Nghiên cứu mới cho thấy sự tiến hóa của mắt cá chân và bàn chân đã giúp động vật có vú vươn lên chiếm lĩnh Trái Đất

    Đức Khương,  

    Một nghiên cứu cho thấy sự tiến hóa của mắt cá chân và xương bàn chân thành các hình dạng và kích thước khác nhau đã giúp động vật có vú thích nghi và phát triển mạnh mẽ sau sự tuyệt chủng của loài khủng long.

    Các nhà nghiên cứu cho biết, sự gia tăng tiến hóa sau cuộc đại tuyệt chủng cách đây 66 triệu năm cho phép các loài động vật có vú phát triển đa dạng hóa và thịnh vượng trong thời kỳ Trái Đất có sự thay đổi lớn.

    Các nhà nghiên cứu cho biết, phân tích xương cho thấy rằng các loài động vật có vú trong thời gian này (Kỷ Paleocen) đã thành một phần của mắt cá chân và gót chân

    Nghiên cứu mới cho thấy sự tiến hóa của mắt cá chân và bàn chân đã giúp động vật có vú vươn lên chiếm lĩnh Trái Đất - Ảnh 1.

    Mesonychia là (bộ) đơn vị phân loại gồm các động vật móng guốc đã tuyệt chủng có kích thước trung bình đến lớn, chúng là các loài ăn thịt liên quan đến Artiodactyla. Mesonychia xuất hiện đầu tiên trong đầu Kỷ Paleocen và diệt vong hoàn toàn khi chi cuối cùng - Mongolestes, đã tuyệt chủng ở đầu thế Oligocen.

    Các nhà cổ sinh vật học tại Đại học Edinburgh, Vương quốc Anh đã phát hiện ra điều này bằng cách so sánh cấu trúc giải phẫu của một số loài động vật có vú trong Kỷ Paleocen với các loài từ Kỷ Phấn trắng và những loài động vật có vú đang tồn tại ngày nay.

    Họ đã phân tích các phép đo ở bàn chân và xương mắt cá chân - cung cấp những hiểu biết sâu sắc về lối sống và kích thước cơ thể của động vật của hơn 40 loài thuộc Kỷ Paleocen. Sau đó, nhóm nghiên cứu đã đối chiếu kết quả với dữ liệu từ các loài động vật có vú còn sống ngày nay và động vật có vú tồn tại trong Kỷ Phấn trắng.

    Phát hiện của họ cho thấy rằng các loài động vật có vú trong Kỷ Paleocen có cơ thể chắc chắn hơn, cơ bắp hơn so với những loài từ Kỷ Phấn trắng hoặc ngày nay.

    Nghiên cứu mới cho thấy sự tiến hóa của mắt cá chân và bàn chân đã giúp động vật có vú vươn lên chiếm lĩnh Trái Đất - Ảnh 2.

    Tái tạo một loài động vật có vú trong Kỷ Paleocen sống cách đây khoảng 65 triệu năm. Các động vật có vú Kỷ Paleocen vẫn chưa có các răng/chi chuyên biệt hóa như động vật có vú ngày nay và tỷ lệ trọng lượng bộ não với trọng lượng cơ thể của chúng còn rất thấp. Khi so sánh với các dạng động vật có vú phát triển muộn hơn thì chúng chỉ là các dạng nguyên thủy. Mãi cho tới thế Eocen thì các động vật có vú hiện đại thật sự mới phát triển. Các chứng cứ hóa thạch thuộc Kỷ Paleocen là khá hiếm và vì thế người ta còn biết rất ít về các động vật có vú của thời kỳ này.

    Các khớp của động vật trong thời kỳ này cũng rất cơ động - được hỗ trợ bởi dây chằng và gân thay vì các đặc điểm xương như ở một số động vật có vú sống ngày nay. Nhóm nghiên cứu cho rằng chính đặc điểm này đã giúp cho chúng thích nghi và tiến hóa nhanh hơn các loài khác sau thời kỳ đại tuyệt chủng của khủng long.

    Mắt cá chân và bàn chân của nhiều loài gần giống với mắt cá chân và bàn chân của động vật có vú sống trên mặt đất và sống trong hang tồn tại ngày nay, điều này cho thấy những lối sống này chính là chìa khóa để tồn tại và phát triển sau cuộc tuyệt chủng hàng loạt do tác động của một tiểu hành tinh.

    Ví dụ, khả năng đào bới dưới lòng đất có thể đã giúp các loài động vật có vú sống sót sau sự tàn phá ban đầu, trong khi việc mất môi trường sống trên cây sau thời kỳ tuyệt chủng có thể đã khiến cho nhiều loài động vật có vú tiến hóa để có thể sinh sống dưới mặt đất.

    Nghiên cứu mới cho thấy sự tiến hóa của mắt cá chân và bàn chân đã giúp động vật có vú vươn lên chiếm lĩnh Trái Đất - Ảnh 3.

    Động vật có vú lần đầu tiên xuất hiện trong kỷ Trias và phát triển ngay sát cạnh khủng long, chúng khai thác các hốc sinh thái không bị các động vật to lớn và nổi tiếng hơn này của đại Trung Sinh động chạm tới: trong các bụi cây thấp và cao trên cây của các cánh rừng có nhiều côn trùng. Các động vật có vú nhỏ bé này (cũng như chim, bò sát, động vật lưỡng cư và côn trùng) đã thoát khỏi sự tuyệt chủng hàng loạt mà các loài khủng long không tránh được ở cuối kỷ Creta, giúp cho động vật có vú có thêm cơ hội đa dạng và phát triển trên khắp thế giới. Trong khi các động vật có vú thời kỳ đầu có vóc dáng nhỏ bé và kiếm ăn về đêm, với khẩu phần ăn là rau cỏ và côn trùng thì sự diệt vong của khủng long cùng sự khởi đầu của thế Paleocen lại cho thấy chúng đã to lớn hơn, hung dữ hơn và cuối cùng trở thành những động vật ăn thịt thống trị và lan rộng trên khắp thế giới.

    "Trọng tâm trong nghiên cứu của chúng tôi là muốn tìm hiểu xem các loài động vật có vú trong Kỷ Paleocen đã tiến hóa về mặt giải phẫu như thế nào và điều này có liên quan gì đến các khía cạnh như lối sống và sự thích nghi của chúng với môi trường mới khi các loài khủng long đã tuyệt chủng", Tiến sĩ Sarah Shelley cho biết,

    Xét về mặt giải phẫu của các loài động vật có vú trong Kỷ Paleocen, chúng có xu hướng tồn tại nhiều đặc điểm tiền thân "cổ xưa" và không có những đặc điểm đặc thù rõ ràng của các nhóm động vật có vú ngày nay.

    "Những gì chúng tôi tìm thấy là sự đa dạng đáng kinh ngạc - chúng đang thích nghi và phát triển cơ thể để có thể mạnh mẽ và linh hoạt hơn theo những cách khác xa với động vật có vú ngày nay. Kết quả của chúng tôi cho đã cho thấy một trong nhiều cách động vật có vú tiến hóa để có thể thích nghi và phát triển sau sự tuyệt chủng cuối kỷ Phấn trắng", Tiến sĩ Sarah Shelley cho biết thêm.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ