Nghiên cứu cảnh báo con người sẽ phải đối mặt với nhiều đại dịch mới, nếu còn tiếp tục khai thác thiên nhiên như hiện nay
Điều này đã đẩy nhanh sự xuất hiện của các căn bệnh lây từ động vật hoang dã sang người, đặt chúng ta vào nguy cơ đối mặt với những đại dịch.
Đại dịch COVID-19 toàn cầu là một khoảng thời gian tốt giúp nhân loại soi xét lại bản thân mình, để xem chúng ta đã làm sai ở đâu. Tại sao chúng ta ngày càng phải đối mặt với nhiều dịch bệnh trên quy mô lớn, thường là do các virus xuất phát từ động vật?
Theo một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, một trong số các tác nhân trực tiếp gây ra sự gia tăng của các dịch bệnh lây từ động vật sang người, chính là việc con người đang tác động quá nhiều vào quần thể động vật trên toàn thế giới.
Cụ thể, các tác giả nghiên cứu tại Đại học California cho biết chúng ta đã khai thác thế giới tự nhiên - thông qua hoạt động săn bắn, buôn bán, đô thị hoá và phá huỷ môi trường sống của các loài động vật - do vậy, các dịch bệnh truyền nhiễm sẽ ngày một gia tăng.
Con người sẽ phải đối mặt với nhiều đại dịch mới, nếu còn tiếp tục khai thác thiên nhiên như hiện nay
Bất kể khi nào con người xâm phạm và can thiệp sâu vào thế giới tự nhiên, chúng ta sẽ càng tiếp xúc nhiều với quần thể động vật, và các chủng virus càng có cơ hội nhảy sang để lây nhiễm trong xã hội chúng ta.
"Khi môi trường sống tự nhiên bị thu hẹp, động vật hoang dã sẽ tiếp xúc gần gũi hơn với con người. Động vật hoang dã cũng thay đổi sự phân bố của chúng để thích nghi với các hoạt động nhân tạo và sự thay đổi cảnh quan thiên nhiên", nhà dịch tễ học Christine Johnson đến từ Đại học California, Davis giải thích.
"Điều này đã đẩy nhanh sự xuất hiện của các căn bệnh lây từ động vật hoang dã sang người, đặt chúng ta vào nguy cơ đối mặt với những đại dịch".
Trong nghiên cứu của mình, Johnson và các đồng nghiệp đã thu thập các dữ liệu liên quan đến quần thể động vật hoang dã và động vật nuôi, và so sánh chúng với các virus zoonoses được phát hiện cho đến năm 2013.
Zoonoses là các virus ban đầu chỉ lây nhiễm động vật mà không lây nhiễm người. Nhưng trong quá trình con người tiếp xúc với động vật, một số virus này tình cờ xâm nhập được vào cơ thể chúng ta. Zoonoses khi đó sẽ có cơ hội lấy một số DNA của con người, tiến hóa thành một chủng virus mới có thể gây bệnh và lan truyền từ người sang người.
Mặc dù cơ hội cho một virus nhảy từ động vật sang con người khá thấp, số lượng của những chủng zoonoses này lại rất nhiều. Cộng với việc con người ngày càng tiếp xúc nhiều với động vật, xác suất xảy ra dịch bệnh lây từ động vật sang người lại trở thành một con số có thể đếm được sau mỗi thập kỷ.
Các nhà khoa học đã tìm thấy sự gia tăng của các căn bệnh lây từ động vật sang người từ thế kỷ trước. Và một khi nó diễn ra, đa phần đều trở thành thảm họa. Hầu hết các đại dịch của thế giới, từ HIV, cúm gia cầm cho tới, Ebola, Zika và mới đây nhất là dịch COVID-19 đều bắt nguồn từ động vật.
Các nhà khoa học ước tính có khoảng 1,67 triệu chủng virus có khả năng lây truyền từ động vật sang người. Nhưng hiện chúng ta mới chỉ phân loại được trên dưới 600 chủng virus trong số chúng.
Chuột và dơi là hai loài đang có phát triển mạnh nhất bên cạnh con người.
Nghiên cứu mới của Johnson và các đồng nghiệp phân loại được 3 nhóm động vật có nguy cơ lan truyền virus cao nhất.
Không có gì đáng ngạc nhiên, các động vật được thuần hóa như vật nuôi đang trở thành nguồn lây virus lớn nhất sang cho chúng ta. Số lượng virus lây từ động vật thuần hoá sang cho con người cao gấp 8 lần so với động vật hoang dã.
Trong số nhóm động vật hoang dã, những loài lây virus nhiều nhất sang cho con người chính là những loài đang phát triển mạnh nhất nhờ sự tác động của con người lên môi trường sống của chúng, bao gồm dơi, các loài gặm nhấm như chuột và động vật linh trưởng.
Điều đáng báo động, đó là ngay cả các động vật đang bị đe doạ tuyệt chủng cũng là một bể chứa virus có khả năng lây sang chúng ta. Đó là vì con người đã săn bắt chúng một cách quá mức, ngày càng tiếp xúc nhiều với chúng và càng làm tăng cơ hội cho những virus zoonoses nhảy sang người.
Nói tóm lại, khi con người tiếp tục có những tiếp xúc sâu rộng vào quần thể động vật, chúng ta càng có nhiều nguy cơ lây virus từ chúng. Và trong tất cả khả năng, chúng ta lại đang đánh giá thấp sự nguy hiểm thực sự của vấn đề này.
"Mặc dù chúng tôi đã làm sáng tỏ các mô hình virus zoonoses đã được báo cáo trong suốt thời gian của nghiên cứu này, chúng tôi nghi ngờ rằng sự lan truyền mầm bệnh thường không được chú ý", các tác giả nghiên cứu viết.
Bằng chứng là chúng ta đã không thể dự đoán trước được khi nào các dịch bệnh diễn ra, và khi biết được virus xuất phát từ đâu thường đã là quá muộn.
Dơi và chuột là các loài động vật tiềm năng có thể truyền virus sang cho con người.
Các tác giả cho biết trong khi một phần tư các loài động vật có vú không được thuần hóa trên thế giới phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, có một số loài động vật đang thích nghi với cuộc sống đô thị hóa và hoạt động của con người để mở rộng quần thể của chúng.
Các loài này có thể là một nguồn cung cấp virus zoonoses tiềm năng cho các đại dịch trong tương lai, điển hình nhất là chuột và dơi.
"Chúng ta cần phải thực sự chú ý đến cách chúng ta tương tác với các loài động vật hoang dã, và các hoạt động mang con người và động vật hoang dã lại gần với nhau", Johnson nói.
"Chúng ta rõ ràng không muốn có thêm những đại dịch như hiện nay. Chúng ta cần tìm cách cùng tồn tại an toàn với động vật hoang dã, vì chúng không thiếu virus để truyền sang cho chúng ta".
Tham khảo Sciencealert
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương