Mỹ cảnh báo ký sinh trùng chui vào não người, sau khi ăn rau sống bị ốc sên bò qua

    zknight,  

    Người dân nên cảnh giác, đặc biệt đối với các loại rau sống hoặc hoa quả bị ốc sên bò lên, còn dính lại dịch nhờn của chúng.

    Sở Y tế Tiểu bang Hawaii, Hoa Kỳ mới đây vừa phải đưa ra cảnh báo mới về một loài giun ký sinh có thể lây nhiễm vào não người. Động thái xuất hiện ngay sau khi nhà chức trách xác nhận có thêm 3 du khách đến thăm hòn đảo này bị nhiễm ký sinh trùng.

    Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) xác nhận 3 trường hợp nhiễm ký sinh trùng não mới là những người trưởng thành không quen biết nhau. Tất cả đều đến thăm đảo Hawaii từ lục địa Hoa Kỳ.

    Các nạn nhân này cũng bị nhiễm bệnh vào những thời điểm tách biệt nhau. Trong năm 2017, có tổng cộng 17 vụ nhiễm ký sinh trùng não tương tự ở Hawaii. Con số năm 2018 là 10 vụ và từ đầu năm 2019 đến nay là 5 vụ.

    Trong cả 1 thập kỷ trước, Hawaii chỉ phát hiện 2 ca nhiễm ký sinh trùng não. Điều này khiến các con số bùng nổ trong 3 năm gần đây trở thành bất thường và đáng báo động. 

    Sở Y tế địa phương cho biết con đường lây lan của loài ký sinh trùng nguy hiểm này là qua các loài động vật thân mềm như sên và ốc sên. Người dân nên cảnh giác, đặc biệt đối với các loại rau sống hoặc hoa quả bị ốc sên bò lên, còn dính lại dịch nhờn của chúng.

    Mỹ cảnh báo ký sinh trùng chui vào não người, sau khi ăn rau sống bị ốc sên bò qua - Ảnh 1.

    Loài ký sinh trùng được nhắc đến ở đây là những con giun phổi chuột, có tên khoa học là Angiostrongylus cantonensis

    Con đường lây bệnh

    Loài ký sinh trùng được nhắc đến ở đây là những con giun phổi chuột, có tên khoa học là Angiostrongylus cantonensis. Đúng như tên gọi của chúng, Angiostrongylus cantonensis thường chỉ cư trú chủ yếu ở trong phổi chuột, nơi những con giun cái làm tổ và đẻ trứng.

    Thế nhưng, khi những quả trứng lớn lên thành ấu trùng, những con chuột sẽ ho lũ ấu trùng này ra miệng, rồi lại nuốt chúng trở lại đường tiêu hóa. Giun phổi chuột lúc này chu du qua đường ruột của chuột rồi bị đào thải ra ngoài.

    Đến đây, các loài đóng vai trò vật chủ trung gian xuất hiện. Chúng chủ yếu là sên và ốc sên, ngoài ra còn có tôm, cua nước ngọt và ếch ăn phân chuột sẽ bị nhiễm ký sinh trùng. Khi các loài khác ăn vật chủ trung gian, chúng tiếp tục bị nhiễm Angiostrongylus cantonensis.

    Con người nếu ăn trực tiếp các loài sinh vật này mà chưa được nấu chín kỹ, hoặc ăn rau sống mà sên và ốc sên từng bò qua sẽ có khả năng nhiễm Angiostrongylus cantonensis.

    Thực tế, các cơ quan y tế ở Hawaii cũng giải thích sự bùng nổ các ca nhiễm giun phổi chuột gần đây bắt nguồn từ sự phát triển mạnh của một loài sên lai ốc trên hòn đảo.

    Mỹ cảnh báo ký sinh trùng chui vào não người, sau khi ăn rau sống bị ốc sên bò qua - Ảnh 2.

    Các con đường lây nhiễm Angiostrongylus cantonensis

    Ký sinh trùng tấn công não người

    Không giống như ở chuột, Angiostrongylus cantonensis không chỉ ghé thăm và đi qua đường tiêu hóa của con người, nó có thể xâm nhập vào ruột, chui vào hệ thần kinh và đi lên màng não.

    Những con ký sinh trùng này không sống sót đủ lâu để tìm được đường vào phổi. Thông thường, chúng sẽ chết đâu đó ngay trong hệ thống thần kinh trung ương của chúng ta.

    Trong một số trường hợp, nhiễm ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis không hề gây ra bất kể triệu chứng nào và tự khỏi. Nhưng với những người không may khác, mỗi khi con giun di chuyển, uốn mình hoặc chết bỏ xác trong não, bệnh nhân có thể phải chịu đựng nhiều triệu chứng nguy hiểm bao gồm: đau đầu, cứng cổ, ngứa ran, sốt nhẹ, buồn nôn và nôn.

    Trong trường hợp nghiêm trọng, nhiễm ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis có thể dẫn đến tổn thương thần kinh, tê liệt, hôn mê và thậm chí tử vong.

    Chẩn đoán nhiễm giun phổi chuột rất khó vì hiện tại không có xét nghiệm máu đặc hiệu nào có thể xác định chính xác loài ký sinh trùng này. Tại Hawaii, các quan chức y tế chỉ xác nhận được các trường hợp nhiễm giun phổi chuột, sau khi đã cố gắng thu nhặt các đoạn DNA vỡ ra từ chúng, xuất hiện trong dịch não tủy hoặc các mô khác của người bệnh.

    Mỹ cảnh báo ký sinh trùng chui vào não người, sau khi ăn rau sống bị ốc sên bò qua - Ảnh 3.

    Hãy cẩn thận với những con sên và ốc sên cũng như chất nhờn mà chúng để lại

    Điều đáng nói hiện nay là chúng ta vẫn chưa có phương pháp điều trị cụ thể nào cho các bệnh nhân nhiễm Angiostrongylus cantonensis. Chưa có loại thuốc nào đặc trị cho ký sinh trùng này.

    Bệnh nhân thường chỉ được theo dõi triệu chứng, cả họ và các bác sĩ đều phải chờ đợi những con giun tự chết. Vì những lý do này, các quan chức y tế Mỹ nói rằng phòng ngừa là biện pháp tối quan trọng để đối phó với Angiostrongylus cantonensis.

    Họ khuyến cáo người dân và du khách tới thăm Hawaii nên kiểm tra cẩn thận và rửa sạch tất cả các sản phẩm ăn uống, đặc biệt là nông sản như rau sống và hoa quả. Sở y tế địa phương cũng khuyến cáo nông dân kiểm soát và tiêu diệt các loài động vật thân mềm có khả năng mang ký sinh trùng, đặc biệt là sên và ốc sên.

    Tham khảo Arstechnica

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày