Nghiên cứu 4 bộ não của các bác học vĩ đại trong lịch sử, giới khoa học tìm ra đáp án: Não thiên tài khác với người thường như thế nào?
Với trí thông minh thiên tài, não của các nhà bác học liệu có kết cấu đặc biệt hơn so với người thường?
Con người vẫn luôn thắc mắc liệu thiên tài sinh ra là bẩm sinh hay do tập luyện, trau dồi. Einstein đã nghĩ gì khi ngồi xuống cây đàn piano của mình và đi đến kết luận mang lại cho chúng ta thuyết tương đối? Làm thế nào để có một tâm trí tuyệt vời như vậy khi làm việc? Đối với các nhà thần kinh học, họ có thể thỏa mãn phần nào sự tò mò bằng cách nghiên cứu bộ não của những nhà bác học vĩ đại và xem chúng khác với bộ não bình thường như thế nào.
Hình thái não có thể bị thay đổi bởi những trường hợp cụ thể như thực hành kỹ năng vận động hằng ngày hoặc chứng sa sút trí tuệ. Dữ liệu hiện tại của khoa học cho thấy rằng hình thái não bộ có ảnh hưởng đến trí thông minh tổng thể, dù mức độ là bao nhiêu thì vẫn còn gây tranh cãi. Và kết quả nghiên cứu những bộ não vĩ đại từ những con người vĩ đại là một minh chứng cho điều đó.
Albert Einstein
Hình ảnh và mô hình bộ não của Albert Einstein được trưng bày trong triển lãm của Wellcome Collection ở London, Anh năm 2012
Thuyết tương đối của nhà vật lý người Đức Albert Einstein đã dẫn đến một sự sửa đổi hoàn toàn về hiểu biết khoa học về không gian và thời gian. Bộ não của Einstein đã bị Thomas Stoltz Harvey lấy đi mà không có sự cho phép của gia đình ông sau khi thiên tài qua đời. Bộ não này đã được bảo quản, chụp ảnh, mổ xẻ và thậm chí gửi cho các nhà khoa học khác với hy vọng rằng việc nghiên cứu nó có thể khám phá ra nguồn gốc của trí thông minh thiên tài. Qua nhiều thập kỷ, người ta đã phát hiện ra một số đặc điểm thú vị về bộ não của Einstein, bao gồm các kết nối rộng hơn giữa hai bán cầu não, trọng lượng nhẹ hơn mức trung bình và rãnh bên mở rộng.
Phần não dành riêng cho tư duy toán học và không gian - thùy đỉnh dưới, cũng lớn hơn mức trung bình. Nếu bạn muốn xem bộ não của Einstein thì có thể đến Bảo tàng Mütterở Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ.
Rene Descartes
Hộp sọ của Rene Descartes trưng bày tại Musee de l'Homme (Bảo tàng Nhân loại) ở Paris
Rene Descartes là triết gia người Pháp, nổi tiếng với câu nói “Tôi tư duy nên tôi hiện hữu”. Ông có tầm ảnh hưởng triết học lớn đến mức tác phẩm của ông được coi là bình minh của kỷ nguyên hiện đại. Trong toán học, Descartes đã phát minh ra mặt phẳng Descartes, cho phép biểu diễn các ý tưởng đại số bằng hình học. Thiên tài đã qua đời ở tuổi 50 vào năm 1650 vì bệnh viêm phổi ở Thụy Điển, nơi ông đang giảng dạy triết học cho Nữ hoàng Christina.
Bộ não của Descartes từ lâu đã không còn. Tuy nhiên, các nhà khoa học gần đây đã nghiên cứu hình dạng hộp sọ của ông để tìm manh mối về việc bộ não của ông có thể khác với người bình thường như thế nào. Sử dụng phương pháp chụp CT, các nhà khoa học biết được rằng hộp sọ của Descartes khá bình thường về kích thước, ngoại trừ một chỗ phình ra ở vùng thùy trán liên quan đến phần não chịu trách nhiệm suy nghĩ trừu tượng và sáng tạo ra các quan niệm.
Carl Friedrich Gauss
Chân dung Gauss
Carl Friedrich Gausscirca (1777 - 1855) là nhà toán học và vật lý người Đức. Bộ não của Gauss đã được nghiên cứu sau khi ông qua đời bởi nhà thần kinh học nổi tiếng Rudolf Wagner. Não của ông được xác định là nặng hơn mức trung bình và có những nếp gấp rất đáng chú ý trong suốt, được coi là “nguồn gốc của trí thông minh của Gauss”.
Trước đây, bộ não này đã vô tình bị hoán đổi với bộ não của bác sĩ Conrad Heinrich Fuchs, người đã qua đời cùng năm và bị dán nhãn sai trong hơn 150 năm. Lỗi này chỉ được phát hiện khi các nghiên cứu MRI của cả hai bộ não cho thấy chúng khác biệt đáng kể so với bản vẽ bộ não do Rudolf Wagner thực hiện.
Vladimir Lenin
Thi thể được ướp xác của nhà lãnh đạo cách mạng Vladimir Ilyich Lenin nằm trong Lăng mang tên ông ở Quảng trường Đỏ, Moscow, Nga
Lenin - lãnh tụ vĩ đại đã được các bác sĩ tách não ngay sau khi qua đời theo lệnh của Joseph Stalin với mục đích nghiên cứu để chứng minh Lenin là một thiên tài. Bộ não của ông đã được lưu giữ trong vài năm và sau đó được nghiên cứu bởi Tiến sĩ Oskar Vogt, một nhà thần kinh học người Đức, theo yêu cầu của chính phủ Nga.
Sau khi so sánh bộ não của Lenin với bộ não của “người bình thường” và một số nhà văn, người ta thấy rằng Lenin là một thiên tài không thể bàn cãi với bộ não có các tế bào hình chóp “khổng lồ”, được cho là tạo nên tài hùng biện cách mạng của Lenin. Người ta thậm chí còn ghi nhận não của ông được tổ chức tốt và không bị tổn thương như thế nào, ngay cả khi ông đã bị đột quỵ 4 lần.
Nguồn: Big Think
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương