Dãy siêu núi lửa khổng lồ tại Italy đang có dấu hiệu hoạt động trở lại sau 500 năm ngủ yên.
Tại Italy, có một dãy "siêu núi lửa" được hình thành ngoài biển từ hàng trăm ngàn năm trước. Dãy núi này trải rộng 12km, từng gây ra một trong những vụ phun trào mạnh nhất trong lịch sử vào 500 năm trước. Và nay, dãy núi bắt đầu hoạt động trở lại, và thậm chí đang đạt đến ngưỡng áp lực cần thiết để một vụ nổ lớn xảy ra.
Nói đến "siêu núi lửa", nhiều người tưởng tượng ra hình một ngọn núi khổng lồ có lỗ phun ở giữa. Nhưng thực ra, đây là một khu vực có các hoạt động địa chất, được hình thành khi núi lửa phun ra quá nhiều dung nham. Nó sẽ tự sụp đổ, để lại một mảng địa chất khổng lồ, trong đó có chứa các mạch nước, các hoạt động thủy nhiệt, và cả acid đậm đặc.
Campi Flegrei (tiếng Ý có nghĩa là "cánh đồng bốc cháy") chính là một khu vực như thế. Nó nằm tại phía Tây dãy Naples, gồm 24 mảng địa chất và núi lửa khác nhau - chủ yếu nằm dưới biển Địa Trung Hải. Khu vực này được hình thành từ 39.000 năm trước, và là kết quả từ một vụ phun trào siêu mạnh có niên đại khoảng 200.000 năm.
Kể từ khi được hình thành, Campi Flegrei có 2 vụ phun trào lớn: 35.000 năm trước và 12.000 năm trước, cùng một vụ phun trào nhỏ hơn vào năm 1538.
Tuy nhiên, cái chữ "nhỏ" ở đây chỉ mang tính tương đối, vì vụ phun trào năm 1538 kéo dài tới 8 ngày liên tiếp, phun hàng ngàn tấn vật chất ra xung quanh, đủ để hình thành một ngọn núi mới: núi Monte Nuovo.
Giuseppe De Natale - nhà nghiên cứu thuộc Viện địa chất học quốc gia Italy từng phát biểu vào năm 2012: "Khu vực này có thể sản sinh ra những vụ phun trào mạnh đến mức so sánh được với thiên thạch rơi".
Và nay, đội nghiên cứu do nhà núi lửa học Giovanni Chiodini dẫn đầu đã chỉ ra các bằng chứng cho thấy núi Campi Flegrei bắt đầu chạm ngưỡng áp lực, đủ để kích hoạt một vụ phun trào nữa.
Theo đó, các hoạt động phun trào khí nóng, khiến dung dịch thủy nhiệt và đá bị đốt nóng, làm tăng áp suất và nhiều khả năng gây ra một vụ phun trào.
Trong hàng thập kỷ qua, khu vực Campi Flegrei đã chứng kiến nhiều dấu hiệu cho thấy khả năng phun trào đang tăng nhanh. Chính phủ Ý cũng đã thay đổi xếp hạng của ngọn núi lửa này, từ "xanh" - tức "ngủ yên" - sang "vàng" - tức "cần giám sát đặc biệt".
Tuy nhiên, cư dân xung quanh cũng chưa cần lo lắng, ít nhất là trong giai đoạn này. Các chuyên gia cho biết, hiện khó lòng có thể dự đoán hoạt động của Campi Flegrei trong tương lai.
"Nhìn chung, núi lửa học không phải là một ngành khoa học có tính chính xác cao. Chúng tôi có quá nhiều biến số không chắc chắn, và việc dự đoán hoạt động của núi lửa trong dài hạn lúc này là điều không thể." - Chiodini cho biết.
Các chuyên gia hi vọng rằng nghiên cứu lần này sẽ thúc đẩy giới khoa học tiếp tục quan sát và nghiên cứu về những ngọn núi nguy hiểm này trong tương lai.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Theo Trí thức trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"