Năm 2016 là năm đáng chán nhất trong lịch sử smartphone cảm ứng
Năm 2016, khi nói tới smartphone người ta nói nhiều nhất tới một jack cắm đã hàng chục năm tuổi và một lời hứa hão từ Google.
Năm 2016 đã đi qua hơn một nửa, và cũng giống như mọi năm, ở thời điểm này người ta sẽ nói nhiều nhất tới chiếc iPhone sẽ sớm ra mắt trong 2 tháng nữa. Chỉ có điều, trong một năm người tiêu dùng lẽ ra sẽ được đón nhận một chiếc iPhone mới, điều mà người ta nhắc tới nhiều nhất khi nói về iPhone lại là... jack cắm tai nghe bị loại bỏ.
Ngay cả các nhà sản xuất và các fan của Android cũng không ngồi yên trước thông tin này. Lenovo đã nhanh nhảu loại bỏ kết nối 3.5mm truyền thống trên mẫu Moto Z mới ra mắt, còn các fandroid thì lớn tiếng chê bai Apple quá kiêu ngạo, quá hoang tưởng khi dám loại bỏ tiêu chuẩn 3.5mm.
Bất chấp quan điểm của bạn là gì, việc một jack cắm đã có tuổi đời hàng chục năm trở thành chủ đề bàn tán xôn xao nhất về chiếc smartphone đình đám nhất thế giới cũng đã nói lên một sự thật không mấy dễ chịu: năm 2016 quả là một năm quá đáng chán của ngành sản xuất smartphone.
3 niềm thất vọng từ MWC
Hãy cùng điểm qua những sự kiện của làng smartphone năm nay. Năm 2016 có thể coi là đã khởi đầu một cách khá rực rỡ với MWC diễn ra tại Barcelona vào tháng 2. Trong khuôn khổ sự kiện này, LG gây tiếng vang lớn khi trở thành nhà sản xuất đầu tiên ra mắt một chiếc smartphone module hoàn chỉnh: G5. Không chịu kém cạnh, Samsung mời Mark Zuckerberg lên sân khấu của mình để nói về trải nghiệm smartphone thực tại ảo với chiếc kính Gear VR. Dù lép vế và non trẻ hơn (trên lĩnh vực smartphone) nhưng HP cũng thu hút được nhiều sự chú ý bằng Elite x3, một chiếc smartphone có thể kết hợp với "vỏ" laptop để biến hình thành một chiếc PC xách tay thực thụ.
Nhưng khi ánh đèn hào nhoáng của sân khấu đã tắt thì những gì còn lại chỉ là những mẫu smartphone kém ấn tượng. Samsung vẫn là một thế lực và chiếc Galaxy S7 (cùng S7 edge) tiếp tục là đối trọng mạnh mẽ của Apple, thế nhưng mẫu Galaxy đầu bảng của năm nay thực chất lại là một bản sao không có gì thực sự mới mẻ từ thiết kế "đẹp sốc" của Galaxy S6 vào năm ngoái. Thậm chí, ngay cả Galaxy S6 cũng vẫn hỗ trợ Gear VR đầy đủ.
Tất cả những điều này không có nghĩa rằng Galaxy S7 không phải là một chiếc smartphone hoàn mỹ và hoàn thiện. Nhưng khi thị trường smartphone cảm ứng đã đi đến năm thứ 9, "hoàn thiện" không còn là đủ với phần lớn người tiêu dùng. Hãy cứ nhìn thất bại muối mặt của HTC M9 vào năm ngoái mà xem. Người dùng smartphone không còn chấp nhận những trải nghiệm hoàn thiện nữa. Họ cần những tính năng mới, những thiết kế mới. Một trải nghiệm mới.
Nhưng mới lạ vẫn không đồng nghĩa với thành công. Đó là bi kịch của Elite x3. Dù có tính năng "biến hình" độc đáo tới vậy nhưng Elite x3 vẫn không thể mang lại thành công đầu tiên cho mảng smartphone của HP. Lý do không thuộc về nhà sản xuất PC này mà thuộc về Microsoft: trong năm qua, công ty của CEO Satya Nadella coi như đã chấp nhận phần thua trên lĩnh vực smartphone và ngày một ghẻ lạnh hệ điều hành di động của mình. Tại sự kiện Build 2016, Microsoft chỉ tập trung vào các công nghệ Windows 10, Skype, Cortana, chatbot và AI. Từ "smartphone" được gã khổng lồ phần mềm nhắc tới rất nhiều, nhưng hai từ "Lumia" và "Windows 10 Mobile" thì gần như biệt tăm.
Vỡ mộng module
Đau đớn nhất có lẽ là trường hợp của G5: được hy vọng nhiều nhưng mẫu LG gây thất vọng vì mức độ hoàn thiện quá kém, ngay cả khi đã bắt người dùng phải chờ đợi 2 tháng từ khi ra mắt đến ngày lên kệ. Bài học quan trọng nhất từ LG G5 có lẽ là trước khi mơ mộng về module, hãy tập trung tạo ra một chiếc smartphone thật tốt cái đã.
Mở màn thảm hại bằng G5, khi năm 2016 tiếp tục trôi qua thì giấc mơ module đã vỡ tan tành. Tháng 5 vừa qua, Google chính thức vén màn phiên bản mới nhất và cũng là phiên bản chuẩn bị được đưa vào sản xuất hàng loạt để đưa ra thị trường của dự án Project Ara – chiếc smartphone module thu hút nhiều sự chú ý nhất thế giới kể từ khi ra mắt đình đám vào 2 năm trước.
Những tưởng sự kiện này sẽ khiến cho các fan của smartphone module và các fan của Google mừng vui nhưng Project Ara 2016 đã phản bội lại với tầm nhìn module ban đầu: thay vì chỉ tạo ra bộ khung cho phép người dùng có thể thay thế cả chip, RAM và bộ nhớ trong, Google nay sẽ bán ra một chiếc điện thoại tương đối hoàn thiện và chỉ cho phép thay thế các linh kiện như camera, loa và màn hình phụ.
Một vài tuần sau đó, khi Lenovo ra mắt mẫu Moto Z như xát thêm muối vào nỗi đau của những người đã từng mơ về smartphone module. Chiếc Moto đầu bảng mới chỉ có thể mở rộng qua phần ốp lưng và cũng chỉ cho phép cải thiện chất lượng pin, loa hay camera.
Sẽ là chẳng có vấn đề gì nếu như LG và Motorola, Google là những công ty đang chập chững ra mắt những chiếc smartphone module “tiền khởi”, hay nói cách khác là chưa hoàn thiện. Thế nhưng, vào thời điểm dự án Ara khởi động khi Motorola vẫn còn trực thuộc Google, chiếc smartphone module được vẽ ra là một chiếc smartphone có khả năng nâng cấp không hề thua kém máy vi tính nhằm mục đích tăng tối đa tuổi đời, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu của người dùng và giảm lượng rác thải công nghiệp. So với tầm nhìn ban đầu này, cả LG G5, Ara 2016 và Moto Z đều là những bước cải... lùi tệ hại.
Nói một cách công bằng thì các nhà sản xuất smartphone module hiện tại không phải là không vô lý khi khẳng định phần lớn người dùng quan tâm đến camera và âm thanh nhiều hơn là chip và RAM. Thế nhưng, nói như vậy cũng không có nghĩa rằng Google không thể thuyết phục người dùng phổ thông rằng nâng cấp chip và RAM sẽ giúp họ tối ưu giá trị của từng chiếc Ara trong khoảng thời gian 5 năm hoặc thậm chí là 10 năm. Google đã đầu hàng chính mình.
Thêm nữa, việc sản xuất ra những chiếc smartphone module theo mô hình hiện tại cũng có nghĩa rằng nhà sản xuất sẽ bán cho người dùng những chiếc smartphone có camera, loa hoặc DAC “làng nhàng” và khuyến khích họ bỏ ra một đống tiền để nâng cấp các bộ phận này. Cùng lúc, cứ sau 2 năm thì những chiếc G5 hay Ara lại không được cập nhật lên Android mới và trở nên lỗi thời trầm trọng.
Những người bên bờ vực
Nhưng “lời hứa hão” vẫn chưa phải là điều tồi tệ nhất về thị trường smartphone Android đầu năm 2016. Như chúng tôi đã đề cập ở trên, HTC 10 tiếp tục chìm nghỉm vì không có gì nổi bật, dù cho chiếc smartphone này có camera tốt nhất trên thị trường và cũng có mức độ hoàn thiện không hề thua kém Galaxy S7.
Đứng cùng một danh sách với HTC 10 là chiếc Xperia X Performance của Sony. Dù “khai tử” dòng Xperia Z nhưng Xperia X vẫn tiếp tục thiết kế nhàm chán đã bị Sony khai thác trong suốt 3 năm vừa qua. Tình cảnh của Sony trong năm nay có vẻ đã được cải thiện đáng kể, nhưng lý do là bởi Sony đang cắt giảm quy mô sản xuất chứ không phải là Xperia X Performance có thế mạnh nổi trội nào cả.
Vĩnh biệt, BlackBerry OS!
Các hệ điều hành khác cũng chẳng khá khẩm hơn. Microsoft trong năm qua đã đầu tư mạnh vào Cyanogen cũng như tìm cách lấn sân vào Android và iOS. Nói cách khác, Windows Phone coi như đã chết. “Kỳ phùng địch thủ” của Windows Phone trong nhiều năm trở lại là BB10 thậm chí đã chính thức bị BlackBerry khai tử. Và khi khai tử hệ điều hành con đẻ để chuyển sang Android, năm nay BlackBerry hứa hẹn sẽ ra mắt thêm 2 mẫu smartphone giá thấp chắc chắn sẽ kém ấn tượng hơn Priv. Thật là thảm họa.
Lại là iPhone
Cuối cùng và với nhiều người là quan trọng nhất, iPhone. Giữa tháng 3 Apple phá lệ khi lần đầu tiên tổ chức thêm một sự kiện iPhone để ra mắt chiếc iPhone SE. Vấn đề là ở chỗ iPhone SE là một mẫu copy paste hoàn toàn từ iPhone 5s về thiết kế và iPhone 6s về cấu hình. Về tính năng, iPhone SE bị loại bỏ 3D Touch của iPhone 6s. Đây không phải là một chiếc smartphone được thiết kế để thu hút các iFan mà chỉ là một nỗ lực xoay chuyển của một hãng smartphone đang bắt đầu gặp khó.
Còn át chủ bài của Apple trong năm 2016 thì sao? Như chúng tôi đã khẳng định, từ đầu năm đến nay nhắc đến iPhone người ta chỉ biết nói tới... jack tai nghe. Dĩ nhiên, việc loại bỏ một jack cắm analog đã có hàng chục năm tuổi đời sẽ giúp Apple thúc đẩy sự sáng tạo của các nhà sản xuất phụ kiện âm thanh. Thế nhưng, âm thanh là lĩnh vực có vai trò kém quan trọng... bậc nhất với phần đông người tiêu dùng phổ thông. Sony đã từng muốn hồi sinh thương hiệu Walkman lên smartphone nhưng thất bại, HTC M7 có loa BoomSound nhưng vẫn không thu hút được người dùng bằng chiếc Galaxy S4 nhàm chán, và trong những năm vừa qua nhiều nhà sản xuất đã liên tục mang “DAC chất lượng cao” lên smartphone của mình, điển hình là LG V10.
Thế nhưng, sự thật là với người tiêu dùng phổ thông, âm thanh hay chỉ đơn giản là âm thanh... không có lỗi. Nếu như Apple thực sự khai tử jack 3.5mm thì phần đông người dùng vẫn sẽ dùng tai nghe đi kèm theo iPhone, bất kể là qua apdapter Lightning hay qua Bluetooth.
Một năm đặc biệt chán
Vậy thì tại sao chúng ta lại phải tốn nhiều giấy mực về vấn đề cỏn con, không có ý nghĩa với bất kỳ một ai ngoại trừ cộng đồng audiophile có tỉ lệ quá ít ỏi?
Câu trả lời là bởi chiếc iPhone “đỉnh” của năm nay... đặc biệt chán. Các bức ảnh rò rỉ đều hé lộ một bức ảnh cho thấy iPhone năm nay gần như giống hệt 2 năm trước. Với chiếc “iPhone 6s II” như vậy thì Apple đã tạo ra một tiền lệ chưa từng có trong lịch sử công ty khi kéo dài một thiết kế cũ tới 3 thế hệ iPhone. Và làm như vậy sẽ khiến các fan chưng hửng không kém gì năm 2011, khi iPhone 4S ra mắt thay vì chiếc iPhone 5 được mong đợi.
Dĩ nhiên, một thế hệ iPhone S bao giờ cũng mang lại những tính năng mới, song nhìn từ trường hợp của iPhone 4S, iPhone 5s và iPhone 6s, bạn có thể dự đoán chắc chắn rằng tình cảm của các iFan với mẫu iPhone năm nay sẽ rất “nguội”. Và ở tình cảnh như hiện tại, tạo ra một tính năng có thể gây bất ngờ như Siri hoặc chip 64-bit lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Điều đó có nghĩa rằng, chiếc smartphone vốn mọi năm luôn là tâm điểm của báo chí và người tiêu dùng đến năm nay đã trở nên nhàm chán tới mức người ta chỉ chực chờ xem iPhone 2016 có hay không có một jack cắm đã có hàng chục năm tuổi đời. Sự thật đáng buồn này cũng đại diện luôn cho khung cảnh toàn bộ ngành smartphone năm nay: chúng ta có những chiếc điện thoại copy từ năm cũ như Galaxy S7 và HTC 10, chúng ta có 2 hệ điều hành đã và đang ngấp nghé cái chết, chúng ta có một lời hứa hão từ Google.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming