'Mùa đông' của ngành công nghệ chưa thể sớm kết thúc
VTV.vn - Tiếp nối Meta, Amazon và Twitter, Alphabet đã tiến hành cuộc đại sa thải khi cho thôi việc khoảng 12.000 nhân viên, tương đương với 6% lực lượng lao động.
Công ty kiểm toán PwC đã dự đoán, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tạo ra mức tăng 15.000 tỷ USD cho GDP toàn cầu vào năm 2030. Cùng với đó, sẽ có khoảng 3% công việc bị AI đánh cắp.
Cuộc đại sa thải mới đây của Google là hồi chuông cảnh báo tới nhiều người. Cụ thể, Alphabet - công ty mẹ của Google - thông báo sẽ cho thôi việc khoảng 12.000 nhân viên, tương đương với 6% lực lượng lao động.
Trong thông báo gửi tới nhân viên ngày 20/1, Giám đốc điều hành Alphabet Sundar Pichai cho biết, việc sa thải là một quyết định khó khăn. Ban lãnh đạo công ty quyết định cắt giảm nhân sự sau khi đánh giá kỹ hoạt động kinh doanh của Alphabet và để thích nghi với bối cảnh thị trường.
Sundar Pichai - Giám đốc điều hành Alphabet (Ảnh: AP)
Alphabet đã gửi email cho các nhân viên bị cắt giảm. Các nhân viên ở Mỹ sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên.
Việc cắt giảm lao động ảnh hưởng tới toàn bộ các bộ phận của Alphabet, bao gồm tuyển dụng, kỹ thuật và nhiều nhóm sản phẩm.
Có thể thấy, Alphabet là cái tên tiếp theo trong danh sách nối dài của các công ty công nghệ phải sa thải nhân sự trong những tháng vừa qua. Trước đó, các gã khổng lồ khác như Meta - công ty mẹ của Facebook, Amazon và Twitter cũng đã tuyên bố sa thải hàng nghìn đến hàng chục nghìn nhân viên. Giới quan sát cho rằng, động thái của Alphabet đã thể hiện rõ "mùa đông" của ngành công nghệ vẫn chưa thể sớm kết thúc.
Thống kê của Bloomberg cho thấy, năm 2022, lĩnh vực công nghệ tại Mỹ đã cắt giảm hơn 97.000 việc làm, tăng 649% so với năm 2021.
Số việc làm bị cắt giảm trong ngành công nghệ tại Mỹ năm 2022
Tuy nhiên, làn sóng này vẫn chưa dừng lại. Chỉ trong 2 tuần đầu năm 2023, gã khổng lồ thương mại điện thử Amazon, nền tảng chia sẻ video trực tuyến Vimeo và công ty phần mềm dữ liệu đám mây SalesForce đã thông báo cắt giảm hàng chục nghìn nhân viên, nâng tổng số việc làm bị cắt giảm của ngành công nghệ lên hơn 110.000.
Mặc dù vậy, động thái sa thải này không làm giới quan sát bất ngờ. Ông Joseph Bonner - Chuyên gia phân tích thị trường của công ty Argus Research (Mỹ) - cho rằng, việc sa thải của Amazon hay Alphabet không phải là điều quá ngạc nhiên khi đặt trong bối cảnh chúng ta đã thấy bước đi tương tự từ Meta hay Microsoft. Các Giám đốc điều hành cũng đã đánh tiếng từ trước là cần phải cắt giảm chi phí. Quyết định của họ phù hợp với bức tranh chung của ngành công nghệ.
Trong giai đoạn COVID-19, nhờ các gói trợ cấp từ chính phủ, người dân chi tiêu để học và làm việc từ xa khiến các doanh nghiệp mạnh tay đầu tư để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, khi nhu cầu chi tiêu hạ nhiệt, các doanh nghiệp công nghệ phải điều chỉnh hoạt động kinh doanh.
Theo ông Alex Zukin - Giám đốc điều hành công ty phần mềm doanh nghiệp Wolfe Research (Mỹ), các công ty công nghệ không gặp mấy khó khăn để cắt giảm 10 hay 15% quy mô nhân sự, đặc biệt là sau khi họ đã tuyển dụng rất nhiều trong những năm qua.
Alex Zukin - Giám đốc điều hành công ty phần mềm doanh nghiệp Wolfe Research
Một số chuyên gia công nghệ cho rằng, những đợt sa thải này không hẳn là tin xấu khi điều này cho thấy, các doanh nghiệp công nghệ đang trong quá trình tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn. Những người bị sa thải nếu có kỹ năng thì vẫn có thể được tuyển dụng vào những nơi phù hợp hơn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?