Nghiên cứu gây tranh cãi: Thực ra béo phì chẳng hề có liên quan tới việc lười vận động
Bạn có đang lo lắng với cân nặng của mình?
Có khoảng 40% số người trưởng thành trên thế giới bị quá cân – đó là thống kê gần đây nhất của tổ chức Y tế thế giới vào năm 2014. Và hơn 13% là tỉ lệ người được xếp vào nhóm béo phì, nhóm có nguy cơ rất cao sẽ mắc phải các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ và ung thư, cũng như hàng hà sa số các bệnh lý khác.
Theo như lý luận thông thường từ trước tới nay, béo phì là hệ quả của việc ăn quá nhiều và vận động quá ít. Nhưng một nghiên cứu quốc tế mới đây đã chỉ ra rằng, thực ra việc ít vận động lại không có mấy liên quan tới tình trạng béo phì.
Nghiên cứu được công bố trên tờ tạp chí PeerJ này đã khảo sát trên 1944 đối tượng nghiên cứu thuộc 5 quốc gia trong suốt hai năm, theo dõi sự biến đổi cân nặng và các mức hoạt động thể lực của họ. Kết quả cho thấy, hệ số liên quan giữa hai yếu tố này là rất thấp, từ đó, nó đặt ra rất nhiều nghi vấn cho giả thuyết đã được công nhận từ lâu: lối sống tĩnh tại, ít vận động sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh béo phì.
Các yếu tố di truyền, thuốc và các bệnh lý như suy giáp hay hội chứng Cushing đều đóng vai trò gây nên béo phì, nhưng sự cân bằng năng lượng luôn là yếu tố chủ chốt đối với căn bệnh này. Khi lượng calo đưa vào lớn hơn lượng calo tiêu thụ thông qua chuyển hóa cơ bản và hoạt động thể lực, mức calo dư thừa sẽ được dự trữ dưới dạng mỡ và chất béo. “Cũng giống như mọi người vẫn nghĩ, chúng tôi tin rằng càng hoạt động thể lực nhiều, người ta sẽ càng dễ tránh khỏi nguy cơ thừa cân.” – Bác sĩ Lara R. Dugas, một trong những người tiến hành nghiên cứu cho biết.
Khởi đầu nghiên cứu, mỗi đối tượng nghiên cứu sẽ được cho đeo một thiết bị nhằm giám sát vận tốc và cường độ vận động trong vòng một tuần, nhằm xác định mức độ vận động thể lực ở thời điểm khởi đầu. Đây được coi là ngưỡng vận động hàng ngày, theo thói quen trong một ngày làm việc bình thường. Sau đó, nghiên cứu sẽ theo dõi cân nặng của những đối tượng này trong vòng hai năm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, không hề có sự khác biệt giữa nhóm vận động theo đúng cường độ chuẩn được khuyến cáo và nhóm ít vận động. Tuổi, cân nặng khởi đầu và giới tính là những yếu tố dự báo duy nhất cho việc đối tượng đó có thể giảm cân được hay không.
Vẫn còn khá nhiều yếu tố gây tranh cãi trong nghiên cứu này. Vấn đề cân nặng từ lâu đã là mối quan tâm hàng đầu với y học, cả trên khía cạnh thẩm mỹ lẫn những tác động của nó lên các loại bệnh lý tim mạch. Những bằng chứng và số liệu đưa ra từ các nghiên cứu khác nhau vẫn tỏ ra khá mâu thuẫn, và có lẽ chúng ta vẫn cần phải có thêm thời gian để có được câu trả lời thực sự chính xác.
Tham khảo: Howstuffworks
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?