Một nghiên cứu nói tiếng ồn trắng gây tổn hại cho não, liệu có đáng tin hay không?

    zknight,  

    Có sự nghi ngờ rằng khoa học đã bị bóp méo.

    Khi cần tập trung để làm việc, thư giãn hoặc khó ngủ, rất nhiều người trong số chúng ta có thói quen lên Youtube bật những video tiếng ồn trắng (white noise). Các video này thường dài hàng tiếng đồng hồ, phát đi phát lại tiếng mưa rơi, nước chảy, gió xào xạc, tiếng sóng biển hoặc âm thanh rì rầm ở quán cà phê…

    Tiếng ồn trắng thường giúp bạn cảm thấy thư thái hơn, nhưng một nghiên cứu đánh giá tổng hợp gần đây cảnh báo chúng ẩn chứa một mối nguy hiểm. Cụ thể, các nhà nghiên cứu tại Tập đoàn Khoa học Posit của Mỹ nói rằng việc tiếp xúc với âm thanh ngẫu nhiên, không cấu trúc tạo nên tiếng ồn trắng, làm thay đổi các kết nối thần kinh của não bộ.

    Đó là những kết nối giúp chúng ta cảm nhận âm thanh, vì vậy, họ kết luận nghe quá nhiều tiếng ồn trắng có thể đưa bạn vào nguy cơ mắc các chứng bệnh khó chịu như ù tai, thậm chí chứng mất trí.

    Mặc dù vậy, nghiên cứu của tập đoàn tư nhân này đang gặp phải nhiều sự chỉ trích. Có cơ sở để nghi ngờ kết luận của nó chứa đựng sự thiên vị khoa học, mà Posit dùng để tấn công các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

    Hiện tại, công ty này đang phát triển một ứng dụng luyện tập não bộ thông qua các câu đố có tên là BrainHQ. Một phần mục đích của ứng dụng này là nhắm đến điều trị ù tai, chứng bệnh khó chịu mà liệu pháp sử dụng tiếng ồn trắng cũng đang nhắm tới.

    Một nghiên cứu nói tiếng ồn trắng gây tổn hại cho não, liệu có đáng tin hay không? - Ảnh 1.

    Rất nhiều người trong số chúng ta có thói quen lên Youtube bật những video tiếng ồn trắng (white noise)

    Thị trường hơn 10% dân số Mỹ bị ù tai

    Nghiên cứu đánh giá được công bố tháng trước trên tạp chí JAMA Otolaryngology. Trong đó, các nhà khoa học chủ yếu xem xét các tài liệu học thuật xung quanh chứng ù tai, một tình trạng y tế khó chịu làm phiền 10% người trưởng thành ở Mỹ mỗi năm.

    Theo số liệu của Viện Điếc và Rối loạn giao tiếp Hoa Kỳ, có khoảng 2 triệu người Mỹ bị ù tai mạn tính, nghĩa là lúc nào họ cũng nghe thấy các âm thanh u u hoặc tiếng chuông trong tai.

    Mặc dù vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa hiểu về tình trạng này, nguyên nhân của chứng ù tai mạn tính được cho là xuất phát từ các tế bào thần kinh chịu trách nhiệm giúp cảm nhận âm thanh. Chúng bị kích hoạt liên tục ở những thời điểm lẽ ra không nên kích hoạt, dẫn đến tiếng ồn ảo.

    Sự kích thích quá mức thường xảy ra sau khi một người bị những tiếng ồn quá lớn làm chết một phần tế bào cảm thụ âm thanh, hoặc bị nhiễm trùng tai. Thông thường, chứng ù tai thường đi kèm mất thính giác. Những người bị ù tai và mất thính giác cũng có nhiều khả năng phát triển bệnh mất trí nhớ, cho thấy những khiếm khuyết này có thể ảnh hưởng sâu vào não bộ.

    Một nghiên cứu nói tiếng ồn trắng gây tổn hại cho não, liệu có đáng tin hay không? - Ảnh 2.

    Tiếng ồn trắng là âm thanh kết hợp tất cả các tần số mà tai người có thể nghe thấy

    Tiếng ồn trắng

    Tiếng ồn trắng là âm thanh kết hợp tất cả các tần số mà tai người có thể nghe thấy, thường giống như tiếng quạt chạy, gió thổi bên tai khi đi xe máy hoặc tiếng tivi nhiễu. Bởi nằm trong dải tần số rộng, tiếng ồn trắng có thể nhấn chìm các âm thanh lân cận khác. Ở cường độ thấp, nó thường được khuyến khích như một cách để quản lý, nếu không nói là trực tiếp điều trị chứng ù tai.

    Nhưng vây giờ, các tác giả nghiên cứu tại Tập đoàn Khoa học Posit lập luận rằng chỉ nghe tiếng ồn trắng mà thiếu các âm thanh có cấu trúc khác sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng. Họ thậm chí còn tuyên bố rằng, giống như những gì chứng ù tai có thể gây ra, tiếng ồn trắng có thể "đẩy nhanh sự lão hóa của bộ não".

    Để chứng minh điều này, các tác giả viện dẫn các nghiên cứu cho thấy không phải tất cả các trường hợp ù tai đều xuất phát từ tổn thương gây ra bởi tiếng ồn lớn. Họ trích dẫn nghiên cứu trên động vật và trên người cho thấy: Tiếp xúc lâu dài với tiếng ồn dưới ngưỡng gây chấn thương (dưới 60 đến 70 dB) cũng có thể khiến mọi người dễ phát triển một số thay đổi thần kinh tương tự những gì xảy ra ở người bị ù tai.

    "Bằng chứng ngày càng tăng cho thấy não bộ biến đổi một cách tiêu cực khi nó được nạp thông tin ngẫu nhiên, chẳng hạn như tiếng ồn trắng", tác giả chính của nghiên cứu, nhà khoa học Mouna Attarha đến từ Tập đoàn Khoa học Posit cho biết.

    "Những tài liệu đang dày lên, chủ yếu từ các mô hình động vật trong 1 thập kỷ qua, hiện đã chứng minh rằng tiếp xúc lâu dài với những tiếng ồn không gây tổn thương cũng có khả năng khiến hệ thần kinh thính giác trung tâm thay đổi và rơi vào trạng thái kích thích chồng chéo, mất ổn định như của người ù tai".

    Một nghiên cứu nói tiếng ồn trắng gây tổn hại cho não, liệu có đáng tin hay không? - Ảnh 3.

    Liệu tiếng ồn trắng có gây hại thực sự?

    Nghi ngờ có sự thiên vị khoa học

    Mặc dù vậy, một số nghiên cứu gần đây cho rằng tiếng ồn trắng ở cường độ vừa phải có khả năng ngăn chặn một số thay đổi trong mạch não, thường thấy ở chứng ù tai bị kích hoạt bởi tiếng ồn lớn.

    Một nghiên cứu năm 2015 ở Đức phát hiện tiếp xúc với tiếng ồn trắng "không có tác dụng chung về chức năng nhận thức", ít nhất là ở những người khỏe mạnh. Điều đó có nghĩa là nó an toàn.

    Có một nghi vấn đặt ra với nghiên cứu của Mouna Attarha và các cộng sự ở thời điểm này, đó là họ làm việc cho một công ty tư nhân. Tập đoàn Khoa học Posit phát triển ứng dụng luyện tập não bộ BrainHQ không sử dụng tiếng ồn trắng, nên có khả năng các nhà khoa học của họ đã thiên vị trong nghiên cứu.

    Mặc dù viện dẫn các bằng chứng cho việc tiếng ồn cường độ thấp (dưới 80 dB) có thể làm giảm thính giác của chúng ta, các nhà khoa học của Posit không đưa ra được bằng chứng trực tiếp nào nói đó là những tiếng ồn trắng.

    Bởi vậy, cho tới thời điểm này, nghiên cứu của Mouna Attarha và các cộng sự tại Posit hoàn toàn không đủ thuyết phục về tác hại của tiếng ồn trắng. Chỉ có một nguy cơ, rằng những tiếng ồn dưới mức gây hại của quy định hiện hành ngày nay (60-70 dB) vẫn có thể làm tổn thương thính giác. 

    Nhưng nó không nhất thiết phải là tiếng ồn trắng.

    Tham khảo Gizmodo, Sciencealert

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ