Nếu bạn không thể ngủ ngon khi ở chỗ lạ thì đây là lý do tại sao

    Minh Đức,  

    Chắc hẳn bạn đã từng tỉnh dậy giữa đêm ở một khách sạn hay thao thức khi ngủ tại nhà người quen. Vậy nguyên nhân đằng sau đó là gì?

    Nhiều người trong chúng ta cảm thấy rất khó ngủ ở những nơi xa lạ như khách sạn hay nhà bạn bè trong lần đầu tiên. Kể cả khi chúng ta đã chìm vào giấc ngủ, những lúc trở mình và giật mình giữa đêm là không thể tránh khỏi. Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng một phần bán cầu não vẫn hoạt động trong khi chúng ta ngủ lần đầu tiên tại một nơi xa lạ. Nguyên nhân chính cho hoạt động này là giúp cơ thể chúng ta sẵn sàng với bất cứ vấn đề gì có thể xảy ra giữa đêm.

    Đây là một hiện tượng được các nhà khoa học gọi với cái tên "hiệu ứng đêm đầu tiên". Một nghiên cứu hình thái não bởi nhóm nghiên cứu trường đại học Brown đã tiết lộ rằng, trong điều kiện "đêm đầu tiên", một bán cầu não vẫn hoạt động. "Tình trạng một bên não thức, một bên não "ngủ" giúp chúng ta kiểm soát những vấn đề có thể xảy ra trong môi trường không quen thuộc", đồng tác giả của nghiên cứu Masako Tamaki chia sẻ với Gizmodo. Báo cáo này đã được công bố trên tờ Current Biology.

    Khi bạn ở một nơi xa lạ, một bên não của bạn vẫn sẽ hoạt động khi bạn ngủ
    Khi bạn ở một nơi xa lạ, một bên não của bạn vẫn sẽ hoạt động khi bạn ngủ

    Ở một vài loại động vật biển và chim cũng diễn ra tình trạng tương tự. Với cá heo và cá voi, một phần bán cầu não sẽ ngừng hoạt động trong khi ngủ trong khi phần còn lại vẫn tiếp tục hoạt động. Cơ chế này cho phép cá heo có thể ngủ và nổi lên mặt nước khi cần thiết để hít thở. Các loài chim cũng có cơ chế như vậy khi di cư trên quãng đường dài. Do đó, chúng vẫn có thể ngủ và định vị được đường đi. Não của người tuy không có thể thực hiện các chức năng chính xác như các loại vật nhưng nghiên cứu mới cũng cho thấy rằng, bộ não cũng có khả năng hoạt động với cơ chế tương tự.

    Các nhà khoa học nghiên cứu giấc ngủ không còn xa lạ gì với khái niệm "hiệu ứng đêm đầu tiên". Khi tiến hành các thí nghiệm, họ thường bỏ qua các số liệu thu thập được trong đềm đầu tiên. Thậm chí, họ còn gọi nó bằng cái tên "đêm thích ứng". Trong một nỗ lực giúp hiểu hơn về các yếu tố thần kinh đằng sau những giấc ngủ không ngon giấc, các nhà nghiên cứu từ trường Brown đã tiến hành nghiên cứu não của 35 tình nguyện viên.

    Họ nhận ra rằng trong đêm đầu tiên, phần bán cầu não trái hoạt động tích cực hơn bán cầu não phải và nó thường diễn ra trong giấc ngủ "sóng chậm" - giai đoạn sâu nhất của giấc ngủ với đôi mắt bất động (non - REM sleep).

    "Giấc ngủ sóng chậm là giấc ngủ sâu nhất. Do đó, rất khó để có thể đánh thức người đang ngủ dậy từ giấc ngủ sóng chậm", Tamaki chia sẻ. "Điều đó có nghĩa là con người trở nên dễ bị tổn thương hơn trong giấc ngủ sóng chậm. Đó là lí do chúng ta thấy tính không cân đối của bán cầu não trong giai đoạn trên của giấc ngủ".

    Các nhà nghiên cứu không quan sát sự đối xứng não trong các giai đoạn ngủ sau đó. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng xác định được vùng trong bán cầu não trái có tên gọi "mạng chế độ mặc định". Lý do tại sao khu vực này vẫn hoạt động khi ngủ là một điều mà các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra câu trả lời.

    "Mạng lưới này vẫn hoạt động trong khi chúng ta ngủ. Do đó, nó vận hành như "người canh gác đêm" cho cơ thể", Tamaki chia sẻ.

    Bán cầu não với giấc ngủ không sâu cũng nhạy cảm hơn với âm thanh. Khi nhóm nghiên cứu phát nhũng âm thanh ngắt quãng vào tai phải (nhờ đó giúp kích thích bán cầu não trái), nó khiến người tham gia dễ tỉnh giấc hơn. Hơn nữa, họ tỉnh giấc nhanh và tỉnh táo hơn nếu âm thanh được chơi từ phía tai còn lại.

     Nhiều phương pháp thí nghiệm đã được đưa ra để kiểm chứng về hiệu ứng đêm đầu tiên của não bộ

    Nhiều phương pháp thí nghiệm đã được đưa ra để kiểm chứng về "hiệu ứng đêm đầu tiên" của não bộ

    Những quan sát trên có ý nghĩa với công việc nghiên cứu, cụ thể hơn là từ khía cạnh tiến hóa. Hiệu ứng đêm đầu tiên là một trong những đặc điểm giúp bảo vệ tổ tiên của chúng ta và đã được truyền lại cho các thế hệ sau này. Việc ngủ đôi khi có thể khiến chúng ta gặp nguy hiểm, nhưng nó rất cần thiết cho sức khỏe và não bộ của con người. Khi chúng ta ngủ, não bộ sẽ tổng hợp lại ký ức và giúp ích cho hệ thống thần kinh của con người.

    Có lẽ chúng ta sẽ phải sống chung với "hiệu ứng đêm đầu tiên" cả cuộc đời. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng có phương pháp để đối mặt với nó. "Bạn có thể mang những thứ đồ đạc quen thuộc của mình tới nơi mới, ví dụ như một chiếc gối", Tamaki nói. "Bạn cũng chớ nên quá lo lắng vì tình trạng đó sẽ làm não bộ của bạn hoạt động. Nếu có một cuộc gặp hay chuyện quan trọng tại một nơi mới, bạn nên tới đó trước ít nhất hai ngày để có một giấc ngủ ngon hơn vào đêm trước sự kiện quan trọng".

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ