New Delhi cấm nhập khẩu máy tính xách tay nhằm thúc đẩy chiến lược “Sản xuất tại Ấn Độ”

    Quỳnh Chi, VTV 

    Biện pháp cấm nhập khẩu máy tính xách tay được đưa ra khi Ấn Độ nỗ lực thúc đẩy sản xuất điện tử trong nước và giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

    Chính phủ Ấn Độ hôm 3/8 đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu máy tính xách tay, máy tính bảng PC và các thiết bị điện tử tiêu dùng khác. Động thái này được cho là nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và đặc biệt nhắm vào Trung Quốc, nơi xuất xứ của 75% hàng nhập khẩu công nghệ của Ấn Độ với trị giá 5,33 tỷ USD trong năm 2022 - 2023, trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa hai cường quốc kinh tế châu Á trở nên lạnh nhạt.

    Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ hôm 3/8 tuyên bố, lệnh hạn chế nhập khẩu trên có hiệu lực ngay lập tức, việc nhập khẩu 7 loại HSN (Hệ thống mã HS, còn được gọi là Hệ thống mã hóa và mô tả hàng hóa hài hòa) hiện đang bị chặn, ngoại trừ có giấy phép đặc biệt. Các quy tắc mới không áp dụng cho hành khách mang theo "thiết bị bị hạn chế" được mua ở nước ngoài.

    Lệnh cấm nhập khẩu cho phép một số miễn trừ đối với R&D, thử nghiệm, định chuẩn, sửa chữa và tái xuất, cũng như phát triển sản phẩm. Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ tuyên bố. các thiết bị được miễn trừ có thể không được bán trên thị trường mở và "sau mục đích sử dụng đã định, các sản phẩm sẽ bị tiêu hủy không thể sử dụng hoặc tái xuất".

    New Delhi cấm nhập khẩu máy tính xách tay nhằm thúc đẩy chiến lược “Sản xuất tại Ấn Độ” - Ảnh 1.

    (Ảnh: Getty Images)

    Theo một bài báo trên tờ The Indian Express, quyết định chính sách mới nhất được coi là sự thúc đẩy trực tiếp đối với chương trình khuyến khích liên kết sản xuất của New Delhi đối với phần cứng công nghệ thông tin. Chính phủ Ấn Độ đã công bố kế hoạch "Make in India" (“Sản xuất tại Ấn Độ”) trị giá 2 tỷ USD vào tháng 5, được nâng cấp từ sáng kiến trị giá 892 triệu USD vào năm 2021, cả hai đều nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước các mặt hàng như máy tính xách tay, máy tính cá nhân, máy chủ và phần cứng máy tính khác.

    Pankaj Mohindroo, Chủ tịch Hiệp hội Điện tử và Di động Ấn Độ, cơ quan công nghiệp hàng đầu bao gồm các nhà sản xuất, chủ sở hữu thương hiệu, nhà cung cấp công nghệ, nhà phân phối và nhà bán lẻ, đã hoan nghênh thông báo này. Ông đồng thời ca ngợi mục tiêu "đảm bảo quyền truy cập kỹ thuật số cho số lượng công dân kỹ thuật số đang phát triển trong nước", điều này sẽ giúp "kinh doanh dễ dàng hơn".

    Vào năm 2020, New Delhi đã hạn chế nhập khẩu nhiều loại ti vi màu khác nhau, bao gồm cả màn hình LCD, như một phần trong chiến dịch "Atmanirbhar Bharat" (Ấn Độ tự lực) của Thủ tướng Narendra Modi.

    Dữ liệu chính thức vào thời điểm đó cho thấy, ngành công nghiệp truyền hình của Ấn Độ đạt khoảng 2 tỷ USD, trong đó 36% là từ các nước Đông Nam Á và Trung Quốc. Về phần cứng công nghệ thông tin, Dell và HP là một trong những công ty lớn đã có cơ sở sản xuất ở Ấn Độ.

    Hiện New Delhi mong muốn mở rộng hơn nữa chương trình "Sản xuất tại Ấn Độ" bằng cách thu hút thêm nhiều "gã khổng lồ" điện tử như Apple và Samsung, qua đó giúp Ấn Độ nổi lên như một trung tâm sản xuất điện tử toàn cầu. Hiện tại, giá trị của lĩnh vực này ước tính khoảng 140 tỷ USD, trong đó sản xuất trong nước chiếm 62%, theo Invest India.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ