Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo là nghề hot nhất thế giới hiện nay, được trả lương triệu USD kể cả khi chẳng làm việc

    Trang Thu, Trí Thức Trẻ 

    Tiết lộ về mức lương của các nhà nghiên cứu về AI - Trí tuệ nhân tạo tại phòng thí nghiệm OpenAI của Elon Musk cho thấy rằng đây là một nghề hot nhất thế giới ở thời điểm hiện tại. Thậm chí có những nhà nghiên cứu được trả lương cả triệu USD kể cả khi họ không làm việc.

    Một trong những bí mật gây chấn động nhất từng được tiết lộ tại Silicon Valley chính là mức lương mà thưởng cao ngất ngưởng của các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực phát triển trí tuệ nhân tạo . Đến nay, thêm một số liệu báo cáo thuế về thu nhập của các chuyên gia tại phòng thí nghiệm OpenAI do Elon Musk làm chủ cũng đã khiến thế giới phải ngạc nhiên trước thu nhập thuộc hàng top của các nhà nghiên cứu tại đây.

    Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo là nghề hot nhất thế giới hiện nay, được trả lương triệu USD kể cả khi chẳng làm việc - Ảnh 1.

    Theo đó thì OpenAI trả cho nhà nghiên cứu đứng đầu phòng thí nghiệm Ilya Sutskever hơn 1,9 triệu USD trong năm 2016. Bên cạnh đó, đáng chú ý nhất phải kể đến chính là khoản chi trả cho nhà nghiên cứu Ian Goodfellow hơn 800.000 USD kể cả khi ông này chưa làm việc tại đây, mãi tới tháng 03, nhà nghiên cứu này mới về làm việc cho OpenAI. Cả hai nhân sự trên đều được tuyển mộ từ Google.

    Một cái tên đáng chú ý khác là Pieter Abbeel, được trả tới 425.000 USD dù rằng tới giữa năm 2016 ông mới về làm tại OpenAI sau khi rời bỏ vị trí giáo sư tại trường Đại Học California, Berkeley.

    Thông thường, thông tin về các khoản lương, thưởng, các khoản thuế thu nhập của nhân sự tại Silicon Valley đều được giữ kín nhưng theo luật thì chúng phải được công khai nếu đơn vị họ làm việc không sinh ra một đồng lợi nhuận nào. Như trường hợp của phòng thí nghiệm OpenAI cũng vậy, dù không sinh ra một đồng lợi nhuận nào trong suốt những năm qua nhưng các nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo vẫn được nhận mức lương khủng khiến nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác phải ghen tị.

    Lý giải cho điều này, các chuyên gia kinh tế cho rằng lương của các nhà nghiên cứu phát triển AI cao như vậy là bởi hiện tại trên thế giới, nhân lực cho ngành này rất hiếm. Theo khảo sát của phòng nghiên cứu Element AI tại Canada, ước tính trên thế giới chỉ khoảng 22.000 người có đủ kĩ năng cần thiết để thực sự nghiên cứu AI một cách nghiêm túc mà thôi.

    "Nhu cầu về nhân lực của ngành này rất cao" Chris Nicholson, founder kiêm người đứng đầu hiện tại của Skymind, một startup về phát triển AI cho biết.

    Đây thực sự là thời điểm khó khăn cho các tổ chức chính phủ hay các trường đại học. Bởi đây cũng là những nơi cần tuyển mộ chuyên gia nghiên cứu phát triển AI nhưng lại khó có thể trả mức lương cao ngất trời như các đơn vị tư nhân.

    Vào năm 2015, Elon Musk, CEO của Tesla và cũng được coi là một trong những nhân vật nổi tiếng với những ý tưởng táo bạo trong làng công nghệ đã mở ra OpenAI, đặt trụ sở tại phía bắc Silicon Valley thuộc San Francisco. Phòng thí nghiệm này đã chiêu mộ được khá nhiều nhà nghiên cứu của Google và Facebook để phát triển trí tuệ nhân tạo.

    Trong một bài viết từng được đăng tải trên The New York Times, một chuyên giá về AI dù chưa có kinh nghiệm nghiên cứu thực tế, ứng dụng nào trong công nghiệp cũng có thể được trả từ 300.000 đến 500.000 USD một năm, chưa tính tới các khoản thưởng về cổ phiếu mà họ có thể được nhận thêm.

    Không chỉ tại OpenAI mà tại DeepMind, trung tâm nghiên cứu về AI của Google cũng phải chi trả tổng cộng 138 triệu USD cho hơn 400 nhân viên của mình mỗi năm. Như vậy, trung bình lương của 1 nhân viên tại trung tâm nghiên cứu này đã là 345.000 USD.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ