Là một người dùng Leica đã nhiều năm, đây là những cảm nhận của anh Hoàng Tuấn, sau khoảng 1 tháng trải nghiệm camera trên chiếc Xiaomi 13 Pro.
Xiaomi mới đây đã giới thiệu dòng sản phẩm Xiaomi 13 series tại thị trường Việt Nam. Đây là thế hệ flagship tiếp theo của Xiaomi được giới thiệu tới người dùng Việt.
Bộ đôi Xiaomi 13 và Xiaomi 13 Pro nổi bật với thiết kế cao cấp, sang trọng, phần cứng mạnh mẽ, kèm theo đó là hệ thống camera được nâng cấp mạnh mẽ với sự kết hợp của thương hiệu Leica tới từ Đức, hứa hẹn sẽ "nâng tầm" trải nghiệm sử dụng camera trên smartphone.
Từ một thương hiệu có camera không được đánh giá cao, Xiaomi gần như "lột xác" sau màn kết hợp với Leica. Leica là một trong những thương hiệu máy ảnh lâu đời và có tiếng trên thế giới. Các dòng máy ảnh và ống kính Leica đều có chất lượng cực kỳ cao, có chất màu riêng và tất nhiên mức giá để "chơi" Leica cũng không hề rẻ.
Là một người dùng Leica đã nhiều năm, anh Lê Hoàng Tuấn, cây viết của trang tin công nghệ GenK đã có những cảm nhận chân thực về chất lượng ảnh chụp trên Xiaomi 13 Pro, qua đó so sánh với máy ảnh Leica để có cái nhìn khách quan nhất.
Từ trước tới nay, điện thoại Xiaomi chưa bao giờ khiến tôi cảm thấy ấn tượng về chất lượng ảnh. Dù gì so với máy ảnh chuyên dụng, smartphone cũng chỉ ở một giới hạn nhất định. Về việc hợp tác với Leica, ban đầu tôi cho rằng đây chỉ có thể một chút "hương vị" chứ không mong chờ về lượng cuối.
Ngay khi được chạm vào chiếc Xiaomi 13 Pro, tôi đã tự đánh giá chiếc máy này có chất lượng ảnh chỉ khoảng 5 - 6 điểm so với thang 10 điểm của máy ảnh Leica thôi. Cũng đúng thôi bởi dù là một chiếc điện thoại có cao cấp đến đâu thì cũng khó lòng mà đạt được điểm tuyệt đối, nên việc Xiaomi có gắn thêm logo chấm đỏ cũng khiến tôi hoài nghi ngay từ ban đầu.
Để có được một trải nghiệm chân thực nhất, tôi đã sử dụng Xiaomi 13 Pro trong khoảng 1 tháng, chụp khá nhiều thể loại ảnh và so sánh với cả máy ảnh Leica thật sự để xem xem chất lượng ảnh giữa điện thoại Xiaomi và máy ảnh Leica có sự chênh lệch như thé nào. Dưới đây là những gì tôi có thể cảm nhận được từ camera của chiếc Xiaomi 13 Pro này.
Thiết bị mà tôi sử dụng để so sánh với Xiaomi 13 Pro trong bài viết này là máy ảnh Leica M10-P cùng với ống kính Summilux-M 35mm F/1.4 ASPH. Dù không cùng tiêu cự nhưng tôi sẽ cố gắng so sánh một cách khách quan nhất.
Về màu sắc: Có thể nói nhờ thuật toán xử lý màu cùng với HDR nên ảnh trên Xiaomi 13 Pro "nịnh" hơn hẳn so với Leica M10-P. Tất nhiên chẳng ai chụp máy ảnh mà ra là "ngon" liền được mà phải qua "xào nấu". Nhưng với smartphone thì thuật toán đã "nêm nếm gia vị" giúp bạn rồi. Ảnh từ điện thoại này đã có thể up lên ngay được mà không cần chỉnh gì, ngược lại với máy ảnh thì ta phải tốn thêm thời gian chép từ thẻ vào máy tính rồi mở phần mềm hậu kỳ thì mới được chất lượng ưng ý.
Nhưng nói như vậy không có nghĩa chất lượng từ máy ảnh ra "tệ" hơn so với smartphone. Nếu bạn bỏ thời gian để hậu kỳ, nó sẽ là sự khác biệt rất lớn, chưa kể là độ phân giải ở cảm biến Full Frame nó sẽ khác nhiều so với cảm biến dạng 1 inch của Xiaomi 13 Pro. Thật sự nếu đem đi in ấn khổ to thì đặt cạnh nhau sẽ biết ai là người chiến thắng mà thôi.
Filter BW Leica (Đen-Trắng) trên Xiaomi 13 Pro rất đáng trải nghiệm. Độ chuyển từ xám sang đen rất mượt, và nếu bạn nhìn ở đây khi tôi có chụp so sánh với máy ảnh Leica M10-P (cũng chọn chế độ Monochrom) thì nhìn khá giống nhau về tông, còn khả năng xóa phông thì tất nhiên chưa bàn đến.
Tuy nhiên nếu tính đến sự tiện lợi, nhanh chóng, "mì ăn liền", không quan tâm đến in ấn hay thương mại mà chỉ cần phục vụ cho việc chia sẻ mạng xã hội thì điện thoại đã hơn 1 bậc, chưa kể là màu sắc từ Xiaomi 13 Pro này quá ổn và trong.
Lợi điểm tiếp theo của Xiaomi 13 Pro là gọn nhẹ, với việc đi du lịch thì nó phục vụ quá tốt cho nhu cầu của tôi, từ góc rộng cho tới zoom tiêu cự 75mm, điều mà với 1 chiếc Leica M10-P mà tôi đang cầm cần phải thay ống kính thì mới làm được. Chưa kể đó là việc lấy nét tay trên máy ảnh Leica dòng M cũng sẽ có chút cản trở trong một vài trường hợp, khi mà đi du lịch ta cần sự nhanh gọn để đỡ tốn thời gian.
Một ví dụ về khả năng "mì ăn liền" của smartphone vượt trội hơn hẳn so với máy ảnh chuyên dụng là khả năng xử lý Auto HDR ngay lập tức mà không cần phải hậu kỳ.
Với máy ảnh chuyên dụng, vùng sáng không được xử lý ngay mà người dùng cần phải hậu kỳ, trong khi đó điện thoại có thể lấy lại ngay lập tức vùng trời bị cháy sáng nhờ AI
Nhìn chung, quan điểm của cá nhân tôi khá rõ ràng: khi đi du lịch hay chụp snapshot hàng ngày thì 1 chiếc điện thoại sẽ thực hiện được tốt việc của nó, cộng thêm việc Xiaomi 13 Pro hợp tác với Leica đã tạo ra được tone màu rất ưng ý khiến tôi có hứng chụp hơn nữa.
Quả thật, thực tế chụp chân dung là điểm tôi rất khó nói, bởi tùy trường hợp mà có lúc Leica vượt trội còn có lúc thì ngược lại.
Như ở ảnh dưới đây, lợi thế camera tele tiêu cự 75mm của Xiaomi 13 Pro đã giúp khả năng xóa phông chân dung tốt hơn so với ống kính 35mm F/1.4 ASPH. mà tôi đang lắp trên máy ảnh Leica (để tối ưu thiết bị khi du lịch, tôi chỉ mang đúng 1 ống kính để sử dụng mà thôi, tránh lỉnh kỉnh cũng như tốn thời gian thay đổi ống kính). Rõ ràng là ảnh xóa phông trong trường hợp này của Xiaomi ấn tượng hơn hẳn.
Hay như với ảnh trên, máy ảnh Leica đã gặp hiện tượng flare khiến tấm ảnh bị phủ 1 lớp mờ mờ. Với những ai thích kiểu ảnh vintage thì chắc sẽ chọn tấm chụp từ máy ảnh, còn với ai thích kiểu nét rõ thì sẽ thiên về Xiaomi. Cá nhân tôi thì theo hướng chọn từ máy ảnh ở trường hợp này bởi nó có tone nhẹ nhàng hơn.
Còn ở cặp ảnh cuối cùng này, dù dùng camera tele cùng thuật toán nhưng có vẻ Xiaomi 13 Pro khó có thể "xóa" được tốt do tiền cảnh và hậu cảnh khá dày đặc khiến AI không biết "xử" thế nào cho hợp tình hợp lý. Trong khi đó với máy ảnh, tôi có thể chủ động được điều này. Hay nói cách khác, tự thân vận động đôi khi vẫn hơn là AI!
Sau một tháng trải nghiệm Xiaomi 13 Pro với những cảm xúc mới lạ, để cho rằng bỏ máy ảnh để chuyển sang chụp bằng điện thoại thì có lẽ tôi sẽ trả lời luôn là không nên.
Máy ảnh dù là crop hay Full Frame, hay thậm chí là M3/4 thì vẫn có lợi thế là ống kính mở khẩu lớn, nổi khối hơn, độ sâu trường ảnh tốt hơn, và hơn hết bạn chủ động được trong các tình huống lấy nét phức tạp.
Tuy nhiên, điện thoại thì có lợi thế gọn nhẹ, lấy nét nhanh, bắt nhanh khoảnh khắc mà không tốn thời gian đứng lấy nét tay như máy ảnh. Nếu bắt buộc phải chọn 1 trong 2 để đi du lịch hay snapshot, tôi sẽ chọn 1 chiếc smartphone như Xiaomi 13 Pro đây vì tính nhỏ gọn cũng như tái hiện được 1 phần nào đó màu sắc, tone, mood của Leica, còn nếu để khi chụp thương mại hoặc chân dung, có lẽ máy ảnh Leica vẫn là thiết bị mà tôi tin dùng hơn.
Như vậy tuỳ vào từng nhu cầu của bản thân mà bạn sẽ đưa ra được câu trả lời chính xác hơn rằng liệu có nên sử dụng điện thoại thay thế cho máy ảnh chuyên nghiệp hay không.
Thế Duyệt
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4