Virus Nipah là gì? Tại sao nó có thể gây ra đại dịch tiếp theo sau Ebola?

    zknight,  

    Tỷ lệ tử vong khi nhiễm Nipah dao động từ 40% cho đến 100%.

    Dơi là một loài vật reo rắc nỗi sợ hãi và cả bệnh tật. Sau đại dịch Ebola mà chúng gây ra vào năm 2014, những con dơi tiếp tục khiến chúng ta phải lo ngại về một đại dịch mới, lần này là Nipah.

    Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 1.6, một ổ dịch Nipah đã lây nhiễm 18 người và giết chết 17 bệnh nhân tại Kerala, Ấn Độ. Đợt bùng phát đầu tiên tại Nam Ấn đã làm tăng nỗi lo sợ rằng căn bệnh này sẽ lây lan mạnh và mở rộng khu vực ảnh hưởng của nó.

    Virus Nipah là gì? Tại sao nó có thể gây ra đại dịch tiếp theo sau Ebola? - Ảnh 1.

    Các nhân viên y tế chôn cất một bệnh nhân tử vong do Nipah tại Ấn Độ

    Virus Nipah được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1998 tại Malaysia, sau khi nó lây nhiễm gần 300 người và giết chết 100 bệnh nhân trong số đó. Cái tên Nipah được đặt theo một trong những ngôi làng đầu tiên mà virus này tấn công.

    Nhiều nạn nhân của virus này là những nông dân nuôi lợn. Ban đầu, nhà chức trách xác định virus lây nhiễm từ lợn nên đã ra quyết định tiêu hủy hàng triệu con lợn để dập tắt dịch bệnh. Nhưng các nhà nghiên cứu đã nhanh chóng nhận ra, chính những con lợn cũng bị lây nhiễm Nipah từ một nguồn khác. Đó là những con dơi ăn quả thuộc chi Pteropus (hay còn gọi là cáo bay).

    Không phải tất cả mọi người nhiễm virus Nipah đều phát bệnh. Nhưng một khi bệnh khởi phát, họ sẽ có các triệu chứng giống cúm, bao gồm: sốt, ho và đau đầu trong vòng từ 3 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus.

    Trong vòng 1-2 ngày sau khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện, bệnh Nipah sẽ nhanh chóng chuyển biến phức tạp, gây ra viêm phổi, suy hô hấp cấp tính, hoặc các triệu chứng thần kinh như co giật và hôn mê. Không có cách chữa trị hoặc điều trị cụ thể cho Nipah, tỷ lệ tử vong của người bệnh có thể dao động từ 40-100%.

    Ngoài Malaysia, các trường hợp nhiễm virus Nipah đã được ghi nhận ở Singapore, Bangladesh và Ấn Độ. Cho tới nay, những đợt bùng phát dịch Nipah thường xảy ra nhỏ lẻ, với khoảng 600 trường hợp được ghi nhận từ năm 1998 đến năm 2015, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

    Nhưng các chuyên gia y tế lo ngại, một ngày nào đó virus Nipah cũng có thể đi theo bước chân của Ebola, châm ngòi cho một đại dịch lớn trên quy mô toàn cầu.

    Chúng ta chưa biết chính xác nguy cơ gây ra đại dịch [của Nipah] — vào lúc này, chưa thể dự đoán được mầm bệnh nào sẽ là thứ gây ra một đại dịch tiếp theo. Tất cả những gì chúng ta biết là sẽ có một đại dịch tiếp theo [như vậy]”, Emily Gurley, một nhà dịch tễ học nghiên cứu về Nipah tại Trường Y tế Công cộng Bloomberg thuộc Đại học Johns Hopkins nói với Gizmodo.

    "Điều đó nói lên một điều rằng, chúng ta nên chuẩn bị tốt nhất có thể để đối phó với các bệnh mà chúng ta biết, chúng có khả năng gây ra những đợt bùng phát lớn, chẳng hạn như Nipah".

    Trong khi đa số bệnh nhân thường nhiễm Nipah từ dơi hoặc các loài động vật trung gian khác từng nhiễm Nipah từ dơi trước đó, có bằng chứng cho thấy một số chủng virus bây giờ có thể lan truyền từ người sang người.

    Mỗi lần một chủng virus mới lây nhiễm sang người từ loài dơi, nó sẽ có thêm một cơ hội tiến hóa thành một chủng thích ứng với vật chủ là người và có khả năng lây nhiễm cao hơn”, Gurley nói. "Các đợt dịch bùng phát lớn dĩ nhiên sẽ hút sự chú ý của chúng ta, nhưng ngay cả mỗi trường hợp nhiễm Nipah riêng lẻ cũng là một cơ hội cho virus".

    Virus Nipah là gì? Tại sao nó có thể gây ra đại dịch tiếp theo sau Ebola? - Ảnh 2.

    Virus Nipah có thể gây ra đại dịch tương tự như Ebola

    Những con dơi có khả năng lây lan Nipah sinh sống cả ở những quốc gia chưa từng ghi nhận bất kể ca nhiễm virus nào trên người. Gurley lưu ý rằng loài dơi Pteropus sống ở khắp châu Á và Đông Phi, một khu vực có hai tỉ người, gần một phần ba dân số thế giới. Và những con dơi này có thể gây phơi nhiễm một chủng virus có họ hàng khác là Hendra, được phát hiện lần đầu tiên tại Australia.

    Chúng ta phải đầu tư theo dõi và nghiên cứu để hiểu rõ hơn về cách virus lây nhiễm sang người, cách con người bị nhiễm bệnh, và chủng nào nguy hiểm hơn những chủng khác”, Gurley nói. "Các biện pháp này sẽ cho phép chúng ta phát hiện các đợt bùng phát nhanh hơn, để kịp can thiệp và ngăn ngừa lây nhiễm từ dơi, giảm nguy cơ xảy ra đại dịch".

    Ngoài ra cũng phải có các biện pháp chiến lược lâu dài để chống lại Nipah, chẳng hạn như nghiên cứu vắc-xin. Một số vắc-xin thử nghiệm trên động vật đã cho thấy hiệu quả chống lại cả Nipah và Hendra. Có một vắc-xin đã được chính phủ Australia cho phép sử dụng để tiêm phòng trên ngựa vào năm 2012.

    Nhưng hiện tại chưa có vắc-xin Nipah nào từng được thử nghiệm trên người. Do các đợt bùng phát dịch Nipah diễn ra rải rác và lẻ tẻ, thiếu kinh phí nghiên cứu và lợi ích chính trị cũng đã làm chậm những nỗ lực phát triển vắc-xin thử nghiệm, Gurley nói.

    Mặc dù vậy, tới đây mọi chuyện có thể được thay đổi. Liên minh phi lợi nhuận về Sáng kiến Dịch bệnh (CEPI) đã thông báo họ đang tài trợ 25 triệu đô la cho hai công ty dược phẩm Hoa Kỳ, để phát triển và thử nghiệm vắc-xin của Australia trên người. CEPI, được tài trợ thông qua một số chính phủ và tổ chức từ thiện tư nhân, bao gồm Quỹ Bill và Melinda Gates.

    Năm 2017, CEPI đã từng có các hoạt động đầu tư tương tự vào nghiên cứu vắc-xin cho Lassa và virus gây ra hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS).

    Tham khảo Gizmodo

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ