Neurotechnology (tạm dịch: Công nghệ thần kinh) có thể biến những ước mơ khoa học viễn tưởng trở thành hiện thực. Tuy nhiên, ông Miguel Nicolelis, một nhà tiên phong trong lĩnh vực này muốn chúng ta luôn thận trọng trước những gì công nghệ này có thể đem lại.
Bài viết là lời của ông Miguel Nicolelis, giáo sư sinh học thần kinh tại khoa Y học thuộc trường Đại học Duke, Mỹ, được đăng tải trên Wall Street Journal. VnReview xin phép được dịch lại nguyên văn.
Vào ngày 12/6/2014, một thanh niên tên Juliano Pinto đã đứng trên sân bóng, trước sự chứng kiến của hơn 1,2 tỷ người, đã thực hiện cú sút khai mạc kì World Cup tại São Paulo, Brazil. Đường chuyền không có gì đặc biệt, ngoại trừ việc Juliano đã bị liệt từ thắt lưng trở xuống trong gần một thập kỷ. Nhờ một bộ xương bằng máy (robot) mà anh có thể điều khiển bằng bộ não của mình, anh đã có thể đá quả bóng đi xa vài mét.
Khoảnh khắc đó chính là đỉnh cao, là thành quả của quá trình nghiên cứu trong suốt hai thập kỷ về công nghệ giao diện não-máy tính (brain-machine interface), một lĩnh vực nghiên cứu mà tôi và các đồng nghiệp tại Đại học Duke đã là những người tiên phong. Các thí nghiệm ban đầu của chúng tôi bao gồm việc cho phép chuột và khỉ điều khiển cần gạt, robot bằng suy nghĩ của chúng.
Tôi và các đồng nghiệp tin rằng chúng tôi có thể áp dụng những gì chúng ta đã học được về sự giãn nở thần kinh (neuroplasticity) – khả năng thay đổi của não bộ theo thời gian – vào một loạt các bệnh liên quan tới thần kinh, như Parkinson, động kinh, đột quỵ, bại não và thậm chí là cả chứng tự kỉ. Các nhà khoa học từ các phòng thí nghiệm tại Thung lũng Silicon cũng đang nghiên cứu hai ý tưởng được hình thành từ phòng thí nghiệm của tôi: kết nối các bộ não với nhau để hình thành một mạng lưới, hay còn gọi là brainet, và phát triển một phương thức liên lạc cho phép con người có thể truyền các thông điệp cho nhau trực tiếp từ não bộ tới não bộ.
Nhưng tạo ra một brainet – thứ tưởng chừng như lấy ra từ phim khoa học viễn tưởng – không phải là không có rủi ro. Một khi các bộ não được liên kết với nhau thành một hệ thống, chúng sẽ trở thành mục tiêu của các hacker, và những suy nghĩ, hành động của những người có trong hệ thống sẽ bị theo dõi và thao túng. Trên thực tế, điều này đã được chứng minh là hoàn toàn khả thi.
Năm 2013, hai nhà khoa học máy tính tại Đại học Washington đã ngồi trong hai phòng riêng biệt, đội những chiếc mũ có khả năng liên kết não bộ của họ với nhau qua mạng internet. Cả hai người sẽ hợp tác với nhau để chơi trò chơi bắn súng. Nhà hoa học A có tay cầm điều khiển nhưng sẽ không nhìn thấy màn hình, còn nhà khoa học B ngồi trước màn hình nhưng không có tay cầm điều khiển. Mỗi lần nhà khoa học B muốn bắn, anh sẽ tưởng tượng ra hoạt động đó, và ngón tay của nhà khoa học A sẽ phản xạ một cách vô điều kiện và khai hỏa.
Thí nghiệm của trường Đại học Washington
Hãy thử tưởng tượng nếu vũ khí đó là có thật – một viễn cảnh không hề viển vông một chút nào – mọi chuyện sẽ ra sao, khi việc áp dụng công nghệ giao diện não-máy tính trở nên nguy hiểm không khác gì vũ khí hóa học và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác.
Ngoài ra, việc "liên minh" não và máy móc lại với nhau còn để lại một hệ quả to lớn nữa, dù không trầm trọng bằng vũ khí hủy diệt. Máy tính không biết đổi mới, không có trực cảm và không tạo ra những khám phá mới. Đó là những công việc mà ít ra, cho đến nay, chỉ có con người làm được. Não bộ thay đổi và có tính thích nghi, và thật trớ trêu khi đó chính là những tố chất dẫn đến sự diệt vong của chúng. Khi kết nối với máy tính, não có thể thích nghi gần như ngay lập tức, tiếp thu những đặc điểm của cỗ máy và bắt chước quá trình đưa ra quyết định mang tính nhị phân (chỉ có đúng hoặc sai) của nó.
Bộ não của chúng ta thậm chí không cần một kết nối trực tiếp để thực hiện công việc này. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu mọi người biết một thông tin nhất định có tồn tại trên internet, họ sẽ dần quên nó đi – bao gồm cả địa chỉ và số điện thoại của họ. Điều này nghe có vẻ bình thường, nhưng nó là triệu chứng của một vấn đề đã gây nhiều tổn hại tới cuộc sống ở thời điểm hiện tại. Khi các chuyên gia, từ các nhà nghiên cứu xạ trị đến phi công, dựa vào các hệ thống kĩ thuật số, khả năng thực hiện công việc của họ sẽ bị giảm đi.
Trong năm 2011, báo cáo của Cục Quản lý Hàng không Liên bang cho biết, "nghiện tự động hóa" đã dẫn tới 51 vụ tai nạn trong vòng 5 năm được thống kê, khiến hàng trăm người chết. Những tố chất làm nên con người – tình cảm, trực giác, sự sáng tạo, khả năng ứng biến, thẩm mỹ và những kỹ năng sống – sẽ có thể bị mài mòn và biến mất nếu như não bộ cố gắng sao chép hành vi của máy móc.
Bài học nghịch lý mà tôi đã học được trong gần 30 năm giải quyết các vấn đề với công nghệ là: Công nghệ sẽ không thể giải quyết được toàn bộ các vấn đề của chúng ta. Não bộ con người nên có được sự "tôn kính", như là một cái gì đó vô cùng tinh tế và độc nhất. Chúng ta cần phải suy nghĩ lại vai trò của các hệ thống kỹ thuật số trong giáo dục và đảm bảo rằng con người – chứ không phải máy móc, hay "liên minh" người-máy – kiểm soát quá trình sáng tạo và đưa ra quyết định với nghệ thuật, khoa học, chính trị và tất cả những điều tạo nên con người chúng ta ngày nay. Công nghệ số sẽ không bao giờ vượt qua được những gì mà não bộ có thể làm – nhưng nó lại có thể định hình chúng, và đó là mối nguy lớn nhất.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"