Năm 1994, Intel đã từng thu hồi một số lượng lớn chip xử lý bị lỗi và biến chúng thành móc chìa khóa với lời nhắn của CEO để vượt qua khủng hoảng

    tvd,  

    Intel có cách vượt qua khủng hoảng rất đặc biệt, nhưng liệu lần này Intel có vượt qua được cuộc khủng hoảng Meltdown và Spectre hay không?

    Intel đang vướng phải một trong những rắc rối lớn nhất lịch sử công ty, khi mà hai lỗ hổng bảo mật Spectre và Meltdown mới được phát hiện trong kiến trúc của hầu hết các bộ vi xử lý hiện đại. Các lỗ hổng bảo mật này cho phép hacker có thể thực hiện cuộc tấn công vào bộ nhớ kernel của CPU, vì vậy mà chúng rất nguy hiểm.

    Tuy nhiên cách đây 24 năm, Intel cũng đã từng vướng phải một rắc rối không kém phần nghiêm trọng và đây là cách xử lý độc đáo của nhà sản xuất chip máy tính lớn nhất thế giới.

    Trở lại năm 1994, một lỗi nghiêm trọng đã được phát hiện trong các chip Pentium P5 của Intel. Lỗi này khiến cho các CPU không thể tính toán được một số phương trình nhất định, nhưng hầu hết người dùng phổ thông không bị ảnh hưởng.

    Sau đó một vài ngày, tờ New York Times Business Daily đã đăng một bài viết cho thấy các nhà khoa học và các kỹ sư máy tính, nhưng người yêu cầu khả năng tính toán chính xác của hệ thống, tỏ ra lo ngại về lỗi của các chip xử lý Intel Pentium P5.

    Cuối cùng, Intel đã quyết định thu hồi gần một triệu chip xử lý Pentium P5. Tuy nhiên, thay vì sửa lỗi hoặc tái chế các bộ vi xử lý thu hồi, Intel lại biến các chip Pentium P5 này thành móc chìa khóa và trao lại cho các nhân viên của công ty.

    Chiếc móc chìa khóa này nhằm nhắc nhở nhân viên của công ty về sai sót trong quá trình phát triển con chip Pentium P5, mọi lúc mọi nơi. Đằng sau chiếc móc chìa khóa còn được khắc lời nhắn vô cùng ý nghĩa của CEO Andy Grove lúc bấy giờ:

    “Những công ty xấu sẽ bị hủy hoại bởi các cuộc khủng hoảng, những công ty tốt sẽ sống sót sau khủng hoảng, những công ty lớn sẽ tiếp tục trở nên tốt hơn sau khủng hoảng” - Andy Grove, tháng 12 năm 1994.

    Thật vậy, trả lời phỏng vấn với Tech Radar vào năm 2014 - kỷ niệm 20 năm sự kiện trên - cựu nhân viên của Intel, ông Tom Waldrop đã nói rằng: “Công ty đã sống sót sau cuộc khủng hoảng 1994, và thực sự đã trở nên mạnh mẽ hơn sau cuộc khủng hoảng đó”. Ông Waldrop cũng cho biết Intel đã thay đổi hoàn toàn cách kiểm tra sản phẩm để phát hiện các lỗi trước khi xuất xưởng.

    Intel đã phát triển rất mạnh trong khoảng thời gian từ năm 1994 đến năm 2017, bởi có rất ít các lỗi được phát hiện thấy. Tuy nhiên vừa mới đây, hai lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng đã được phát hiện trong hầu hết các chip Intel được sản xuất trong khoảng 2 thập kỷ vừa qua.

    Các lỗ hổng này nghiêm trọng hơn rất nhiều lỗi không thể tính toán một số phương trình của chip Pentium P5, bởi nó cho phép các hacker tấn công và đánh cắp dữ liệu bí mật của hệ thống, đặt người dùng vào tình trạng nguy hiểm.

    Trong cuộc khủng hoảng lần này, chắc chắn Intel sẽ không thể thu hồi toàn bộ các chip xử lý bị lỗi thiết kế gây ra lỗ hổng bảo mật, sau đó biến chúng thành móc chìa khóa như năm 1994. Chúng ta sẽ cùng xem Intel sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng, được cho là nghiêm trọng nhất trong lịch sử này như thế nào.

    Động thái đầu tiên của Intel là phối hợp với các đối thủ cạnh tranh của mình, các nhà phát triển hệ điều hành và các nhà sản xuất thiết bị phần cứng, để phát hành các bản cập nhật vá lỗ hổng Meltdown.

    Tuy nhiên đây mới chỉ là bước đầu tiên của quá trình xử lý khủng hoảng. Intel vẫn phải đối mặt với lỗ hổng Spectre, đối mặt với sức ép từ phía người dùng và đối mặt với các khách hàng lớn đang sử dụng các bộ vi xử lý của mình, trong đó có Google, Amazon và Microsoft. Giá cổ phiếu Intel đang lao dốc và chưa thấy dấu hiệu hồi phục.

    Tham khảo: Business Insider

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ