Bạn chỉ cần ăn 30 gam tinh bột kháng, tương đương một quả chuối xanh mỗi ngày để có được lợi ích.
- Tế bào ung thư này đã được nuôi dưỡng suốt 70 năm, riêng khối lượng thu về đã hơn 50 triệu tấn
- Đến ‘người sói’ Hugh Jackman cũng bị ung thư da, kêu gọi fan dùng kem chống nắng
- Có thật các bác sĩ Mỹ đã chữa khỏi được 100% ung thư đại trực tràng?
- Một vòng triển lãm về chủ đề ung thư đầu tiên trên thế giới: Khi khoa học mở ra những hi vọng
- Hút mỗi ngày một bao thuốc, tại sao có những người cả đời không mắc ung thư phổi?
Đó là kết quả mà các nhà khoa học rút ra được từ một thử nghiệm kéo dài hơn 20 năm, thực hiện trên gần 1.000 tình nguyện viên đăng ký tham gia từ khắp nơi trên thế giới. Trong nghiên cứu này, họ đã tìm ra tinh bột kháng, một loại tinh bột đặc biệt có khả năng giúp ích cho những người có nguy cơ cao mắc ung thư đường tiêu hóa trên, bao gồm ung thư thực quản, ung thư dạ dày và ung thư tuyến tụy.
"Chúng tôi phát hiện tinh bột kháng làm giảm hơn 60% nguy cơ mắc một loạt các bệnh ung thư. Hiệu quả rõ ràng nhất được quan sát thấy ở các bệnh liên quan đến phần trên của ruột", John Mathers, trưởng nhóm nghiên cứu đồng thời là một chuyên gia dinh dưỡng tại Đại học Newcastle, Anh Quốc cho biết.
Tinh bột kháng là một loại tinh bột đi qua ruột non và sau đó lên men trong ruột già, nơi nó cung cấp các vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Nhiều lợi ích của tinh bột kháng đã được biết đến trước đây từ hỗ trợ giảm cân, tăng cường sức khỏe đường ruột cho tới giảm nguy cơ mắc tiểu đường.
Nguồn các loại thực phẩm chứa tinh bột kháng thì hết sức đa dạng, từ yến mạch, chuối xanh, đậu Hà Lan đến cơm nấu chín để nguội. Cho nên, từ bây giờ bạn có thể bắt đầu kết hợp chúng vào chế độ ăn uống của mình để phòng ngừa ung thư.
Bạn chỉ cần ăn 30 gam tinh bột kháng, tương đương một quả chuối xanh mỗi ngày
Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học đã thực hiện một thử nghiệm mù đôi trên 918 tình nguyện viên mắc một hội chứng được gọi là Lynch. Hội chứng Lynch gây ra bởi những đột biến di truyền xảy ra trên những gen sửa chữa DNA trong quá trình tế bào sao chép.
Khi các gen này bị lỗi, nó sẽ khiến người mắc hội chứng Lynch bị tăng nguy cơ mắc một loạt các căn bệnh ung thư, từ ung thư đại trực tràng, dạ dày, nội mạc tử cung, buồng trứng, tuyến tụy, tuyến tiền liệt, đường tiết niệu, ung thư thận, ống mật, ruột non và ung thư não.
Cứ 300 người trên thế giới thì có một người mắc hội chứng Lynch. Vì vậy, từ năm 1990 đến năm 2005, các nhà khoa học tại Đại học Newcastle đã chủ đích theo dõi gần 1000 tình nguyện viên mắc hội chứng này để xem có cách nào giúp họ giảm nguy cơ mắc ung thư trong đời hay không?
Thí nghiệm chia các tình nguyện viên thành 2 nhóm ngẫu nhiên. Một nhóm có 463 người được cung cấp một chế độ ăn chứa liều 30 gam tinh bột kháng mỗi ngày, và kéo dài trong suốt 2 năm.
Trong khi đó, 455 người còn lại chỉ được cho uống giả dược là những viên nang chứa bột trông giống như tinh bột nhưng không hề có hoạt tính gì cả.
Cả hai nhóm tình nguyện viên sau đó đã được theo dõi suốt 10 năm. Kết quả cho thấy trong nhóm 463 người ăn tinh bột kháng chỉ có 5 người phát triển ung thư đường tiêu hóa trên. Trong khi đó con số ở nhóm 455 người là 21 trường hợp.
"Phát hiện này rất quan trọng vì ung thư đường tiêu hóa trên rất khó chẩn đoán và thường không được phát hiện sớm", Mathers cho biết. Bằng cách bổ sung tinh bột kháng vào chế độ ăn mỗi ngày, chỉ khoảng 30 gam tương đương với 1 quả chuối xanh cũng đã giúp những người mắc hội chứng Lynch giảm nguy cơ ung thư của họ.
Nhưng hiệu quả này có được từ đâu?
Các nhà nghiên cứu cho rằng tinh bột kháng có thể giảm thiểu sự phát triển của ung thư bằng cách thay đổi quá trình chuyển hóa axit mật của vi khuẩn. "Điều này sẽ làm giảm các loại axit mật có thể làm hỏng DNA của chúng ta, thứ cuối cùng sẽ gây ra ung thư", Mathers nói.
Cơm nguội cũng là một nguồn chứa nhiều tinh bột kháng
Nếu bạn không thể ăn chuối xanh, tin vui là có một nguồn tinh bột kháng mà tất cả chúng ta vẫn thường ăn hàng ngày. Đó chính là cơm. Các thử nghiệm cho thấy trong 100 gam cơm thì có khoảng 7,5 gam tinh bột kháng.
Như vậy, bạn có thể ăn khoảng 400 gam cơm để có được 30 gam tinh bột kháng mỗi ngày. Với những ai lo cơm cũng chứa nhiều tinh bột, thứ có thể khiến bạn béo lên nếu ăn quá nhiều thì các nhà khoa học chỉ ra một cách có thể giúp bạn giảm ăn cơm mà vẫn có đủ tinh bột kháng. Đó là hãy ăn cơm nguội hâm nóng.
Một thí nghiệm đăng trên tạp chí Nature cho biết nếu bạn nấu chín cơm rồi để cơm này vào tủ lạnh (ở 4 độ C) trong vòng 24 giờ, tinh bột kháng sẽ hình thành trong cơm nguội. Đó là do một hiện tượng được gọi là quá trình thoái hóa ngược.
Trong quá trình làm nguội tinh bột, các phân tử amyloza và các chuỗi nhánh dài của amylopectin tạo thành các vòng xoắn kép và mất khả năng liên kết với nước. Các chuỗi xoắn kép của phân tử tinh bột chống lại sự thủy phân của amylase trong ruột non. Do đó, nó sẽ biến thành tinh bột kháng để cuối cùng được lên men trong ruột già.
Đo đạc một cách cẩn thận, các nhà khoa học cho biết nếu bạn để cơm nguội vào tủ lạnh, lượng tinh bột kháng trong đó sẽ tăng lên tới 60%. Nghĩa là 100 gam cơm nguội hâm nóng lúc này sẽ chứa tới 12 gam tinh bột kháng. Khi đó, bạn chỉ cần ăn 250 gam là đã nạp đủ 30 gam tinh bột kháng mỗi ngày.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cho thêm dầu dừa vào gạo trước khi nấu cơm. Cách này được biết là cũng sẽ giúp tăng lượng tinh bột kháng có trong cơm.
Aspirin có thể giúp giảm nguy cơ ung thư đại tràng
Trở lại với nghiên cứu của Đại học Newcastle, mặc dù các nhà khoa học tìm thấy tinh bột kháng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa trên, họ không thấy mối tương quan nào giữa hai chế độ ăn và nguy cơ mắc ung thư đường tiêu hóa dưới.
Hay nói một cách khác, tinh bột kháng không giúp làm giảm các loại ung thư ruột như đại tràng hoặc trực tràng.
Để rõ ràng hơn, thử nghiệm này cũng được thực hiện trên những người có khuynh hướng phát triển ung thư về mặt di truyền. Nhưng các nhà khoa học cũng sẽ họ được nhiều điều nếu họ tìm hiểu rõ hơn về cách tinh bột kháng giúp bệnh nhân mắc hội chứng Lynch bảo vệ mình khỏi ung thư.
Thử nghiệm ban đầu được gọi là nghiên cứu CAPP2, và nhóm nghiên cứu hiện đang thực hiện một thí nghiệm tiếp theo có tên là CaPP3, lần này thu hút đến hơn 1.800 người tham gia.
Và mặc dù có vẻ khá đáng ngại, khi chúng ta không thể dùng tinh bột kháng để giảm nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, các nhà khoa học thực ra đã có cách khác.
Trở lại năm 2020, cùng một nhóm nghiên cứu của Đại học Newcastle cũng đã phát hiện uống aspirin, một dẫn xuất của acid salicylic, thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid mỗi ngày có thể giúp giảm 50% nguy cơ ung thư đại tràng ở người mắc hội chứng Lynch.
"Bệnh nhân mắc hội chứng Lynch có nguy cơ cao vì họ nhiều khả năng sẽ phát triển ung thư. Vì vậy việc phát hiện ra aspirin có thể làm giảm một nửa nguy cơ ung thư ruột già và tinh bột kháng giúp giảm nguy cơ đối với các bệnh ung thư khác là những phát hiện cực kỳ quan trọng", Sir John Burns, một nhà di truyền học tại Đại học Newcastle, đồng tác giả của cả hai nghiên cứu cho biết.
"Dựa trên thử nghiệm của chúng tôi, NICE [Viện Y tế và Chăm sóc Xuất sắc Quốc gia của Anh] hiện đã khuyên dùng Aspirin cho những người có nguy cơ cao mắc ung thư do di truyền. Không còn nghi ngờ gì nữa, lợi ích từ aspirin và bây giờ có thêm tinh bột kháng là rất rõ ràng".
Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Nghiên cứu Phòng chống Ung thư.
Tham khảo Nature, Sciencealert, Webmd, Medlineplus, Authoritynutrition
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tỷ phú Jensen Huang thắng giải thưởng 3 triệu USD ở Việt Nam: “Tôi đại diện cho các đồng nghiệp tại NVIDIA”
CEO Nvidia Jensen Huang vừa được vinh danh là đồng chủ nhân của Giải thưởng Chính VinFuture 2024.
Trẻ em sẽ làm bài tập về nhà ra sao trong kỷ nguyên của ChatGPT? "Bố già AI" và Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đưa ra giải pháp