Nghe 4 chuyên gia đầu ngành về mảng công nghệ tại Việt Nam định nghĩa và giải đáp các vấn đề về AI
Không còn là công nghệ của tương lai, AI hiện đang tồn tại trong nhiều mặt cuộc sống con người ngày nay, nhưng để hiểu chính xác nó là gì và tác động của nó ra sao không phải điều dễ dàng.
Sự thông minh của máy tính Jarvis trong bộ phim siêu anh hùng Iron Man, sự nguy hiểm tàn bạo của robot trong series phim Kẻ Hủy Diệt, cùng nhiều trí tuệ nhân tạo khác trong các bộ phim khoa học viễn tưởng, khiến người xem vừa cảm thấy hấp dẫn với trí tuệ nhân tạo – hay AI, nhưng cũng thấy nó thật cao siêu, xa vời. Nhưng thực tế có đúng như vậy?
Đây cũng là chủ đề chính của chương trình bàn tròn cùng chuyên gia: "AI và những ứng dụng trong cuộc sống con người", với các đại diện là thầyNguyễn Xuân Hoài, Phó giáo sư Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần VCCorp, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Tiến sĩ giảng viên CNTT trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, sáng lập viên và phụ trách R&D cho startup Vbee, cùng anh Bùi An, nhiếp ảnh gia và là Chuyên gia công nghệ trên diễn đàn HD Việt.
Theo nhiều người nhận định, AI thực chất không phải gì cao siêu cả, chúng chỉ đang chập chững giúp chúng ta giải quyết những vấn đề đơn giản nhất, hiển nhiên nhất bằng cách mô phỏng lại kiến trúc bộ não người - thứ được coi là kỳ quan vĩ đại nhất. Nghe thì rất đơn giản vậy thôi nhưng nói chung, cũng khá trừu tượng. Vì thế để trả lời câu hỏi này. Các chuyên gia đã đưa ra nhận định của mình.
Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoài, Phó giáo sư Tiến sĩ, Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam
Thầy Hoài cho rằng không dễ để đưa ra một định nghĩa duy nhất về trí tuệ nhân tạo. Nhưng theo tôi, hiện có thể tạm hiểu một cách đơn giản là có 2 loại AI khác nhau. Loại thứ nhất là AI rộng - một dạng chương trình máy tính có khả năng suy nghĩ, nhận thức như con người. Loại thứ hai là AI hẹp - loại AI mà chúng ta thường thấy trong cuộc sống hàng ngày - đây là loại AI được tạo nên để mô phỏng hoặc bắt chước một số hành vi của con người như lái xe.
Còn nếu không dùng đến các khái niệm thuộc về kỹ thuật, anh Tuấn lại cho rằng hơi khó để mô tả AI là gì, tuy nhiên có những cái rất dễ để mọi người hiểu được nó. Ví dụ, một số phần mềm chụp ảnh có thể tự động làm cho hình ảnh chụp đẹp hơn, hoặc các thiết bị thông minh smarthome, có thể tự mở cửa. Hoặc một số điện thoại có thể quét 3D để tự mở khóa. Mục tiêu là tạo ra các chương trình, thiết bị, có thể hỗ trợ cho con người tốt hơn, hoặc thay thế cho con người trong một số tác vụ.
Nguyễn Thị Thu Trang, Tiến sĩ giảng viên CNTT trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, sáng lập viên và phụ trách R&D cho startup Vbee
Trong khi đó, chị Thu Trang nhận định: "Trí tuệ nhân tạo có thể được xem như một loại trí tuệ do máy móc thực hiện, ngược với trí tuệ tự nhiên của con người. Thay vì có khả năng mô phỏng bộ não người, trí tuệ máy móc sẽ xử lý thông tin nhận được giống như cách con người xử lý, và đưa ra các hành vi, ứng xử giống như con người. Não người là một bộ phận rất phức tạp về mặt y học và thậm chí con người cũng chưa hiểu hết, nên khó có thể nói là máy móc có thể mô phỏng bộ não người".
Anh Bùi An lại cho rằng AI là khả năng nhận biết, xử lý tình huống giống như con người, và có khả năng tiến hóa. Trong những năm gần đây, AI không còn là các ứng dụng xa vời nữa mà đang ứng dụng rất gần gũi trong đời sống con người khi có mặt trong nhiều thiết bị, công nghệ ứng dụng.
Vậy thì câu hỏi đặt ra ở đây đó là: AI đã ứng dụng được vào những vấn đề gì và giải quyết trọn vẹn nhu cầu con người trong những vấn đề đó chưa?
Ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần VCCorp
Trả lời cho vấn đề này, anh Tuấn cho rằng một số ví dụ thực tế trong cuộc sống hàng ngày chính là các trợ lý ảo ra lệnh bằng giọng nói trên điện thoại như Google Assistant, Bixby trên điện thoại Samsung, và Siri trên iPhone của Apple. Một ứng dụng thực tế là để chỉnh sửa ảnh với các ứng dụng đang được nhiều người dùng cài đặt trên điện thoại, như B612. Ngoài ra còn các ứng dụng trong nghiên cứu khoa học, như để chuẩn đoán bệnh, dịch cúm, hay AI còn được ứng dụng trong các chương trình chơi cờ vua, cờ vây và đều đánh thắng con người.
Thầy Hoài cho rằng AI đang được dùng rất phổ biến trong cuộc sống nhưng thường được kết hợp với các thiết bị, lĩnh vực khác nên ít người nhận ra sự hiện hữu của nó. Ví dụ trong các ngành sản xuất, công nghiệp, nông nghiệp đều có sự ứng dụng của AI, nhưng thường đi với các dây chuyền tự động hóa, nhằm tăng năng suất và giảm chi phí nhân công. Một ví dụ trong thực tế là từng có doanh nghiệp đặt hàng Viện Trí tuệ Nhân tạo tạo ra hệ thống AI nhằm đếm và phân loại dừa khi đi qua băng chuyền.
Anh Bùi An, nhiếp ảnh gia và là chuyên gia công nghệ trên diễn đàn HDVietnam
Trả lời cho câu hỏi "ứng dụng AI" là gì, anh Bùi An nhận định về cơ bản, các ứng dụng AI trong lĩnh vực chụp ảnh cũng tương tự như các ứng dụng chỉnh sửa ảnh 360, B612 khi chúng có thể tự động nhận biết và làm thay con người ở công đoạn chỉnh sửa ảnh bằng Photoshop hay Lightroom, khi chỉnh sửa màu da, tóc,... để làm ảnh đẹp hơn. Quan trọng hơn là chúng có tốc độ xử lý rất nhanh, chỉ tính bằng giây trong khi chụp ảnh.
Ví dụ bộ đôi Galaxy S10/S10 có thể đưa ra 30 bối cảnh chụp khác nhau, để nhận biết khi chụp hình vào ban đêm, ban ngày, người hoặc phong cảnh và đưa ra các điều kiện về ánh sáng, trọng tâm, tông màu chủ thể khác nhau.
Xu hướng hiện tại của camera smartphone là camera kép, với thêm một camera để đo khoảng cách giữa các chủ thể, sau đó dùng một AI để cắt bức ảnh chụp ra thành các lớp khác nhau. Lớp ảnh có chủ thể sẽ được làm nét và làm mờ phần phía sau - giống như xử lý bằng photoshop - nhưng nhanh và mạnh hơn.
Nói thêm về ứng dụng AI trên khả năng chụp ảnh với Galaxy S10/S10 , AI còn có một ứng dụng khác khi chụp ảnh là căn chỉnh đúng bố cục, ngay cả khi người dùng cầm máy bị nghiêng. Hay xem lại ảnh và thông báo các ảnh chụp hỏng để người dùng chụp lại.
Chị Trang đang hoạt động cùng startup Vbee, ứng dụng AI để chuyển văn bản thành giọng nói, mà trong tương lai có thể giúp chúng ta có các phát thanh viên robot. Nhận định của chị về vấn đề này nhấn mạnh tới tầm quan trọng của AI trong lĩnh vực âm thanh:
"Việc ứng dụng AI trong chuyển văn bản thành giọng nói tương đối phức tạp hơn, bao gồm việc nhận diện nội dung của giọng nói phát ra là gì và từ đó đưa ra các hành xử tương ứng với nội dung đó, và sau đó sinh ra tiếng nói nhân tạo để đáp lại cho người nói chuyện. Một ứng dụng điển hình cho việc này là các tổng đài tự động, có khả năng gọi điện xác nhận lại với khách hàng về đơn hàng vừa mua, cũng như địa chỉ giao hàng. Quan trọng hơn, các việc này được có thể thực hiện với hàng nghìn khách hàng cùng lúc".
Ứng dụng AI còn có mặt trên cả TV nữa. Thầy Hoài lấy ví dụ trên TV QLED 8K, Samsung dùng công nghệ UpScaling - tương tự như việc zoom in (hay phóng to) một hình ảnh lên. Khi phóng to lên như vậy, một số pixel sẽ bị không có, lúc này có thể dùng AI để dự đoán pixel nào sẽ tạo nên các chi tiết, dựa trên việc học các đặc trưng của hình ảnh và từ đó tạo ra các pixel bị mất khi phóng to lên.
Bên cạnh đó, để hình ảnh được sắc nét, còn cần đến các bộ lọc để giảm nhiễu hình ảnh khi upscaling. Nhưng để giảm nhiễu hiệu quả còn cần phụ thuộc ngữ cảnh của hình ảnh. Lúc này AI sẽ thiết kế ra các bộ lọc giảm nhiễu, và nhận biết ngữ cảnh hình ảnh để áp dụng các bộ lọc phù hợp.
Anh Bùi An bổ sung thêm: "Bên cạnh AI, Samsung còn có một cơ sở dữ liệu về màu sắc với hàng triệu bức ảnh được lưu trong con chip chuyên dụng Quantum Processor 8K. Nhờ vậy, khi cần nó có thể lấy dữ liệu ra một cách nhanh chóng để xử lý theo kịp tốc độ 30fps (khung hình/giây). Do vậy, mang lại trải nghiệm rất tốt về hình ảnh.
Trước đây khi TV 4K mới xuất hiện, Samsung cũng từng áp dụng công nghệ tương tự để upscale nội dung từ Full HD lên 4K, và giờ đây với TV 8K, công nghệ này càng trở nên quan trọng hơn nữa. TV 8K của Samsung hiện tại đang làm rất tốt điều này khi có thể upscale cả chương trình truyền hình VTV1 VTV3 chuẩn HD 720p, cho hình ảnh đẹp và rõ dù quan sát trong phạm vi 2m".
"Trên thực tế, tiến bộ quan trọng nhất của AI trong khoảng 15 20 năm gần đây là tăng tốc tính toán, xử lý, còn đối với 5 năm gần đây nhất, đó là tập trung vào khả năng thực hiện các tính toán này ngay trên thiết bị, thay vì trên các trang trại máy chủ khổng lồ như trước. Việc thực hiện ngay trên thiết bị cho phép tốc độ xử lý mạnh hơn và nhanh hơn, có thể đạt tới đơn vị hàng mili giây thay vì phải chờ nhiều giờ đồng hồ". - anh Tuấn phát biểu.
Sử dụng AI, chiếc TV này còn có thể biết được mình đang xem chương trình gì để điều chỉnh âm thanh cho phù hợp nữa. Ví dụ mình đang xem bóng đá thì sẽ tự động chuyển thành hệ thống âm thanh như đang ở sân vận động chẳng hạn.
Hình ảnh 8K (bên phải màn hình) sau khi được upscale có nhiều chi tiết hơn hẳn ảnh thường.
Giải thích về vấn đề này, chị Thu Trang nói: "Vốn trên TV đã có chế độ về hiệu ứng âm thanh, để người dùng có thể điều chỉnh bằng tay, như khi đang xem thể thao, xem phim hoặc nghe nhạc. Do vậy, có thể tính năng này sẽ giúp con người không phải điều chỉnh thủ công nữa. Ví dụ, TV có thể tự động nhận diện về mặt hình ảnh kết hợp với âm thanh của chương trình TV để dự đoán tính chất video đang chiếu là gì, để đưa ra chế độ âm thanh phù hợp.
Ngoài ra TV AI còn có tính năng lọc thoại, khi các tạp âm của môi trường làm át lời thoại của nhân vật. TV AI sẽ lọc ra tiếng của môi trường xung quanh để kích âm tiếng thoại của nhân vật lên và làm cho nó rõ nét hơn".
Một câu hỏi rất thú vị được đặt ra: Trên nhiều bộ phim viễn tưởng, thường có các hình ảnh robot giết người, rồi thì AI kiểm soát con người trên thế giới, lật đổ con người ... Vậy đến một ngày nào đó AI có thể thông minh hơn con người, có khi nào những viễn cảnh này có thể trở thành sự thực hay không?
Anh Tuấn tin rằng điều này chưa phải lo ngại sớm. Chúng ta phải chấp nhận sẽ có những lĩnh vực máy móc làm tốt hơn con người, thay thế con người (ví dụ như máy phân loại dừa nói trên), do vậy với những lĩnh vực nên khuyến khích sử dụng máy móc thay vì. Còn đối với hiểm họa do AI mang lại, AI do con người tạo ra vì vậy, nếu con người có bộ quy tắc, bộ ứng xử đúng thì sẽ hạn chế, kiểm soát được việc AI có thể gây hại cho con người.
Trong khi đó, thầy Hoài lại tin rằng tương lai của AI vẫn còn rất rộng mở, nên rất khó đoán định được liệu AI có thể thay thế hoàn toàn con người hay không, dù ở nhiều lĩnh vực AI đã vượt trội hơn hẳn con người (như chơi cờ). Không giống như các loại vũ khí nguy hiểm, vốn rất khó phát triển, AI có thể phát triển và sở hữu ở rất nhiều nơi, do vậy, khó kiểm soát hơn nhiều.
Vậy nếu đúng là AI có thể không phá hủy cuộc sống của con người, nhưng một viễn cảnh khác cho rằng AI có thể cướp đi cơ hội nghề nghiệp của những người lao động có đáng lo ngại hay không?
Anh Bùi An nói: "Đây không phải vấn đề mới, khi câu hỏi này đã xuất hiện khi tự động hóa mới bắt đầu. Nhưng theo cá nhân tôi, việc mất việc làm ở một số lĩnh vực sẽ tạo cơ hội cho việc làm ở các lĩnh vực khác phát triển, và AI sẽ giúp con người có cuộc sống tốt hơn."
Trên thực tế, thầy Hoài cho rằng điều này có thể gây ra tác dụng 2 chiều: Việc áp dụng AI không chỉ làm tăng năng suất, mà còn vì có những lĩnh vực không có người làm (ví dụ trong các điều kiện làm việc khắc nghiệt). AI có thể lấy đi một số nhưng cũng có thể tạo ra một số công việc mới - ví dụ những người chuyên gán nhãn dữ liệu để dạy AI.
Rõ ràng cho đến thời điểm hiện tại, công nghệ AI đang giúp ích nhiều cho cuộc sống. Và như chúng ta đã nghe các khách mời chia sẻ: cho đến giờ, đó đều là những điều rất tốt, rất đột phá. Công nghệ AI xứng đáng nhận được nhiều sự quan tâm và đồng tình từ không chỉ những người yêu công nghệ mà còn cả các tổ chức, công ty và chính phủ trên toàn thế giới. Và tất nhiên, viễn cảnh đáng sợ robot lật đổ con người có thể chưa cần lo nghĩ đến lúc này.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Người Trung Quốc khoe có được GPU AI xịn nhất của NVIDIA bất chấp lệnh cấm vận của Mỹ
Chưa rõ tại sao những GPU này lại có thể xuất hiện ở Trung Quốc.
Thiết kế mới của iPhone 17 Pro được xác nhận bởi nhiều nguồn uy tín