Nhà phát triển mạng xã hội phát tín hiệu đã qua thời kỳ được sử dụng miễn phí trong khi nhiều người dùng cho rằng việc trả phí để sử dụng tiện ích là quan hệ "win - win"
Không dừng lại ở việc thu phí người dùng thông thường để tiếp cận phiên bản không quảng cáo nhằm nâng chất lượng trải nghiệm, các mạng xã hội còn tăng cường chính sách thu phí đối với những tài khoản cần xác thực "chính chủ", tài khoản kiếm tiền trên nền tảng.
Trả phí cho mọi tính năng trên X
Kể từ khi tiếp quản nền tảng mạng xã hội X (tên cũ là Twitter) vào năm ngoái, tỉ phú Elon Musk đã tìm cách thu tiền từ nền tảng này. Gây chú ý nhất là khoản phí 1 USD/năm bắt buộc đối với người dùng ở New Zealand và Philippines để được xác nhận "không phải bot", tức có thể truy cập X.
Tỉ phú Elon Musk cũng bắt đầu tính phí cho các tính năng trên nền tảng X với nỗ lực tăng doanh thu trở lại. Cụ thể, tháng 10 vừa qua, nền tảng này công bố bán tick xanh xác minh tài khoản cho người dùng mua gói thuê bao Premium với 8 USD/tháng và gói thuê bao Premium+ với 16 USD/tháng.
Trong đó, riêng với gói Premium+, người dùng được hứa hẹn giúp tăng mạnh lượng tương tác, chặn hiển thị quảng cáo ở mức độ cao hơn các gói khác và được đăng ký để sử dụng thử chatbot Grok - đối thủ của ChatGPT sẽ được tích hợp vào nền tảng X.
Mạng xã hội X cũng thu hút người dùng khi tung ra một chương trình mới khá hấp dẫn nhằm chia sẻ doanh thu quảng cáo với cộng đồng nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng này. Chương trình cho phép nhà sáng tạo nội dung kiếm được một phần doanh thu được tạo từ quảng cáo hiển thị trong các câu trả lời trên bài viết của họ nếu đáp ứng một số tiêu chí bắt buộc gồm: đăng ký tick xanh, có ít nhất 5 triệu lượt hiển thị trên các bài đăng được tích lũy trong vòng 3 tháng và có ít nhất 500 người theo dõi.
Facebook không chịu đứng yên
Theo đuổi chiến lược không giống mạng xã hội X nhưng nền tảng Facebook của Meta cũng không bỏ qua cơ hội tận thu nhiều nhất từ cộng đồng người dùng khổng lồ.
Anh Vũ Anh Vinh (TP Thủ Đức, TP HCM) bất ngờ khi phát hiện Facebook đã đổi thông tin cá nhân của mình thành "người sáng tạo nội dung số" mà không nhận được thông báo. "Tôi hỏi thì biết nhiều bạn bè của mình cũng được chuyển chế độ như vậy. Đây là chế độ dành cho các doanh nghiệp, người nổi tiếng và hỗ trợ chạy quảng cáo nhằm gia tăng sự lan tỏa, tương tác với cộng đồng Facebook. Không rõ Facebook có "ý đồ" gì khi chuyển chế độ của người dùng bình thường? Có thể họ muốn "câu" thêm tài khoản chạy thử quảng cáo" - anh Vinh băn khoăn.
Chị P.K.N. (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) cho biết gần đây nhiều bạn bè hỏi chị về những bài đăng quảng cáo bằng tài khoản nhãn hàng xuất hiện ngay trong trang cá nhân Facebook của chị. "Tôi không nhìn thấy quảng cáo, chỉ bạn bè vào trang cá nhân của tôi mới tiếp cận được những quảng cáo này tùy theo sở thích, mối quan tâm. Phía Facebook không hề thông báo về hoạt động liên kết quảng cáo và tôi cũng không nhận phí từ hoạt động quảng cáo trên chính trang của mình" - chị Ngân ngỡ ngàng nói và cho rằng mình đang bị mạng xã hội Facebook lợi dụng.
Kiếm tiền từ quảng cáo vẫn là nguồn thu quan trọng của các nền tảng mạng xã hội. Do đó, việc chạy quảng cáo thông thường trên bản tin Facebook vẫn được duy trì, thậm chí một số người dùng phản ánh là tần suất ngày càng dày đặc hơn. "Chỉ cần lướt bản tin tầm 2-3 phút sẽ thấy 3-4 quảng cáo về tour du lịch, ô tô, mỹ phẩm, thời trang..., nhất là những sản phẩm mình càng quan tâm thì tần suất hiện quảng cáo ngày càng nhiều" - anh Mạnh Duy (quận 3, TP HCM) phản ánh.
Chi phí để một tài khoản cá nhân được gắn huy hiệu Subscribed và tiếp cận thông tin độc quyền trên trang của tỉ phú Elon Musk là 4 USD/tháng. Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Người dùng phản ứng ra sao?
Trái với dự đoán về việc người dùng mạng xã hội phản đối nền tảng thu phí sử dụng các tính năng bổ sung, nhiều người dùng - nhất là những tài khoản kiếm tiền trên các nền tảng - cho rằng đây là quan hệ "win - win", cùng có lợi.
Theo tìm hiểu của phóng viên, số lượng người Việt Nam sử dụng mạng xã hội X ngày càng nhiều, đặc biệt là cộng đồng người dùng hoạt động với mục đích kiếm thu nhập từ chính sách chia sẻ doanh thu quảng cáo của ông Elon Musk. "Nếu tài khoản đạt các tiêu chí bắt buộc, bật kiếm tiền được thì khoản phí 8-16 USD/tháng để được gắn tick xanh không đáng là bao. Tuy nhiên, người dùng phải tập trung xây dựng thương hiệu, xây dựng nội dung thu hút lượt theo dõi và duy trì sức nóng của tài khoản thì mới được chia sẻ doanh thu quảng cáo" - H.L, một tài khoản tick xanh trên mạng xã hội X, cho hay.
Tương tự, với người dùng Facebook, nếu nền tảng thu phí hạn chế hiển thị quảng cáo đối với người dùng Việt Nam mà không đồng thời hạn chế các tính năng khác thì cũng không ảnh hưởng nhiều. Tất nhiên, người dùng không trả phí sẽ phải chấp nhận tiếp cận phiên bản không "sạch".
Dưới góc độ chuyên gia bảo mật, ông Phạm Đình Thắng không đồng tình với việc Facebook tự ý chạy quảng cáo trong trang cá nhân của người dùng. "Việc tự ý quảng cáo ở trang cá nhân mà không được sự đồng ý là thiếu tôn trọng người dùng. Nếu điều này xảy ra ở các nước phát triển, nền tảng mạng xã hội có thể phải đối diện với nhiều rắc rối pháp lý" - ông Thắng nhìn nhận.
Với việc nền tảng X bán tick xanh cho bất cứ tài khoản nào cần dẫn đến tình trạng đăng tải thông tin không kiểm chứng, ông Thắng lưu ý người dùng mạng xã hội nâng cao nhận thức, thận trọng trước các thông tin để bảo đảm an toàn cho bản thân. Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho rằng việc các nền tảng mạng xã hội thu phí người dùng là xu thế tất yếu để duy trì hoạt động kinh doanh.
Theo ông Tạ Công Sơn (dự án Chống lừa đảo), Facebook cần thông báo, xin phép người dùng khi quảng cáo trên trang cá nhân của họ. Còn đối với các nền tảng mạng xã hội nói chung, do tình trạng tin giả, tin chưa kiểm chứng ngày càng nở rộ nên người dùng cần cẩn trọng để không rơi vào bẫy lừa.
Tính năng Subscription của tỉ phú Elon Musk bị ế
CEO Tesla còn đổi tính năng Super Follow thành Subscription trên tài khoản mạng xã hội X của mình. Nếu trả 4 USD/tháng cho tính năng này, người dùng sẽ được cấp huy hiệu đặc biệt với nhận diện màu tím khá nổi bật, được tiếp cận các nội dung độc quyền mà người dùng khác không đọc được - bao gồm dạng văn bản có số lượng chữ nhiều và video thời lượng dài. Đặc biệt, người theo dõi cũng sẽ có cơ hội trò chuyện với tỉ phú Elon Musk.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có hơn 130 tài khoản đăng ký tính năng này trên toàn cầu.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming