Nếu Tim Cook hạ giá iPhone, đó sẽ là tin rất buồn cho toàn bộ Android

    Lê Hoàng,  

    Nếu iPhone trên toàn cầu (và đặc biệt là tại Ấn Độ) được giảm giá cho ngang bằng với iPhone tại Mỹ, Apple sẽ gỡ bỏ được tất cả những trở ngại để chiếm ngôi vương của phân khúc tầm cao và tầm trung. Smartphone Android bởi vậy sẽ bị trói ở phân khúc tầm thấp đang ngày một khắc nghiệt hơn.

    Trong một cuộc phỏng vấn mới đây tại Ấn Độ, Tim Cook đã thừa nhận với người dân tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới rằng giá của iPhone đang ở mức quá đắt đỏ, cao hơn 31% so với giá tại Mỹ trong khi các tính năng phần mềm lại không hữu dụng bằng. “Chúng tôi sẽ tìm cách hạ giá tới mức có thể” là lời hứa của CEO Apple.

    Tim Cook không hề hứa sẽ hạ giá iPhone trên khắp thế giới, mà chỉ hứa sẽ giảm giá iPhone tại Ấn Độ cho ngang bằng mức giá tại Mỹ. Nhưng lời hứa đó, nếu trở thành hiện thực, vẫn sẽ là một vấn đề lớn với toàn bộ các nhà sản xuất Android.

    Bài học Trung Quốc

    Những con số sụt giảm thảm hại của Samsung, Apple, Lenovo và Xiaomi gần đây đã cho thấy một sự thật quan trọng: trong suốt 3 năm vừa qua, Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất thế giới của ngành sản xuất smartphone. Nói cách khác, không phải các thị trường màu mỡ có mức sống cao như Mỹ, Nhật, Châu Âu, một quốc gia có nền kinh tế đang phát triển mới là chìa khóa để các hãng sản xuất điện thoại được báo giới tung hô, được các nhà đầu tư tin tưởng.

    Lý do không có gì khó hiểu: trong khi các quốc gia giàu có vẫn là một nguồn thu quan trọng, nguồn thu và nhịp mua mới smartphone tại các nước này đều đã ổn định, hoặc tệ hơn là suy giảm dần dần. Các con số tăng trưởng siêu ấn tượng sẽ chỉ đến từ các thị trường nơi smartphone vẫn còn là các mặt hàng xa xỉ (lý giải cho tốc độ tăng trưởng “khủng” từ Samsung và các tên tuổi cũ khác như Lenovo, ZTE, Huawei trong vài năm trước), hoặc smartphone cấp thấp vẫn còn quá phổ biến (lý giải vì sao Trung Quốc trở thành nguồn sống của iPhone trong vòng 3 năm qua).

    Nhưng đến nay, thị trường Trung Quốc đã bão hòa, ai có thể mua được smartphone đều đã có smartphone. Tàng lớp trung lưu tại đây cũng đã hết tiềm năng khai thác khi iPhone trở thành một mặt hàng không còn quá xa lạ.

    Vấn đề lớn nhất của các nhà sản xuất, bất kể là cao cấp hay cấp thấp, là phải tìm ra một thị trường có tiềm năng tương tự để thay thế cho Trung Quốc. Đâu là nền kinh tế cũng phát triển đông dân, cũng đang phát triển nóng và cũng “cuồng công nghệ”?

    Rõ ràng câu trả lời là Ấn Độ. Quốc gia này sẽ thế chỗ Trung Quốc để trở thành thị trường trọng điểm cho các nhà sản xuất smartphone. Tiếp đó là Indonesia, Philippines, các thị trường Trung Đông, Nam Mỹ v…v…, tất cả đều mang tiềm năng để trở thành chìa khóa tăng trưởng của ngành sản xuất smartphone. Ai thắng tại các thị trường mới mẻ này, người đó sẽ thắng cả cuộc chiến smartphone của tương lai.

    Nếu chỉ dừng ở góc độ tiềm năng, Ấn Độ sẽ là một thị trường trọng điểm cho cả các nhà sản xuất có tham gia vào phân khúc giá rẻ lẫn Apple – một công ty vốn luôn luôn vỗ ngực tự hào “chỉ chạy theo chất lượng, không quan tâm đến giá bán”. Nhưng, sự khác biệt khiến cho Xiaomi, Huawei, OPPO phải lo ngại về tương lai tại Ấn Độ còn Apple thì không (sau khi hãng này giảm giá hiện tại) là ở chỗ chiến trường cấp thấp tại đây đã quá chật hẹp với sự góp mặt của cả các tên tuổi nội địa lẫn các hãng Trung Quốc hùng mạnh.

    Bạn sẽ nâng cấp

    Bất cứ một loại thiết bị số nào cũng đều trải qua 2 giai đoạn: 1, người tiêu dùng ồ ạt mua mới và 2, người tiêu dùng chuyển sang nâng cấp. Chặn trước ở phân khúc tầm trung thực chất là đón đầu thị trường khi Xiaomi, OPPO và Micromax chuẩn bị bước sang giai đoạn khủng hoảng tất yếu vì thị trường cấp thấp nay đã quá khắc nghiệt.

    Thiết bị nào bão hòa rồi cũng sẽ dịch chuyển dần lên cao cấp.
    Thiết bị nào bão hòa rồi cũng sẽ dịch chuyển dần lên cao cấp.

    Vậy lời hứa giảm giá có ý nghĩa gì với vị thế của Apple đang trên những thị trường mang tính quyết định như Ấn Độ? Cũng giống như bất kỳ một thị trường nào khác, tại đây Apple kiên quyết nói không với phân khúc tầm thấp vốn đã quá chật hẹp. Do đó, những nỗ lực giảm giá (nếu được thực hiện) của Apple sẽ giúp hãng này tiến sâu hơn về phía tầm trung chứ không phải là giá rẻ. Apple đang bỏ mặc cho các hãng Trung Quốc và nội địa Ấn Độ đánh nhau trên phân khúc giá vừa khắc nghiệt, vừa chẳng sinh lời. Riêng mình Tim Cook đang tiến vào phân khúc tầm trung và tầm cao đang bị bỏ ngỏ gần như hoàn toàn tại Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển khác.

    Đáng tiếc rằng Apple lại gặp phải một vấn đề khá ngược đời khi tiến vào các phân khúc thị trường màu mỡ. Giá khởi điểm của iPhone SE tại Ấn Độ (khoảng 580 USD) đang rất gần với mức giá dành cho phân khúc smartphone cao cấp tại Mỹ (600 USD). Như vậy, có thể nói rằng Apple đang hoàn toàn vắng mặt trên phân khúc tầm trung tại quốc gia đông dân này dù đã ra mắt một sản phẩm có trọng tâm rõ ràng là tầm trung.

    Khi thực hiện giảm giá bán iPhone SE (và các thế hệ kế tiếp) xuống mức ngang bằng Mỹ thì Tim Cook mới thực sự tiếp cận được với người dùng tại Ấn Độ. Đây là bước đi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các nền kinh tế hiện còn thua kém Trung Quốc rõ rệt, bởi ở các quốc gia giàu có, bao gồm cả Trung Quốc, Apple chỉ cần chặn sẵn ở phân khúc cao cấp là đã ăn hết lợi nhuận của cả ngành sản xuất smartphone. Tại các thị trường vẫn còn quá non trẻ như Ấn Độ và Indonesia, Apple cần phải có một sản phẩm bước đệm ở tầm trung. iPhone SE đã ra đời để làm bước đệm đó, nhưng chiếc iPhone này đang bị xếp ở mức giá nằm ngoài mục tiêu ra đời của mình.

    Giờ là lúc iPhone SE thực hiện sứ mệnh của mình.
    Giờ là lúc iPhone SE thực hiện sứ mệnh của mình.

    Giảm giá iPhone SE sẽ là một miếng đòn rất đau với các nhà sản xuất Android, những người hiểu rõ hơn bao giờ hết rằng thị trường giá rẻ của thời đại Xiaomi là một thị trường cắt cổ. Hãy nhớ rằng Xiaomi đang bị giới đầu tư xếp trong diện “bị quan ngại về tương lai”, nhiều hãng Trung Quốc khác chết tức tưởi vì cố gắng copy công thức "giá rẻ, cấu hình cao" còn những lão làng khôn ngoan như Samsung và Huawei thì kiên quyết không đặt cược tất cả vào phân khúc giá thấp. Với người dùng phổ thông, một chiếc iPhone 400 đô hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng lớn tới những chiếc Xiaomi, OnePlus hoặc OPPO giá đắt nhất (và do đó sinh lời nhiều nhất cho các hãng này).

    SE rồi đến 7s

    Nếu Tim Cook giữ lời, phân khúc tầm trung sẽ chứng kiến sự hiện diện mạnh mẽ hơn của Apple. Đây sẽ là chìa khóa cốt lõi để giải quyết bài toán kinh doanh lâu bền, bởi các iFan luôn có mức độ trung thành cao tuyệt đối so với các hãng khác. Ngay cả Samsung đạt mức độ ngang ngửa cũng bởi duy nhất những chiếc Galaxy S và Galaxy Note được người tiêu dùng phổ thông coi là cùng một “đẳng cấp” với iPhone.

    Nói cách khác, mở đường cho iPhone SE là mở đường cho iPhone 7s, iPhone 8 Pro v…v… Và mở đường cho iPhone 7s cũng đồng nghĩa với chặn đường của Galaxy S8, Galaxy S Note 10 hay LG G7 – những mẫu smartphone cao cấp mà các nhà sản xuất Android chắc chắn sẽ muốn bán ra tại Ấn Độ, Indonesia và Brazil trong tương lai.

    Đón đầu từ tầm trung là cần thiết để thu phục người dùng ở lại vĩnh viễn với smartphone cao cấp của Táo.
    Đón đầu từ tầm trung là cần thiết để thu phục người dùng ở lại vĩnh viễn với smartphone cao cấp của Táo.

    Nhìn về lâu về dài, quyết định giảm giá cho iPhone tại Ấn Độ là một đòn đánh gián tiếp vào phân khúc cao cấp của Android.

    Cởi trói cho thương hiệu

    Ở cuối bậc thang, iPhone cũng chưa chinh phục được hoàn toàn phân khúc cao nhất của thị trường smartphone tại các quốc gia đang phát triển.

    Hãy nhớ lại rằng quyết định tập trung vào sản phẩm giá cao của Apple là một chiến lược đặc biệt thông minh. Tại các thị trường khác, ví dụ như Mỹ, việc gắn liền thương hiệu với phân khúc cao cấp phổ thông thực chất sẽ đem lại lợi ích lớn: mức giá cao sẽ giúp cho thương hiệu gắn liền với các khái niệm “đẳng cấp” mà người dùng luôn thèm muốn.

    Phép so sánh với Vertu hay Porsche ở đây là hoàn toàn vô nghĩa, bởi ở mức giá 650 USD, bởi chiếc iPhone luôn được đông đảo người tiêu dùng coi là lựa chọn tốt nhất trong số những chiếc smartphone họ có thể mua, những chiếc smartphone có thể được đưa vào kế hoạch mua sắm của họ. Thị trường Trung Quốc đã chứng minh rằng, nguồn sống của iPhone là những người có kinh tế ổn định, không cần phải đặc biệt giàu có, hay nói cách khác là từ tầng lớp trung lưu trở lên.

    Tim Cook và thủ tướng Ấn Độ Modi.
    Tim Cook và thủ tướng Ấn Độ Modi.

    Nhưng khi giá iPhone bị đội thêm tới 300 USD tại Ấn Độ, chiếc smartphone của Táo cũng mất đi phần nhiều khả năng tiếp cận với nhóm người dùng vốn là “nguồn sống” tại các thị trường khác. Mối quan hệ khéo léo giữa giá cả và hình ảnh thương hiệu được Apple áp dụng sẽ mất đi hoàn toàn ý nghĩa. Bạn khó có thể nói chiếc iPhone là minh chứng cho “đẳng cấp” của bạn khi chẳng thu thêm được lợi ích gì mà lại phải bỏ khoản tiền cao gấp rưỡi so với các thị trường khác để mua iPhone– nghe không giống một người tiêu dùng thông thái cho lắm. Giảm giá bán cho các đời iPhone mới nhất, cao cấp nhất không chỉ mở đường cho thêm nhiều người dùng trung lưu có thể tiếp cận với iPhone mà còn giúp hoàn thiện thương hiệu Táo tại Ấn Độ.

    Người dùng tại đây có thể gạch tên những chiếc smartphone Android khỏi mơ ước lâu dài của mình mà không cần lăn tăn gì cả. Giảm giá cho iPhone là sự đảm bảo vững chắc nhất cho Apple rằng những chiếc smartphone mác Táo sẽ thống trị phân khúc cao cấp, dù là tại Tây Âu hay tại các quốc gia đang phát triển. Android sẽ bị trói ở phân khúc giá thấp, nơi sự cạnh tranh ngày một khắc nghiệt và lợi nhuận ngày càng suy giảm.

    Chưa ai biết Tim Cook có giữ lời hay không. Nhưng nếu quả thật Apple có thể đưa iPhone xuống mức giá hợp lý hơn, chiếc smartphone mác Táo sẽ tạo ra ảnh hưởng vô cùng rộng khắp về lâu về dài. Cuộc đấu smartphone của những năm tới sẽ khắc nghiệt hơn rất nhiều so với những năm vừa qua. Hãy chờ xem những quyết định của Cook có giúp cho iPhone nhân rộng vị thế của mình tại Mỹ và Trung Quốc ra cả thế giới hay không.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ