Người Mỹ hãy coi chừng, tổng thống Putin đã gia nhập cuộc đua chế tạo tàu siêu tốc Hyperloop

    Nam Nguyễn,  

    Người đứng đầu nước Nga tin rằng loại hình giao thông mới này sẽ làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của nền kinh tế toàn cầu.

    Khi Elon Musk mới chỉ là một triệu phú mới nổi, đến Nga để hỏi mua tên lửa vào năm 2001, ông đã bị các quan chức Nga coi thường và xem như một kẻ lập dị ngông cuồng. Nhưng giờ thì chẳng ai ở Matxcơva dám cười nhạo Elon Musk nữa.

    Kể từ khi Elon Musk khởi xướng ý tưởng về một loại hình giao thông mới vào năm 2013 - tàu siêu tốc Hyperloop, Nga đã trở thành nhà đầu tư tích cực vào loại phương tiện mới này. Trong buổi nói chuyện với Shervin Pishevar tại diễn đàn kinh tế quốc tế vừa qua ở St. Petersburg, tổng thống Putin đã cam kết ủng hộ phát triển công nghệ trên. Shervin Pishevar là một người bạn của Elon Musk, cổ đông của Uber và là nhà đồng sáng lập của Hyperloop One, start-up về tàu siêu tốc Hyperloop ở Mỹ.

    “Ngài tổng thống đã bày tỏ sự quan tâm lớn về dự án này và hứa hỗ trợ tài chính để triển khai nó”, phát ngôn viên của tổng thống Putin, Dmitry Peskov nói.

    Hyperloop One là một trong ít nhất hai công ty đang chạy đua để hiện thực hóa giấc mơ cách mạng phương thức vận chuyển con người và hàng hóa trên trái đất của Elon Musk. Phần lớn trong số tiền 100 triệu USD công ty này xin tài trợ được đến từ ông trùm ngành vận tải của Nga Ziyavudin Magomedov, người sở hữu một loạt các hải cảng ở vùng Viễn Đông, Biển Đen và Biển Baltic. Các nhà đầu tư khác của công ty gồm có quỹ đầu tư của chính phủ Nga RDIF và công ty đường sắt của Phâp SNCF. Elon Musk không tham gia vào Hyperloop One.

    Hyperloop One, công ty có trụ sở ở Los Angeles, đã tiến hành các nghiên cứu khả thi với Nga và ít nhất hai nước Châu Âu khác. Hãng cũng hợp tác với các nhà thiết kế hàng đầu như Deutsche Bahn E&C của Đức. Vào tháng 5 năm nay, Hyperloop One đã tiến thành thử nghiệm ý tưởng sơ bộ ở sa mạc Nevada (Mỹ). Trong thử nghiệm này, họ đã cho tăng tốc một xe đẩy trên đường ray kim loại từ 0 lên 116 dặm/giờ (187 km/giờ) chỉ trong có 1,1 giây.

    Nhưng vẫn còn nhiều thách thức lớn trước khi công ty này đáp ứng được mục tiêu vận hành thương mại vào năm 2020. Mục tiêu tiếp theo của công ty là phát triển một mẫu hệ thống đường ống chân không và đường ray từ hoàn chỉnh vào trước tháng 1 năm sau. Nếu thành công, công ty này sau đó sẽ tập trung vào cải thiện công nghệ đẩy, dựa trên các động cơ cảm ứng từ và máy nén không khí, để đạt được tốc độ cao hơn trong khi vẫn đảm bảo an toàn và sự tiện nghi cho hành khách.

    Trong đề án ban đầu, Elon Musk dự đoán một đường ống Hyperloop dài 400 dặm có thể giúp giảm thời gian di chuyển giữa Los Angeles và San Francisco xuống 35 phút, và được xây với giá chỉ 6 tỷ USD, hay 15 triệu USD một dặm.

    Nhưng các quan chức Nga nghĩ rằng họ có thể xây dựng đường ống trên với giá rẻ hơn. Bộ giao thông Nga cùng với Hyperloop One và tập đoàn Summa Group của Magomedov đã ký một thỏa thuận tại diễn đàn St. Petersburg, để nghiên cứu xây dựng một đường ống Hyperloop. Đường ống này dài 44 dặm, nối tỉnh Cát Lâm của Trung Quốc với cảng Zarubino của Nga tại Biển Nhật Bản với giá chỉ 460 triệu USD, và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2020.

    “Nga là nước đầu tiên bay vào vũ trụ với tên lửa Sputnik, và có thể là nước đầu tiên chế tạo thành công phương tiện giao thông đường bộ với tốc độ âm thanh”, Phó chủ tịch của Hyperloop One, Bruce Upbin phát biểu.

    Tại St. Petersburg, nhà đồng sáng lập của Hyperloop One, Pishevar cũng đã ký các thỏa thuận với Summa Group và chính quyền thành phố Matxcơva để nghiên cứu kết nối các sân bay lớn của Nga với trung tâm thành phố bằng Hyperloop.

    “Tổng thống Putin nói Hyperloop sẽ làm thay đổi hoàn toàn nền kinh tế toàn cầu”, Pishevar chia sẻ sau buổi gặp với người đứng đầu nước Nga.

    Tham khảo: Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ