
Anh Thọ cho biết chỉ tính riêng phạm vi Đồng Nai đã có 17 cảng biển. Các cụm cảng này có sự giao thương hàng hoá rất lớn với các nước trên thế giới. Để kịp thời ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập từ các tàu vận tải nước ngoài vào Đồng Nai, hàng tháng CDC tỉnh đều phân công nhân lực thực hiện hoạt động giám sát chuột.
"Với mỗi cảng tôi sẽ lấy mẫu 2 lần trong năm, chia đều cho 17 cảng lớn nhỏ thì lịch lấy mẫu của tôi hầu như đều kín. Mỗi tháng tôi thường đi từ 2 đến 3 tuần, thậm chí có tháng phải đi cả 4 tuần nên không mấy khi ở nhà", anh Thọ nói.
Người nhân viên CDC chia sẻ anh đã làm công việc này được hơn 10 năm. Anh nhớ lại một kỷ niệm năm 2015, lúc đó anh đang trên đường đi làm thì nhận được thông tin của Viện Pastuer về việc có mẫu nghi ngờ nhiễm bệnh hiện đang chờ kết quả xét nghiệm khẳng định.
Đây là một giai đoạn hết sức nhạy cảm bởi thế giới vừa ghi nhận một ổ dịch hạch bùng phát ở Madagasca lây nhiễm 119 người, khiến 40 tử vong. Rất may mắn sau đó, kết quả trả về từ Viện Pastuer lại cho kết quả âm tính.
Mặc dù vậy, anh Thọ nói chúng ta không được chủ quan. Trên thế giới hiện vẫn đang có rất nhiều điểm bùng phát dịch hạch. Các ổ dịch hạch không tồn tại trong môi trường tự nhiên hoang dã ở Việt Nam, nhưng với sự phát triển của hoạt động giao thương hàng hóa và di chuyển quốc tế như ngày nay, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vẫn còn đang thường trực.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android