Vừa rẻ, vừa đỡ tốn công mà lại ngon miệng, rõ ràng mỳ ăn liền đã trở thành loại đồ ăn ưa thích nhất ở nhiều nước trên thế giới dù bị mang tiếng là có hại cho sức khỏe.
Ramen ăn liền, loại mỳ khô được nấu chín trước đóng gói cùng với gia vị và dầu sốt, bấy lâu nay vẫn bị coi là một bữa ăn không có dinh dưỡng . Nhưng dù mang tiếng xấu là chứa nhiều carbohydrates và mỡ mà lại chứa ít protein, chất xơ, vitamin và khoáng chất, nó vẫn trở nên hết sức phổ biến trên thế giới.
Theo Hiệp hội Mỳ ăn liền Thế giới (WINA), 52 nước đã tiêu thụ hết 97,7 tỷ gói mỳ vào năm ngoái. Những nước tiêu thụ nhiều nhất là Trung Quốc và Hong Kong, cả hai tiêu thụ đến 40,43 tỷ gói. Tiếp đó là Indonesia, với 13,2 tỷ gói.
Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 với 4,8 tỷ gói mỳ. Người Mỹ cũng không bỏ quá xa với 4 tỷ gói được tiêu thụ trong năm 2015.
Nhưng tai tiếng của mỳ ăn liền là “đồ ăn kém bổ dưỡng” ngày càng trở nên tệ hơn.
Theo Washington Post, một nghiên cứu mới được thực hiện bởi Đại học Baylor và Đại học Harvard cho thấy ăn mỳ gói thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh tim và đột quỵ.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích sức khỏe và chế độ ăn của 11.000 người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 19 đến 64. Nghiên cứu này cho thấy phụ nữ Hàn Quốc có nguy cơ cao mắc hội chứng chuyển hóa do lượng ramen cực lớn mà họ ăn vào. Điều đáng ngạc nhiên là điều này không hề thấy ở các đối tượng nam giới. Hội chứng chuyển hóa thường dẫn đến tăng lượng đường trong máu và tăng huyết áp, khiến người bệnh dễ bị mắc tiểu đường, đột quỵ hoặc bệnh tim.
Thủ phạm của hội chứng này chính là một chất được tìm thấy trong ramen có tên là Tertiary-butyl hydroquinone (TBHQ), một sản phẩm phụ của ngành dầu mỏ, được sử dụng để bảo quản các loại thực phẩm chế biến rẻ tiền.
Hyun Shin – đồng tác giả của nghiên cứu, đến từ trường Y Harvard – cho biết: “Mặc dù mỳ ăn liền là một loại đồ ăn tiện lợi và ngon miệng, nhưng ăn nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa do món này chứa nhiều muối, glycemic và các chất béo bão hòa có hại”.
Các nghiên cứu riêng lẻ khác được thực hiện trước đó cũng cho thấy những nguy hiểm tiềm ẩn về sức khỏe do ăn quá nhiều mỳ ăn liền.
Ở Ấn Độ, Cơ quan An toàn và Tiêu chuẩn Thực phẩm (FSSAI) đã tìm thấy lượng chì gấp 7 lần mức cho phép trong mỳ ăn liền mang nhãn hiệu Maggi của Nestlé. Ngay lập tức, tất cả 9 chủng loại mỳ ăn liền của Maggi bị cấm và bị coi là “ nguy hiểm đối với người tiêu dùng”.
Ở Hàn Quốc, Cục Thực Phẩm và Dược Phẩm (KFDA) cũng tìm thấy chất gây ung thư Benzopyrene trong 6 nhãn hiệu mỳ gói do công ty Nong Shim sản xuất vào năm 2012. Phát hiện đó khiến toàn bộ sản phẩm của công ty này bị thu hồi cả ở trong nước và nước ngoài.
Theo Trí thức trẻ/CafeBiz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI
Morris Chang, nhà sáng lập TSMC, đã thẳng thắn nhận định chiến lược kinh doanh của Intel, cho rằng "Đội Xanh" đáng lẽ không nên bước chân vào lĩnh vực sản xuất chip và thay vào đó nên tập trung vào thị trường AI.
Chủ tịch Huawei tự hào khoe Mate 70 là điện thoại với chip 100% Made in China: "Tự chủ ngành bán dẫn đã trở thành hiện thực"