Thông báo sa thải muộn hơn các Big Tech nhưng nhân viên Google chịu hiều đau thương nhất: Người nhận tin lúc 2h sáng trên giường bệnh, kẻ đọc email khi đang để tang mẹ
Tại chi nhánh New York của Google, nhân viên không biết mình có bị sa thải hay không do email nội bộ bị tạm đóng. Họ chỉ còn cách quẹt thẻ ra vào để xem ai qua được cổng.
Theo tờ Business Insider (BI), việc tập đoàn Google sa thải 12.000 lao động qua thư điện tử mà chẳng có lấy một bữa chia tay hay buổi cảm ơn chính thức đã khiến vô số nhân viên từng đóng góp nhiều năm cho hãng công nghệ này phải đau lòng. Tồi tệ hơn, việc gửi thư sa thải số lượng lớn vào các khung giờ khác nhau đã tạo nên vô số những câu chuyện ngược đời.
Cô Ali Neil, một kỹ sư của Google đã bị đuổi việc khi đang nghỉ ốm 3 tháng trên giường bệnh. Vị kỹ sư này nhận được thông báo vào lúc 2h sáng và cô đã phải tức tốc liên hệ đồng nghiệp, bạn bè và cấp trên khi tưởng rằng mình bị “tấn công cá nhân”.
“Sau khi hiểu được mọi chuyện, tôi đã cố đi ngủ nhưng chẳng thể chợp mắt nổi”, cô Neil thổn thức.
Ngay sau dòng thông báo ngắn ngủi, cô Neil bị loại khỏi hệ thống làm việc, dòng thư điện tử, các tài nguyên trực tuyến của công ty, qua đó khiến vị kỹ sư này chỉ còn biết liên hệ sếp và đồng nghiệp để lấy lại đồ cá nhân trên văn phòng.
“Đây là lần đầu tiên trong đời tôi bị đuổi khi nghỉ phép chữa bệnh”, cô Neil chua chát.
Thậm chí tập đoàn Google còn chẳng cho Neil đến trả laptop do công ty cấp và lấy đồ cá nhân, mà buộc cô phải gặp riêng đội an ninh ở gần văn phòng, hoặc dùng chuyển phát nhanh nếu muốn.
Cả nhà mất việc
Trong một trường hợp hy hữu hơn, vợ chồng nhà anh Ashish Kalsi đã trố mắt nhìn nhau khi nhận được thông báo sa thải từ Google khi cả 2 người đều làm cho công ty này.
“Vợ tôi dậy từ lúc 6h30 sáng để tham dự cuộc họp của công ty, thế rồi cô ấy chẳng thể truy cập được vào mạng nội bộ. Lúc đầu cô ấy tưởng mình chưa cập nhật ứng dụng an ninh nội bộ, nhưng lúc tôi xem lại thì mới phát hiện ra là cả 2 chúng tôi đã bị đuổi chỉ bằng một bức thư điện tử. Tất nhiên cả 2 chúng tôi đều sốc và trố mắt nhìn nhau, trong khi con gái của chúng tôi vẫn ngủ yên mà chưa biết cái gì đã xảy đến với gia đình này”, anh Kalsi cười khổ.
Vị chuyên viên này đã làm việc cho Google được 11 năm dưới dạng visa H-1B nên đang phải cố gắng tìm kiếm công việc mới trong vòng 2 tháng nếu không muốn bị đuổi khỏi Mỹ.
Một trường hợp thương tâm khác là anh Tommy York, kỹ sư công nghệ thông tin cho Google mới nghỉ phép để tang mẹ qua đời vì ung thư, vừa quay trở lại làm việc được 4 ngày thì bị đuổi.
“Điều đó cứ như một cú tát vào mặt vậy, nhất là khi bạn ở giai đoạn đau thương nhất trong cuộc đời. Tôi quá mệt mỏi và thất vọng rồi”, anh York chán nản.
Trên trang LinkedIn tràn ngập những lời chê trách về việc sa thải quá bất ngờ với số lượng lớn của Google. Thậm chí đồng sáng lập Chris Donnelly của Lottie còn mỉa mai rằng những nhân viên Google chi nhánh New York đi làm cứ như đang ra trận vậy. Do hệ thống email bị tạm ngừng tại chi nhánh này nên mọi người chẳng biết ai bị đuổi và ai ở lại. Tất cả xếp hàng qua cổng kiểm tra, ai quẹt thẻ vào được thì ở lại mà ai không được thì coi như bị đuổi.
Trong khi đó, anh Zac Bowling đã làm việc được 8 năm cho Google lại chẳng quá bất ngờ về động thái xa thải này. Bản thân anh Bowling đã từng bị đuổi 2 lần ở những công ty khác và không quá ngạc nhiên khi điều này diễn ra. Điều đáng nói ở đây là cách đuổi việc của Google quá “máu lạnh” khi chỉ đơn giản với một bức thư điện tử rồi cắt toàn bộ quyền truy cập tài nguyên nội bộ của nhân viên.
“Bạn còn chẳng có cơ hội để nói lời từ biệt với đồng nghiệp”, anh Bowling ngán ngẩm.
Trên LinkedIn, chuyên gia công nghệ thông tin Suraz G của Salesforce khuyên mọi người rằng đừng có coi công ty là nhà hay những thứ đại loại như vậy.
“Hãy ngừng tung hô doanh nghiệp của mình lại đi. Hãy chỉ làm việc vì tiền và ra đi trong tư thế ngẩng cao đầu”, anh Suraz viết.
*Nguồn: Business Insider
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI