Năm 2016 nóng kỉ lục vì biến đổi khí hậu, nhưng ta vẫn có 5 điểm sáng để tin vào tương lai môi trường tốt đẹp hơn
Thành công phải đến từng bước một, đây là những bước đi vững chắc như vậy.
Thời điểm cuối năm đã tới, và ta đã có thể an toàn và đưa ra kết luận rằng năm 2016 này quả là một năm “căng như dây đàn” của môi trường Trái Đất. Ta có dấu mốc năm 2016 là năm nóng nhất từng được ghi nhận với mức CO2 cao chưa từng có, ta có loài động vật có vú đầu tiên đã tuyệt chủng do biến đổi khí hậu. Thậm chí, tin mừng là 2017 sẽ mát mẻ hơn 2016 cũng sẽ làm chúng ta vừa mừng mà lại vừa lo.
May mắn thay là cái gì cũng có mặt sáng, con người đang làm tất cả những gì có thể để cứu lấy Trái Đất. Năm vừa qua, bên cạnh những thảm họa thời tiết cực đoan là những thành tựu chúng ta đạt được trong quá trình khôi phục và giảm thiểu thiệt hại chính con người gây ra cho môi trường. Không nghi ngờ gì, những thành tựu ấy là những bằng chứng chắc nịch cho ta niềm tin vào một tương lai sáng lạn hơn.
1. Tổng thống Obama với một trong những khu bảo tồn hải dương lớn nhất thế giới
Công trình kỉ niệm Hải dương Quốc gia Papahānaumokuākea.
Cuối tháng Tám vừa rồi, Tổng thống Obama mở rộng Công trình kỉ niệm Hải dương Quốc gia Papahānaumokuākea phía bắc quần đảo Hawaii. Đây là một khu vực sinh thái biển được bảo vệ và đã được thành lập từ thời Tổng thống George Bush hồi năm 2006, mục đích là để bảo tồn khu vực rặng san hô và các loài sinh vật biển như rùa biển xanh, hải cẩu Hawaii hay hải âu lớn Laysan.
Papahānaumokuākea được coi như “cánh rừng nhiệt đới của biển cả”, với rặng san hô cổ đại là mái nhà của 7.000 loài sinh vật biển. Hơn nữa, đây còn là khu vực văn hóa rất linh thiêng của người Hawaii bản xứ.
Hành động mở rộng khu vực bảo tồn của ông Obama đã khiến Công trình tưởng niệm của thiên nhiên này trải rộng ra một diện tích tổng cộng hơn 1.500.000 km vuông, lớn hơn tổng diện tích của toàn bộ công viên tại Mỹ cộng lại.
Như lời Tổng thống Obama nói, việc bảo tồn hệ sinh thái biển phải là “một mối quan tâm chung của cộng đồng". Bên cạnh đạo luật luật cấm đánh bắt cá và khai thác tài nguyên gây nhiều tranh cãi được ban ra, khu vực này vẫn là một ví dụ rất điển hình về cách thế hệ đi trước có thể bảo tồn được những giá trị tốt đẹp nhất cho những thế hệ sau này.
2. Ta đã tìm ra cách biến CO2 thành đá
Nối tiếp thành công của các nhà khoa học Iceland đầu năm nay, các nhà khoa học Mỹ lại làm được điều nhiều người cho rằng là không tưởng: lưu trữ khí CO2 vào đá bazan. Ứng dụng của công nghệ này có thể sẽ giải quyết được một trong những vấn đề nan giải nhất của khí hậu Trái Đất.
Hai năm trước, các nhà khoa học đưa carbon dioxide vào trong đá bazan sản sinh từ dung nham núi lửa. Vài năm sau, khi họ kiểm tra lại những mẫu đá bazan cũ kia, họ khám phá ra rằng lượng CO2 họ bơm vào đã đều chuyển thành một dạng vật chất rắn và ổn định có tên ankerite.
“Những vỉa đá bazan có quy mô lớn này là một trong những cấu trúc địa lý lớn nhất trên hành tinh chúng ta. Chúng trải rộng quanh địa cầu cả trên cạn lẫn dưới nước, và có tại rất nhiều địa điểm quan trọng”, Peter McGrail, người đứng đầu nghiên cứu hồ hởi nói. Ông tin rằng kĩ thuật biến CO2 thành đá này sẽ giúp những nước phát sinh lượng khí thải nhà kính lớn trong quá trình sản xuất công nghiệp.
Cho dù công nghệ này vẫn còn non trẻ, vẫn cần những khoản đầu tư về cả tài chính cũng như chất xám nữa, ta không thể phủ nhận rằng tiềm năng mà nó đem lại là rất lớn. Ta vẫn trên con đường đi tìm một cách thức hiệu quả để cứu lấy Trái Đất, và đây sẽ là viên đá nền móng – cả nghĩa đen và nghĩa bóng – giúp chúng ta có được một tương lai tốt đẹp hơn.
3. Sản xuất được loại túi nilon hữu cơ tan được trong nước
Túi nilon luôn là nỗi ám ảnh bởi khả năng khó phân hủy của chúng. Phải mất tới 10 hay 20 năm, túi nilon mới hoàn toàn biến mất mà nếu sử dụng phương pháp đốt, ta cũng sẽ nhận ngay được hậu quả là loại khí độc dioxin, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người. Đó là con chưa kể tới những nguy hại từ việc túi nilon bọc thực phẩm đem lại.
Ta đã có được những bước đi đầu tiên để giảm thiểu việc sử dụng túi nilon đầy nguy hại, đó là những chiếc túi nilon EnviGreen tới từ Ấn Độ, với khả năng hòa tan được ngay trong nước.
Giá thành của nó dù đắt hơn túi nilon thông thường 35% nhưng giá trị bảo vệ môi trường mà nó đem lại là cực kì lớn, xét tới việc rác thải nhựa đang dần trở thành một vấn nạn nhức nhối toàn cầu, khiến nước Pháp đã phải ban hành lệnh cấm sử dụng loại đồ da dụng độc hại này.
Hi vọng trong tương lai, đây sẽ là loại túi ta sử dụng hàng ngày chứ không phải thứ đồ nhựa độc hại kia.
4. Khí carbon thải vào môi trường giảm – Lượng sử dụng năng lượng tái tạo tăng
Tháng Mười vừa rồi, Cục quản lý điều hành Năng lượng EIA, một cơ quan có nhiệm vụ thu thập và phân tích dữ liệu năng lượng, đã cho chúng ta những tin tức đầy hi vọng. Suốt nửa đầu năm 2016, chỉ số khí thải carbon thải ra môi trường trên đất Mỹ đã thấp như hồi năm 1991, chỉ khoảng 2,53 tỉ tấn.
Theo như EIA trình bày, có nhiều lý do dẫn tới sự giảm thiểu này. Bởi vì thời tiết nóng dần lên, ta không còn những tháng ngày phải liên tục sử dụng thiết bị làm ấm nữa. NASA cũng nói thêm về những ngày nóng bức này, “mỗi một tháng đầu 2016 lại là một kỉ lục tháng nóng nhất nữa trong lịch sử nhiệt độ kỉ lục hiện đại, đã tồn tại từ năm 1880”.
Nhưng có một lý do đáng tự hào đó là lượng khí thải giảm nhờ việc con người đã đẩy mạnh sử dụng năng lượng tái tạo lên thêm 9% so với cùng kì năm ngoái. Đây sẽ là ánh đèn dẫn đường cho công cuộc cứu lấy khí hậu Trái Đất và hơn nữa, đây là ví dụ cụ thể về việc con người sẽ vẫn có thể phát triển với nguồn năng lượng mới hơn, sạch hơn này.
5. Gấu trúc lớn không còn nằm trong diện động vật “bị nguy hiểm”
Danh sách ấy cứ càng ngắn thì chúng ta lại càng mừng, dù là loài gấu trúc lớn này được thăng cấp từ diện “bị nguy hiểm” sang cấp “dễ bị tổn thương”. Nhờ những chương trình bảo tồn loài động vật quý hiếm, đặc biệt là tại Trung Quốc, số lượng cá thể của gấu trúc lớn đã tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, gấu trúc cũng chỉ là một loài trong danh sách những động vật đang gặp nguy hiểm dài dằng dặc. Đây mới chỉ là một bước tiến rất nhỏ, ta còn cần nhiều hơn nữa những thành công như vậy để có thể biến Trái Đất này thành một ngôi nhà xanh – sạch - đẹp không chỉ cho con người mà còn cho toàn bộ thế giới động vật.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"