Ngày càng có nhiều virus chết người sinh ra trong lòng sự phát triển của nhân loại

    zknight,  

    Virus ở khắp mọi nơi trong thời đại của chúng ta.

    Nếu bạn để ý sẽ thấy, dường như chúng ta đang nghe ngày một nhiều về các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên khắp thế giới: từ các đợt bùng phát gần đây như Ebola, Zika, Nipah, các chủng cúm H5N1, H1N1, H7N9 cho đến những virus mà ai cũng nhẵn mặt như sốt xuất huyết hay thậm chí HIV...

    Một phần lí do, sự phát triển của mạng xã hội và internet cho phép mỗi người tiếp xúc với nhiều thông tin hơn. Mặt khác, những tiến bộ khoa học đã góp phần giúp chúng ta phát hiện thêm nhiều bệnh truyền nhiễm trước nay vẫn bị bỏ quên.

    Nhưng không chỉ có vậy, lối sống của loài người thực sự cũng đang làm xuất hiện những bệnh dịch mới.

    Ngày càng có nhiều virus chết người sinh ra trong lòng sự phát triển của nhân loại - Ảnh 1.

    Ngày càng có nhiều virus chết người sinh ra trong lòng sự phát triển của nhân loại

    Virus mới được phát hiện liên tục

    Dường như lúc nào trên Trái Đất cũng có những dịch bệnh truyền nhiễm. Virus ở khắp mọi nơi trong thời đại của chúng ta.

    Từ đầu năm tới nay, Nigeria đã phải chứng kiến một đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết bất thường do siêu virus Lassa gây ra. Tính tới thời điểm hiện tại, dịch bệnh đã lây nhiễm hơn 400 người và giết chết một phần tư trong số đó.

    Trở lại vào tháng 5, một đợt bùng phát virus Nipah hiếm gặp cũng xảy ra ở vùng Kerala phía nam Ấn Độ. Loại virus có nguồn gốc từ loài dơi ăn quả này đã giết chết 17 người trong vòng 1 tháng.

    Cuối năm 2017, một đợt bùng phát bệnh sốt vàng da do virus ở Brazil đã lan dần đến khu vực đông dân của São Paulo và Rio de Janeiro. Ở đây nó đã lây nhiễm 723 người. Một phần ba trong số các bệnh nhân đã tử vong.

    Có vẻ như chúng ta đã chẳng còn bất ngờ về những tin tức như này. Kể tử sau đợt bùng phát đại dịch Ebola chưa từng thấy ở Tây Phi năm 2014 cướp đi mạng sống của hơn 11.000 người, mọi dịch bệnh theo sau chỉ là những tin tức nhàm tai. Ngay cả sau năm 2014, đợt bùng phát virus Zika vào năm 2015 tại Brazil đã khiến khoảng 3.500 trẻ sơ sinh ra đời với dị tật đầu nhỏ.

    Ngày càng có nhiều virus chết người sinh ra trong lòng sự phát triển của nhân loại - Ảnh 2.

    Đại dịch Ebola chưa từng thấy ở Tây Phi năm 2014 đã cướp đi mạng sống của hơn 11.000 người

    Thế giới mới bắt đầu biết về những dịch bệnh do virus gây ra từ đầu thế kỷ 20. Dịch bệnh do virus trên người đầu tiên được báo cáo bởi quân đội Mỹ là dịch sốt vàng. Từ đó tới giờ, ước tính cho thấy mỗi năm trung bình chúng ta phát hiện từ 3-4 loài virus gây bệnh trên người mới. Ngoài ra, vẫn còn khoảng 250 loài virus vẫn chưa được khám phá.

    Phát hiện được một loại virus mới ngày nay rất phức tạp và đòi hỏi nhiều bước. Thông thường, các nhà khoa học phải mô tả được mã di truyền hoàn chỉnh của virus nhờ phân tích DNA chuyên sâu trong phòng thí nghiệm. Sau đó là những tính toán sử dụng đến cơ sở dữ liệu tham chiếu khổng lồ để biết chắc đó là một loài virus thực sự mới.

    Tiếp theo, công việc được chuyển cho những nhà nghiên cứu dịch tễ học và các phòng thí nghiệm y sinh, để xác định virus nào có thể gây bệnh nguy hiểm cho con người. Vẫn sẽ phải mất một thời gian nữa để khẳng định chắc chắn một loại virus chính là nguyên nhân gây ra một căn bệnh cụ thể nào đó cho chúng ta, đôi khi là hàng chục năm.

    Ví dụ, parechovirus trên người, một loại virus có thể gây bệnh nghiêm trọng cho trẻ nhỏ được phát hiện vào những năm 1950. Nhưng phải đến năm 2004, chúng mới được xác nhận là nguyên nhân gây bệnh.

    Ngày càng có nhiều virus chết người sinh ra trong lòng sự phát triển của nhân loại - Ảnh 3.

    Virus Parechovirus trên người được phát hiện từ năm 1950, nhưng phải tới tận năm 2004 mới được xác nhận là virus gây bệnh

    Khi con người phát triển, virus cũng phát triển

    Chúng ta biết rằng virus chỉ sống được, thực ra là “nửa sống nửa chết”, bên trong tế bào của một sinh vật sống khác. Chúng ở trong đó, tự sao chép và lây lan hiệu quả nhất khi có sự tiếp xúc giữa hai cá thể.

    Liên Hợp Quốc cho biết dân số trên toàn thế giới đang gia tăng ở mức hơn 1% mỗi năm. Từ góc nhìn của virus, các vườn ươm tiềm năng cho chúng ký sinh đang gia tăng.

    Dân số thế giới cũng đi vào xu hướng đô thị hóa, có nghĩa là con người ngày càng sống gần nhau hơn. Vì vậy, virus sẽ có thêm cơ hội lây lan mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sự phát triển trong giao thông quốc tế, đặc biệt là hàng không, cũng cho phép virus di chuyển giữa những quần thể xa xôi mà trước đây với chúng là không thể.

    Nhiều bệnh nhiễm virus nguy hiểm trên người thực chất có nguồn gốc lây lan từ động vật. Dơi là một thủ phạm phổ biến - giả thuyết cho rằng hệ thống miễn dịch bậc thấp cho phép chúng mang một số lượng virus tương đối lớn mà không phát triển bệnh. Ebola, SARS và Nipah đều là những virus lây nhiễm từ dơi sang người.

    Ngày càng có nhiều virus chết người sinh ra trong lòng sự phát triển của nhân loại - Ảnh 4.

    Có rất nhiều virus lây nhiễm từ dơi sang người

    Khi chúng ta khai hoang và mở mang nhiều hơn, con người càng có cơ hội nhiễm virus từ thế giới hoang dã. Ngoài ra, động vật chăn nuôi cũng là một bể chứa virus khổng lồ có khả năng lây nhiễm sang người. Việc dân số gia tăng cũng thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, đi đôi với những dịch bệnh từ gia súc, gia cầm.

    Năm 2013, một dịch cúm H7N9 đã lây nhiễm hơn 1.500 người ở Trung Quốc, dẫn đến cái chết của một phần ba trong số đó. Đây là lần đầu tiên chủng cúm này lây được sang người. Trước đó, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều chủng cúm khác như H1N1, H5N1… lây nhiễm từ lợn, gia súc và gia cầm sang người.

    Mặc dù vậy, khi nói đến động vật lây truyền virus, muỗi là loài khủng khiếp nhất. Ví dụ, một vết cắn của loài muỗi vằn Aedes có thể tiềm ẩn trong đó virus sốt xuất huyết, Zika và chikungunya. Dịch sốt xuất huyết xảy ra nhiều nơi trên thế giới và theo mùa hàng năm.

    Nghiên cứu cho thấy sự phát triển của muỗi gắn liền với hoạt động của con người, chẳng hạn như chặt phá rừng, tái sinh thảm thực vật chậm, vấn đề rác thải, vệ sinh môi trường và sử dụng thuốc trừ sâu…

    Ngày càng có nhiều virus chết người sinh ra trong lòng sự phát triển của nhân loại - Ảnh 5.

    Muỗi là loài sinh vật mang virus nguy hiểm nhất

    Chúng ta trong cuộc chiến với virus

    Đặc điểm sinh học cơ bản của virus góp phần vào khả năng gây bệnh của chúng. Hầu hết các virus lây nhiễm trên người có khả năng sao chép gần như ngay lập tức với số lượng lớn. Kết quả là, đột biến phát sinh ở một tỷ lệ rất cao trong mã di truyền của chúng.

    Điều này cho phép virus nhanh chóng thích nghi với môi trường bất lợi, chẳng hạn như hệ thống miễn dịch của con người hoặc thuốc chúng ta sử dụng để điều trị. Nó cũng là nguyên nhân cho phép virus chuyển từ vật chủ là động vật sang con người.

    Một số virus gây ra bệnh truyền nhiễm mạn tính, kéo dài khả năng sống cũng như lây truyền của chúng. Chẳng hạn như sau thời gian bệnh cấp tính, virus Ebola vẫn ẩn náu nhiều tháng bên trong những bộ phận cơ thể ít có phản ứng viêm như cơ quan sinh dục, não bộ hoặc mắt.

    Một ví dụ điển hình khác là virus HIV, nó có thể gây ra một căn bệnh cấp tính, nhưng thường có một sự chậm trễ kéo dài từ thời điểm nhiễm virus cho đến lúc căn bệnh khởi phát. Do đó, nhiều bệnh nhân HIV không biết mình nhiễm bệnh trong nhiều năm, cho đến khi tình cờ xét nghiệm máu.

    Ngày càng có nhiều virus chết người sinh ra trong lòng sự phát triển của nhân loại - Ảnh 6.

    Con người chưa có một loại thuốc cụ thể nào để chống lại hầu hết các virus nguy hiểm

    Trên thực tế, con người chưa có một loại thuốc cụ thể nào để chống lại hầu hết các virus nguy hiểm. Điều này một phần là do virus thường phát triển nhanh và phân hóa thành nhiều chủng loài. Chúng ta không có một loại thuốc nào nhắm mục tiêu để diệt được một phổ rộng virus như cách mà thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn.

    Ngoài ra, virus thường ký sinh và sử dụng tài nguyên của tế bào người nhiễm bệnh. Việc tiêu diệt nó thường ảnh hưởng đến chính tế bào con người, bởi vậy, thuốc chống virus có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ.

    Mặc dù việc đối mặt với những virus nguy hiểm còn gặp nhiều thách thức, hoạt động nghiên cứu của con người tiếp tục mang lại nhiều giải pháp sáng tạo hơn nữa. Những loại thuốc và vắc-xin chống virus vẫn liên tục được ra đời và thử nghiệm, mới đây nhất, một vắc-xin chống được nhiều chủng HIV đã tiến đến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2b.

    Một số chương trình sáng tạo như World Mosquito, sử dụng vi khuẩn tự nhiên và an toàn để ngăn chặn sự phát triển của virus trong muỗi. Các nhà khoa học cố tình lây nhiễm một loại vi khuẩn gọi là Wolbachia vào muỗi để phá vỡ chu kỳ truyền nhiễm của chúng.

    Cuối cùng, dù cho virus có sử dụng các chiến lược khôn ngoan đến cỡ nào, chúng vẫn chỉ là một dạng “nửa sinh vật” bậc thấp. Kiến thức và sự khéo léo của con người có thể đem lại chiến thắng về phía chúng ta.

    Tham khảo Theconversation

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày