Ngành công nghiệp đường lại lợi dụng khoa học lừa dối chúng ta, nhưng lần này vừa làm đã lộ
Hơn 50 năm qua, họ vẫn một bài cũ.
Trong một vài thập kỷ trở lại đây, các nghiên cứu khoa học về tác hại của việc ăn quá nhiều đường đã chất cao như núi. Nhưng đó chỉ là một ngọn núi được xếp lên bởi những lá bài giấy. Các nghiên cứu có chất lượng thấp và lời kết luận của chúng thì không có trọng lượng.
Mọi hướng dẫn chế độ ăn uống trên toàn thế giới thì đều dựa trên những nghiên cứu này. Các chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ lúc nào cũng khuyến cáo mọi người cắt giảm đồ ngọt và nước uống có đường. Nhưng hóa ra, đó lại là những lời khuyên không đúng và không thể tin cậy được.
Bạn có bị sốc khi đọc những dòng này? Thực ra, đó là tuyên bố táo bạo trong một nghiên cứu đánh giá tổng quát, đăng trên tạp chí khoa học có uy tín. Nghe thì rất đáng tin nhưng hãy khoan.
Tác giả chính của nghiên cứu này là một thành viên trong hội đồng tư vấn khoa học của Tate & Lyle, một trong những nhà sản xuất xi-rô ngô hàm lượng cao fructose (HFCS) lớn nhất thế giới. Trong trường hợp bạn chưa biết, HFCS là một trong những loại chất ngọt nhân tạo cực kì độc hại.
Bản thân nghiên cứu này cũng có vấn đề, các nhà khoa học phản biện rằng phương pháp nó sử dụng rất đáng nghi, kết luận dựa trên những đánh giá chủ quan của tác giả, và tiền tài trợ cho nghiên cứu thì lại đến chính từ ngành công nghiệp sản xuất đường.
Ngành công nghiệp đường lại lợi dụng khoa học lừa dối chúng ta, nhưng lần này vừa làm đã lộ
Ngay khi bài báo mang tính thiên vị này được công bố, nó đã nhận được rất nhiều chỉ trích từ phía các chuyên gia y tế và nhiều nhà nghiên cứu.
“Mặc dù việc rà soát lại các hướng dẫn chế độ ăn sẽ vẫn được thực hiện, nhưng chúng tôi tin rằng bài báo nghiên cứu này là một ví dụ cụ thể của 'chính trị hóa khoa học'”, Dean Schillinger và Cristin Keatns, hai chuyên gia y tế và nhà khoa học đến từ Đại học California và San Francisco viết trong một bài xã luận của họ.
“Chính trị hóa xảy ra khi ai đó cố tình làm nổi bật thái quá sự không chắc chắn vốn có của khoa học, để tạo ra sự nghi ngờ về sự đồng thuận khoa học”. Đó là một sự phá hoại khoa học, bởi tính đồng thuận trong khoa học gần như làm nên tất cả những niềm tin của chúng ta về thế giới thực tế.
Một nghiên cứu có thể phản biện một cách khách quan những gì mà chúng ta đã đồng thuận, nhưng nếu nó dựa trên chủ quan để tạo ra sự nghi ngờ tính đồng thuận, nó là hoạt động phá hoại.
Phải nhắc lại, đây không phải lần đầu tiên mà ngành công nghiệp thực phẩm cố gắng nhiễu loạn hay mua chuộc hoạt động khoa học. Trong những năm 1960, chính ngành công nghiệp đường đã bí mật hối lộ một số nhà khoa học Harvard, để hạ thấp sự chú ý của công chúng đối với đường và nguy cơ mắc bệnh tim. Nó đã tạo ra những hướng dẫn chế độ ăn sai lầm được áp dụng trong hàng thập kỷ, và để lại rất nhiều hệ lụy cho tới tận ngày hôm nay.
Sự tương tự cũng được thực hiện bởi ngành công nghiệp thuốc lá. Trong một thời gian dài, họ cũng liên tục tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu nhằm đánh lạc hướng tác hại của khói thuốc, đổ lỗi cho các hóa chất trong nhà hay trong xe ô tô đang gây ra vấn đề sức khỏe.
Ngành công nghiệp đường có tiền sử thao túng khoa học để lừa dối trong hàng thập kỷ qua
May mắn là ngày nay, với sự phát triển của cộng đồng khoa học, báo chí và cả truyền thông xã hội, chúng ta có thể giám sát chặt chẽ hơn tới các hoạt động khoa học để phát hiện nếu có sự thao túng. Tuy nhiên, có một điều khó hiểu là ngành công nghiệp đường vẫn ngoan cố sử dụng thủ đoạn cũ của họ, bất chấp mọi thứ.
Bài báo tổng quan mà chúng ta đang nói đến được đăng trên tạp chí Annals of Internal Medicine. Hãy xem ai là người đứng sau tài trợ cho nó: Viện International Life Sciences (ILSI), hậu thuẫn bởi Coca-cola, Dr Pepper Snapple Group, Hershey, Mars, Nestlé USA, PepsiCo, Tate & Lyle, the Kraft Heinz Company, Unilever… Đa phần các công ty này đều bán đường trong sản phẩm của họ.
Một trong các tác giả chính của bài báo là Joanne Slavin, một nhà khoa học thực phẩm và dinh dưỡng tại Đại học Minnesota. Nhưng ông cũng đồng thời là cố vấn, dĩ nhiên cố vấn có tiền công, cho nhà sản xuất chất ngọt nhân tạo HFCS Tate & Lyle.
Cùng với một số đồng nghiệp, trong đó có Bradley Johnston từ Đại học McMaster, Slavin đã cố gắng đánh đổ các hướng dẫn chế độ ăn của nhiều tổ chức y tế khác nhau, bao gồm cả hướng dẫn chế độ ăn của chính phủ Hoa Kỳ, Anh và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Động cơ rõ rệt của họ “có thể dẫn đến sự nhầm lẫn, và tăng mối nghi ngờ không đáng có về các hướng dẫn chế độ ăn”. Điều này sẽ gây hậu quả cực kì nghiêm trọng, nếu các nghiên cứu đạt được mục đích của họ.
Từ năm 1995 tới năm 2016, có tất cả 9 hướng dẫn, 12 khuyến nghị về tiêu thụ đường. Tất cả các hướng dẫn đều khuyến khích người dân nên hạn chế và cắt giảm đường khỏi chế độ ăn. Nó sẽ đem lại những lợi ích như giảm cân, ngừa sâu răng và cho bạn nhiều lựa chọn dinh dưỡng hơn là chỉ ăn no các loại thực phẩm có hại.
Các hướng dẫn ra đời trong vòng hơn 20 năm nói rằng lượng giới hạn lượng đường phụ gia chỉ nên dao động từ 5-25% tổng calo tiêu thụ hàng ngày. Ba hướng dẫn gần đây nhất của chính phủ Hoa Kỳ, Anh và WHO đồng thuận con số bây giờ phải dưới 10 và 5%.
Đáng chú ý, khuyến nghị về giới hạn cao nhất 25% được đưa ra vào năm 2002, nó lại được tài trợ một phần bởi chính Viện International Life Sciences.
Bài báo cố gắng lờ đi tác hại của đường, nhằm khiến chúng ta ăn nhiều hơn
Trong bài tổng quan mới công bố, Slavin và Johnston đã tự ý chọn lọc đối tượng một cách rất chủ quan. Sau đó, họ lập nên một hệ thống đánh giá vô giá trị để tái phân loại các hướng dẫn của WHO. Bằng cách này, hai nhà khoa học có thể tung ra công chúng một thông tin nhằm hạ thấp uy tín của hướng dẫn chế độ ăn hiện tại.
Họ lập luận rằng có một mâu thuẫn phát sinh trong các bằng chứng liên quan giữa đường và cân nặng cơ thể, đồng thời không đồng ý rằng đường có thể gây sâu răng.
Ngoài những đánh giá mang tính chủ quan, phản khoa học, các tác giả của bài báo còn đưa ra một số vấn đề đánh đố. Chẳng hạn như họ chỉ trích hướng dẫn chế độ ăn của Hoa Kỳ có nguồn tài trợ “không rõ ràng”, mặc dù kinh phí rõ ràng đến từ chính phủ Mỹ.
Các tác giả này cũng nói rằng dữ liệu và phương pháp nghiên cứu cho các chế độ ăn đã không được công khai. Nhưng lại trong thực tế, FBI đã đăng toàn bộ các thông tin họ đòi hỏi từ lâu, trực tuyến trên internet và cộng thêm hẳn một báo cáo dài 500 trang.
Cuối cùng, bài báo kết luận trắng trợn rằng: “Các bằng chứng sẵn có về sự liên quan của đường với kết quả y tế có chất lượng thấp, thậm chí rất thấp”.
Barry Popkin, giáo sư dinh dưỡng tại Đại học North Carolina đã chỉ trích bài báo và các tác giả. Ông nói rằng họ đã “lờ đi hàng trăm thử nghiệm ngẫu nhiên được đối chứng” chứng minh rõ tác hại của ăn nhiều đường.
“Họ bỏ qua các dữ liệu thực tế, tạo ra thang điểm lệch lạc, và cách cách nào đó đã lọt qua được hệ thống xét duyệt chéo mà tôi không thể hiểu nổi”, Giáo sư Popkin nói. “Quả là một điều gây sửng sốt”.
Nói về hệ thống xét duyệt chéo trong khoa học, đó là một con đường giám định khoa học cực kì nghiêm khắc, được thực hiện bởi các tạp chí khoa học và các nhà khoa học đầu ngành có năng lực. Xét duyệt chéo nhằm đảm bảo các bài báo khoa học đạt được giá trị và tính khách quan, trước khi nó được đăng trên tạp chí uy tín.
Vậy tại sao một bài báo phản khoa học lại được đăng trên một tạp chí khoa học? Đó là câu hỏi lớn cho Annals of Internal Medicine. Trong một tuyên bố văn bản mà Christine Laine, tổng biên tập tạp chí này, thông cáo báo chí, Annals of Internal Medicine nói rằng họ đã quyết định xuất bản bài báo vì nó đem lại “sự quan tâm lớn” cho độc giả. Nói theo ngôn ngữ phổ thông thì một tạp chí khoa học bây giờ cũng cần “câu view”, quả là điều thật hài hước.
Tham khảo Arstechnica
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?